03:14 28/03/2018

Ánh sáng tri thức trên đỉnh Sảng Pả

Vượt đoạn đường ngoằn ngoèo qua thôn Khởi Bốc thì đến một con dốc đỏ ngược lên núi, ngẩng mặt nhìn lên không thấy đỉnh mà rơi cả mũ! Bắt đầu chặng vượt dốc đứng mỏi gối chồn chân. Hết chặng đường khổ ải, vượt qua những nương ngô, chợt một mái nhà và đỏ tươi lá cờ Tổ quốc ngỡ ngàng hiện ra trước mắt.

Thầy Đỗ Trọng Phan trong một giờ lên lớp.

- Sảng Pả kia rồi! 


Ngôi trường gỗ ba gian khang trang đứng ngay đầu làng như chào mời. Thật ngạc nhiên quang cảnh trường lớp nơi núi rừng vời vợi xa và hẻo lánh này lại sạch đẹp đến thế: ngoài sân có bồn hoa cây cảnh, trước cửa lớp học là những chậu cây cảnh bằng những gốc cây to ngộ nghĩnh. 


Đang dạy học, thầy giáo Đỗ Trọng Phan ra đón khách. Mười sáu học sinh ngồi lại trong lớp tò mò nhìn những vị khách mặt mũi vẫn còn bạc phếch vì leo núi. 


Cơ duyên đến với nghề dạy học tại Lào Cai của chàng trai quê lúa Thái Bình, Đỗ Trọng Phan là năm 1990 anh lên ở với bác ở Mường Khương. Năm đó, các huyện miền núi thiếu giáo viên trầm trọng, Phan được bác xin cho một chân hợp đồng dạy xóa mù chữ cho một thôn vùng cao của huyện. Sau đó, Phan thi đỗ vào trường Sư phạm Lào Cai. Năm 2000 ra trường, được phân về dạy học tại Thào Chư Phìn thuộc huyện Si Ma Cai. Cần mẫn vừa làm vừa học tại chức, Phan tốt nghiệp đại học được bổ nhiệm hiệu phó, rồi hiệu trưởng trường mầm non Thào Chư Phìn. Năm 2007, anh được về huyện Bảo Thắng. Năm đó, thôn Khởi Bốc của xã Phong Hải tách làm hai. Thôn Khởi Bốc nằm dưới chân núi, thôn mới Sảng Pả gồm mười hộ người Mông tít tắp vùng cao giữa trời. Vì đường đi lối lại khó khăn nên dân bản như sống trên ốc đảo. Mù chữ kéo theo nạn tảo hôn, đẻ nhiều, nghèo khổ, dễ nghe lời kẻ xấu lừa phỉnh... rồi bao nhiêu hệ lụy khác cũng do thất học mà ra. 


Trong hoàn cảnh ấy thầy giáo Đỗ Trọng Phan lên với Sảng Pả. 


Ngày đầu ngược dốc mà thấy rã rời. Tìm đến nhà trưởng thôn Giàng Seo Páo thì ông lại đi làm nương xa, khi mặt trời thẳng đứng trên đầu mới về. Nghe ông kể về thôn mà thương. Ở nơi địa hình đặc biệt, Sảng Pả “bốn không” điện, đường, trường, trạm. Mười hộ người Mông hầu hết không biết chữ. Trẻ con không có lớp. 


Chủ trương mở lớp thì dân bản đã được “tư tưởng” từ trước, nhưng không phải ai cũng muốn cho con đi học. Phan đến từng gia đình, “phát sóng ngang” vận động. Được nghe thầy giáo Kinh nói bằng ngôn ngữ dân tộc mình, gia đình nào cũng dạt dào xúc động: “Ô! Cái thầy giáo dạy học, mình sẽ cho con đi học ngay!”. Trẻ bản hoang dã chưa từng biết đến khái niệm trường lớp. Thế là, cả bản từ người lớn đến trẻ con phập phồng hồi hộp đón chờ ngày mở lớp. Cuối cùng cái ngày mong đợi ấy đã đến. Lãnh đạo huyện, Phòng Giáo dục cùng lực lượng trẻ toàn huyện ra quân hì hục khiêng bàn ghế, tấm lợp lên. Hôm đó quả là ngày hội của Sảng Pả. 


Thầy trò Phan ở trong căn lán tre lợp bạt đội công tác của huyện để lại. Thời gian đầu vô vàn khó khăn, nhất là giao tiếp bằng tiếng Kinh. Cũng may, 7 năm ở Si Ma Cai vốn liếng tiếng Mông của thầy cũng kha khá. Anh nói tiếng Mông và dạy trò tiếng Kinh. Thầy còn đến từng nhà, đề nghị các phụ huynh phát huy giao tiếp bằng tiếng Kinh trong gia đình để vợ con cùng biết tiếng. Thế là, cái ngôn ngữ phổ thông đã dần dần được phổ cập trên “ốc đảo” Sảng Pả như vậy. Đến nay, học sinh của anh nói tiếng Kinh đã tròn vành rõ tiếng. Được 1 học kỳ, huyện dựng cho ngôi nhà ba gian vững chãi. Thầy Phan vận động anh Cư Seo Tráng nhà gần trường hiến thêm đất làm sân. Bà con, nhà trường và thầy ủng hộ xi măng làm sân. Rồi thầy cùng học sinh làm vườn hoa, trồng cây cảnh, vườn thuốc nam, rỗi thì cưa đục những gốc cây để làm bồn hoa trang trí lớp học... 


