09:18 22/09/2020

Anh và Séc cân nhắc áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt

Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ yêu cầu mọi người làm việc tại nhà và tiến tới áp đặt các biện pháp hạn chế mới đối với các quán bar, quán rượu và nhà hàng, nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang gia tăng nhanh chóng.

Chú thích ảnh
Biển nhắc nhở người dân thực hiện giãn cách xã hội tại Manchester, Anh. Ảnh: THX/TTXVN

Người đứng đầu Chính phủ Anh cho rằng nước này cần tăng cường hành động để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, trong đó có khả năng quay trở lại lệnh phong tỏa toàn quốc vốn được áp đặt hồi tháng 3 vừa qua. Chỉ vài tuần sau khi kêu gọi người dân bắt đầu trở lại làm việc, ông Johnson sẽ yêu cầu mọi người làm việc tại nhà nếu có thể. Ông cũng sẽ yêu cầu tất cả các quán bar, quán rượu, nhà hàng và các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác tại vùng England phải đóng cửa vào lúc 22h, kể từ ngày 24/9 tới. 

Tuy nhiên, Chánh Văn phòng Nội các Michael Gove cho rằng các trường học ở Anh nên duy trì mở cửa và các nơi làm việc mà cần có nhân viên có mặt như nhà máy hoặc cửa hàng cũng nên mở cửa, nhưng phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.

Ông Gove cũng cho biết Anh có thể hoãn kế hoạch cho phép một số lượng hạn chế khán giả vào sân xem bóng đá từ ngày 1/10 tới khi các biện pháp hạn chế mới được áp đặt nhằm ngăn chặn làn sóng dịch bệnh thứ hai. 

* Tại CH Séc, tân Bộ trưởng Y tế Roman Prymula ngày 22/9 cho biết nước này đang lên kế hoạch thắt chặt các biện pháp hạn chế đối với quán bar và các hoạt động công cộng, trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại Séc tăng gấp đôi trong vòng 3 tuần qua. 

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Prymula cho rằng trong những ngày sắp tới, giờ đóng cửa của các quán bar sẽ là 22h thay vì nửa đêm như hiện nay, và số người tham gia các hoạt động công cộng sẽ bị hạn chế. 

Séc đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng nhanh thứ hai ở châu Âu trong những tuần gần đây, sau Tây Ban Nha, sau khi quốc gia Trung Âu này dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế từ trước mùa Hè vừa qua, vốn được áp đặt trong đợt bùng phát dịch đầu tiên nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Theo số liệu mới nhất trên trang thống kê worldometers.info, Séc hiện có 50.764 ca nhiễm, trong đó 522 ca tử vong. Thủ tướng Andrej Babis thừa nhận các dịch vụ y tế công tại nước này đã quá tải, do đó chính phủ sẽ tập trung vào việc tăng cường công suất của bệnh viện vào cuối năm nay nhằm đáp ứng đủ nhu cầu của bệnh nhân.

* Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa ngày 22/9 đã kêu gọi người dân Madrid hạn chế đi lại và tiếp xúc xã hội nhằm kiềm chế dịch bệnh, một ngày sau khi các biện pháp phong tỏa một lần bắt đầu có hiệu lực tại một số khu vực ở Madrid. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Ordizia, Tây Ban Nha. Ảnh: AFP/TTXVN

Tây Ban Nha, một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh tại châu Âu, đang phải vật lộn để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh thứ hai đã khiến hơn 670.000 người mắc bệnh và hơn 30.000 ca tử vong.

Madrid đã trở thành tâm dịch tại Tây Ban Nha với tỷ lệ mắc bệnh là gần 700/100.000 người trong vòng 2 tuần qua, gần gấp 3 lần mức trung bình trên cả nước. Do đó, Bộ trưởng Salvador Illa kêu gọi người dân Madrid hạn chế tối đa việc đi lại và tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh theo khuyến cáo của giới chức y tế địa phương. 

Bộ trưởng Salvador Illa đưa ra lời kêu gọi trên 1 ngày sau khi lệnh phong tỏa một phần được áp đặt đối với khoảng 850.000 người tại Madrid, chủ yếu ở các khu vực đông dân cư và thu nhập thấp ở phía Nam, nơi chiếm 13% trong tổng số 6,6 triệu người ở Madrid nhưng có đến 24% số người mắc bệnh.

Các biện pháp hạn chế có hiệu lực từ ngày 21/9 nhằm hạn chế người dân ra vào các khu vực có dịch, trừ mục đích công việc, đi học hay đi bệnh viện. Chính quyền Madrid cũng quy định các sự kiện tập trung đông người sẽ giảm số người tham gia tối đa từ 10 xuống còn 6 người.

Trần Quyên (TTXVN)