06:08 19/06/2012

Ảnh thời sự thông tấn: 55 năm đồng hành cùng dân tộc

Năm 1957, Phân xã Nhiếp ảnh Việt Nam Thông tấn xã - tiền thân của Ban Biên tập (BT) ảnh Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) - chính thức được thành lập, quy tụ những người cầm máy say nghề và giàu lòng yêu nước vào đội ngũ những người làm ảnh báo chí thời sự chuyên nghiệp của đất nước.

Năm 1957, Phân xã Nhiếp ảnh Việt Nam Thông tấn xã - tiền thân của Ban Biên tập (BT) ảnh Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) - chính thức được thành lập, quy tụ những người cầm máy say nghề và giàu lòng yêu nước vào đội ngũ những người làm ảnh báo chí thời sự chuyên nghiệp của đất nước.


Kế tiếp truyền thống hào hùng của những năm kháng chiến chống Pháp, 55 năm qua, bằng lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, nhân dân, với sự nghiệp cách mạng, đội ngũ phóng viên Ban BT ảnh đã có mặt trên mọi miền đất nước, ở những vùng đất gian nan nhất, những trận tuyến ác liệt nhất. Từ rừng sâu Tây Bắc “bạt núi mở đường” những ngày đầu kiến thiết miền Bắc, đến Trường Sơn “đỏ lửa bom thù” những ngày đánh Mỹ, từ Trường Sa ngập tràn bão gió đến những đỉnh núi cheo leo đường điện 500 kV thời kỳ dựng xây và bảo vệ Tổ quốc… tất cả đều in dấu chân của những người cầm máy thông tấn. 55 năm đồng hành cùng dân tộc, bằng mồ hôi, trí tuệ và cả máu của mình, đội ngũ những người làm ảnh thời sự thông tấn đã ghi lại bằng hình ảnh lịch sử đất nước một cách trung thực nhất, đắt giá nhất...


 

Đấu pháo ở Dốc Miếu (chụp năm 1967). Ảnh: Lương Nghĩa Dũng - TTXVN

 

Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, đất nước tạm bị chia làm hai miền, ảnh thời sự TTXVN đã phản ánh hiện thực vô cùng hào hùng của nhân dân ta trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước. Không khí bừng bừng những ngày cả miền Bắc là một công trường dựng xây chủ nghĩa xã hội với hình ảnh những người nông dân thay trời vắt đất làm mưa, những công nhân trắng đêm bên những lò luyện thép, những học sinh sáng ra trường, chiều lại chăn trâu, những người dân thành thị nô nức trong những ngày thứ bảy tình nguyện... được ghi lại qua ống kính thời sự của phóng viên thông tấn đã góp phần không nhỏ vào việc tuyên truyền, cổ vũ và tổ chức, động viên quần chúng. Mỹ leo thang mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, ảnh thời sự thông tấn bước sang một giai đoạn mới. Ngày cũng như đêm, phóng viên Ban BT ảnh có mặt tại những nơi nóng bỏng nhất. Hình ảnh anh hùng Ngô Thị Tuyển vác đạn giữa khói lửa mịt mù, La Thị Tám đếm bom thù trong tầm ngắm của máy bay, những đoàn xe nối đuôi vượt qua bãi bom, những tự vệ Hà Nội đầu trắng khăn tang nhằm thẳng quân thù mà bắn, từng dãy người cắn răng gồng mình làm bệ đỡ cầu phao cho xe ra trận, những mẹ già tóc bạc chống gậy thêm một lần tiễn con... là những hình ảnh sẽ còn mãi với tháng năm, còn mãi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.


Chiến tranh ngày càng leo thang, ba lô trên vai, những người làm ảnh thời sự thông tấn, người tiếp người, đã vượt Trường Sơn vào chiến trường đánh Mỹ. Các anh, các chị đã sát cánh cùng các phóng viên Thông tấn xã Giải phóng (Việt Nam Thông tấn xã và Thông tấn xã Giải phóng là tiền thân của TTXVN ngày nay) có mặt ở mặt trận ven đô Sài Gòn, dưới địa đạo Củ Chi, trên những vùng đất đỏ lửa ở Quảng Trị. Hình ảnh những cuộc xuống đường đấu tranh chính trị của người dân, những trận đánh ác liệt ở Nam Trung bộ, những chiến thắng dồn dập ở Tây Nguyên, Đông Nam bộ... ngày ngày được gửi ra Bắc, theo những cánh sóng, phát đi toàn thế giới, làm nức lòng đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế. Mùa xuân năm 1975, với các mũi tấn công thần tốc, phóng viên Ban BT ảnh đã cùng các cánh quân đánh chiếm Buôn Mê Thuột, giải phóng Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng... tiến vào Sài Gòn. Và trưa ngày 30/4/1975, phóng viên mặt trận của Ban BT đã ghi lại những hình ảnh lịch sử khi những chiếc xe tăng quân giải phóng băng qua cánh cổng Phủ Tổng thống ngụy Sài Gòn và lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.


