01:17 02/01/2019

Anh trao hợp đồng 17,8 triệu USD cho công ty chưa từng sở hữu bất kỳ con tàu nào

Ngày 2/1, Bộ trưởng Giao thông vận tải Anh Chris Grayling đã bảo vệ quyết định trao hợp đồng vận chuyển hàng hóa trong giai đoạn hậu Brexit trị giá 14 triệu bảng (tương đương 17,8 triệu USD) cho một công ty mới đi vào hoạt động, chưa từng sở hữu bất kỳ con tàu nào.

Phát biểu trên kênh BBC, Bộ trưởng Grayling khẳng định sẽ không xin lỗi về việc ủng hộ một doanh nghiệp mới của Anh. Ông nêu rõ: "Chúng tôi đã xem xét rất cẩn thận về vấn đề này. Chúng tôi đã soạn thảo một hợp đồng chặt chẽ nhằm đảm bảo họ (các công ty) có thể vận chuyển hàng cho chúng tôi". Quan chức này cũng nhấn mạnh Seaborne Freight là một công ty khởi nghiệp và chính phủ sẽ ủng hộ các doanh nghiệp mới của Anh, khẳng định điều này không có gì sai trái.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Anh Chris Grayling. Ảnh: AFP/TTXVN

Hồi tuần trước, Bộ Giao thông vận tải Anh thông báo đã trao các hợp đồng vận chuyển hàng hóa thiết yếu đến Anh cho 3 công ty nếu nước này chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 3 tới mà không đạt được một thỏa thuận nào.

Theo các tài liệu được công bố ngay trước lễ Giáng sinh, bộ trên đã ký các thỏa thuận trị giá 107,7 triệu bảng (136,7 triệu USD) với các công ty gồm Brittany Ferries của Pháp, DFDS của Đan Mạch và Seaborne Freight của Anh. Trong đó, hợp đồng có giá trị thấp nhất thuộc về Seaborne Freight, một doanh nghiệp Anh mới chỉ bắt đầu hoạt động cách đây 2 năm và chưa từng điều hành một dịch vụ tàu phà nào trước đó.

Theo kế hoạch, Vương quốc Anh sẽ chính thức rời "mái nhà chung" EU vào ngày 29/3/2019, nhưng các nghị sĩ nước này vẫn chia rẽ sâu sắc về những điều khoản thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Theresa May và EU nhất trí hồi tháng trước. Dự kiến, Quốc hội Anh sẽ tiến hành phiên tranh luận vào ngày 9/1 tới trước khi tiến hành bỏ phiếu vào tuần tiếp theo.

Cuộc bỏ phiếu sắp tới tại Hạ viện Anh được xem là trở ngại cuối cùng, cửa ải hiểm trở nhất mà Thủ tướng May phải vượt qua trong lộ trình Brexit. Hiện có hai lựa chọn đối với các nghị sĩ: thông qua dự thảo thỏa thuận Brexit của chính phủ, hoặc chính phủ sẽ quyết định theo phương án rời EU đúng ngày đã định mà không đạt thỏa thuận. Kịch bản xấu nhất là "Brexit cứng" này, tức "cắt đứt đột ngột" không thời kỳ chuyển tiếp, sẽ gây ra những hậu quả nặng nề về kinh tế và thương mại với nước này và cũng ảnh hưởng không nhỏ tới EU.

Phương Oanh (TTXVN)