07:21 27/07/2017

Ảnh vệ tinh lộ kiến trúc căn cứ quân sự Trung Quốc ở châu Phi

Hình ảnh vệ tinh mới nhất đã tiết lộ cấu trúc căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài. Kênh CNN (Mỹ) đánh giá căn cứ xây dựng tại Djibouti này lớn và vững chãi hơn so với các đánh giá trước đó.

Trang Stratfor Worldview có trụ sở tại Mỹ và công ty Allsource Analysis (Mỹ) đã công bố hai bức ảnh vệ tinh về căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Djibouti. Cơ sở này được bảo vệ bởi 3 lớp an ninh và có diện tích khoảng 23.000 mét vuông không gian ngầm dưới mặt đất.

Bức ảnh vệ tinh chụp ngày2/4.

Stratfor Worldview nhận xét: “Loại công trình này phù hợp với tập quán của Trung Quốc nâng cao tính bảo mật cho căn cứ quân sự của họ. Những công trình dưới ngầm đảm bảo cho các hoạt động không muốn bị phát hiện, đồng thời bảo vệ những phương tiện, thiết bị trọng yếu với những chiến dịch của Trung Quốc ở Djibouti”.

Trung Quốc đã điều binh sĩ tới căn cứ quân sự ở Djibouti từ đầu tháng này. Mỹ, Pháp và Nhật Bản cũng đặt căn cứ quân sự tại Djibouti tuy nhiên được đánh giá chưa đạt ngưỡng mật độ an ninh dày đặc như cơ sở của Trung Quốc.

Kênh CNN dẫn lời nhà phân tích cấp cao Sim Tack tại Stratfor Worldview cho rằng tuy tại Djibouti có căn cứ quân sự của nhiều quốc gia nhưng Trung Quốc có phương pháp riêng với đất nước châu Phi này.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc tự ca ngợi căn cứ quân sự tại Djibouti là cách để quân đội nước này giúp đem lại hòa bình và an ninh đến khu vực qua việc cấp phương tiện cho chiến dịch hỗ trợ nhân đạo và chống hải tặc.

Bức ảnh vệ tinh chụp ngày 4/7.

Trong hình ảnh chụp ngày 4/7, Trung Quốc chưa bắt đầu quá trình xây dựng cảng, điều này được tờ Stratfor Worldview đánh giá đáng chú ý bởi mục đích đã được Bắc Kinh bày tỏ.

Nhà phân tích Sim Tack nhận định: “Tôi sẽ không nói điều đó bất bình thường nhưng tôi cho rằng sẽ cần có một bến cảng”.

Ông Tack cho biết căn cứ này là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc thiết lập lực lượng hải quân mạnh có khả năng thực hiện các nhiệm vụ trên khắp thế giới-còn được gọi là hải quân phản ứng nhanh.

Phó giáo sư Yvonne Chiu Khoa Chính trị Đại học Hong Kong (Trung Quốc) gần đây đánh giá: “Một trong những dấu mốc để trở thành siêu cường là có năng lực của hải quân phản ứng nhanh, và Trung Quốc đang ở trong trường hợp bối rối khi tự coi mình là cường quốc tuy nhiên Bắc Kinh chưa đạt trọn vẹn khả năng của một cường quốc”.

Tuy nhiên việc xây dựng căn cứ này cũng chỉ ra rằng nó sẽ được dùng cho nhiều mục đích khác, chứ không chỉ là hải quân.

Tại căn cứ trên có đường băng và nhà chứa đủ lớn để làm nơi “đóng quân” cho nhiều loại trực thăng khác nhau, tuy nhiên lại không phù hợp với chiến đấu cơ và máy bay không người lái.

Hà Linh/Báo Tin Tức