 

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước (chụp năm 1972). Ảnh: Minh Trường - TTXVN

 

Với hơn 100 cán bộ, phóng viên, biên tập viên và công nhân kỹ thuật, Ban BT ảnh là đơn vị làm ảnh báo chí thời sự lớn nhất của cả nước. 55 năm qua, Ban BT ảnh đã làm tròn nhiệm vụ phản ánh và cung cấp thông tin bằng ảnh cho các phương tiện truyền thông về hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; hoạt động, thành tựu của các ngành, các địa phương trên tất cả các lĩnh vực trong công cuộc chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ban BT ảnh đã khai thác, cung cấp kịp thời các thông tin bằng ảnh về các sự kiện diễn ra hàng ngày trên thế giới và đảm bảo phát ảnh đối ngoại lên Internet, thực hiện trao đổi thông tin ảnh với hơn 10 hãng thông tấn trên thế giới.

Lịch sử sang trang, tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước, phóng viên ảnh thời sự đã có mặt trên những tuyến đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hình ảnh những ngày gian nan mình trần trên các công trường thủy lợi, những phút treo mình trên giàn khoan thăm dò dầu khí giữa trùng khơi, không khí hào hùng những ngày ngăn sông làm thủy điện, dựng cầu chinh phục những dòng sông, những chuyến lương thực xuất khẩu đầu tiên sau những năm triền miên đói kém, những ngôi trường vắt vẻo nơi bản xa, những khuôn mặt rạng ngời của một ngư dân sau vụ đánh cá bội thu... Hình ảnh tư thế đàng hoàng, đĩnh đạo của nguyên thủ nước nhà trên một hội nghị quốc tế tầm cỡ. Rồi hình ảnh những người lính ngày đêm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc nơi đảo xa đến hình ảnh vật lộn giữa dòng lũ để cứu dân của những người lính Cụ Hồ... Tất cả đều được ống kính TTXVN ghi lại góp phần cổ vũ cho sự nghiệp vẻ vang vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.


55 năm đã qua, hàng chục vạn tấm phim - ảnh do các phóng viên thời sự thông tấn chụp đã được lưu vào tư liệu quốc gia, ghi lại những khoảnh khắc thiêng liêng nhất, những dấu mốc quan trọng nhất trong chặng đường phát triển của đất nước và dân tộc. Trong số hơn 260 liệt sĩ của TTXVN, có không ít là phóng viên, kỹ thuật viên buồng tối Ban BT ảnh. Họ đã ngã xuống cho những tấm phim vô giá đó. Phóng viên Lương Nghĩa Dũng đã sát cánh cùng các pháo thủ ở Dốc Miếu, ghi lại một trong những trận đấu pháo dữ dội nhất giữa ta và địch ở Quảng Trị. Phóng viên Vũ Tạo chụp những pháo thủ nhằm thẳng quân thù mà bắn... Chu Chí Thành ghi lại hình ảnh nghẹn ngào của một nữ quân nhân khi đón đoàn tù cách mạng trên dòng sông Thạch Hãn. Lâm Hồng Long chụp hình ảnh cuộc hội ngộ đầy xúc động của hai mẹ con ngày giải phóng...


Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, Huân chương Độc lập và nhiều giải thưởng cao quý khác trong nước và quốc tế đã được trao cho nhiều phóng viên, cho tập thể Ban BT ảnh, như một sự ghi nhận công lao, thành tích của các anh, các chị. Năm tháng sẽ qua đi, những thế hệ phóng viên thời sự mới sẽ tiếp nối truyền thống của những người đi trước. Sẽ có nhiều bức ảnh mới với những kỹ thuật điêu luyện, song những hình ảnh, những khoảnh khắc mà đội ngũ làm báo bằng ảnh thời sự đã ghi lại của một thời hào hùng hôm qua và hôm nay, trong chiến đấu và dựng xây sẽ còn mãi với thời gian, sẽ còn mãi trong lòng các thế hệ Việt Nam.

 

Phạm Quyền