Dần dần thầy trò gắn bó với nhau thân thiết. Học trò suốt ngày quấn quýt bên thầy. Sảng Pả bao năm lầm lũi, nhọc nhằn mưu sinh chợt mềm mại hơn, trẻ trung hơn với tiếng đọc bài đồng thanh, tiếng hát, tiếng nô đùa vang lên từ lớp học xinh xắn. Và tối đến, trong những căn nhà còn tuềnh toàng, nguồn sáng nhất của gia đình được ưu tiên cho góc học tập. Tiếng ê a học bài của con trẻ làm dịu đi một ngày lam lũ của những người dân bao đời vất vả... 


Thầy Phan ở gian phòng ngăn ra cho mình. Đêm đêm bên ngọn đèn dầu, anh soạn bài đến khuya, khi mí mắt trĩu xuống thì bước ra sân ngẩng mặt hứng sương lạnh, vuốt mắt cho qua cơn buồn ngủ, lại quay vào cặm cụi bên giáo án. Thầy trăn trở với môn Toán. Anh cho trò mang hạt ngô lên lớp và tỉ mỷ dạy cho các em hiểu lần lượt về các phép tính. Nhiều khi quả chanh, nắm hạt ngô cũng trở thành giáo cụ trực quan giúp học sinh nhận thức bài. Kết thúc năm học, nhà trường lên kiểm tra, cả lớp đạt tiêu chuẩn lên lớp, có tới một nửa lớp học lực khá giỏi. Phần thưởng chỉ là tập vở, cây bút và cái giấy khen của hiệu trưởng cũng được các gia đình trang trọng treo trên góc vách, ai đến chơi, chủ nhà cũng hớn hở khoe thành tích học tập của con mình... 


Cứ thế, đã ba năm Phan sống và làm việc với Sảng Pả. Đôi lần vợ yếu con đau, đành nhờ ông bà ngoại gần nhà chăm sóc. Đêm ngủ trên bản vắt tay lên trán trằn trọc thương vợ một mình gánh vác trông nom dạy dỗ hai con nhỏ, lại thấy nản. Nhưng khi đứng lớp, nhìn những đôi mắt trong veo của học trò, thầy lại không nỡ. Cũng may, cô giáo Hiền vợ anh rất đảm đang việc trường, việc nhà giúp chồng yên tâm hơn khi cả tuần dằng dặc trên núi. Lần lượt các lớp ghép hai trình độ rồi ba trình độ ra đời theo từng năm học. 


Một hôm Trưởng thôn Giàng Seo Páo nói với Phan: “Trẻ con bản mình đứa nào cũng biết chữ rồi, nhưng người lớn chưa biết chữ, nhiều khi phải điểm chỉ vào giấy tờ nghĩ thấy xấu hổ quá! Thầy xem có cách nào giúp dân biết chữ không?”. 


Thế là lại nảy ra một lớp xóa mù ban đêm cho các bậc phụ huynh. Cũng rất thuận lợi vì học viên đều đã biết tiếng phổ thông nên cũng nhanh tiếp thu. Vả lại, có vướng mắc gì họ lại được con em họ “bổ túc” tại nhà. Phấn khởi vì biết đọc, biết viết, biết tính toán nhưng chẳng có tiền bồi dưỡng thầy giáo, chỉ có túm gạo nếp, chỏm bắp ngô, sang hơn là con gà, cân thịt làm quà mỗi khi thầy giáo về nhà mãi tận Bắc Ngầm, cách nơi dạy học gần hai chục cây số. 


Năm ngoái, trên đường đến nhà học sinh, bất ngờ một đàn ong khoái mành vỡ tổ lao vào tấn công thầy. Với gần 200 nốt ong đốt, thầy Phan đã phải nằm viện 8 ngày. Dân bản Sảng Pả nhao nhác. Ai cũng mong thầy nhanh khỏi để về với học trò đang đỏ mắt chờ... Hết năm học, lo thầy về vùng thấp, dân bản viết đơn ra trường, lên huyện xin thầy giáo Phan ở lại với thôn. Hết hè, thấy thầy quay về Sảng Pả, bà con đón anh mà nhiều người mắt hoe đỏ. 


Trưởng phòng Giáo dục huyện Bảo Thắng, nhà giáo Quách Lan Phương tự hào: “Từ chỗ Sảng Pả mù chữ đến nay Sảng Pả hết mù chữ phải kể đến công đầu của thầy giáo Phan. Cuối năm học vừa rồi, nếu cậu ấy chối từ lời đề nghị của dân Sảng Pả để về gần vợ con ở Bắc Ngầm cũng được, nhưng cậu ấy không nỡ để dân Sảng Pả thất vọng”. 


Còn cô giáo Lê Thị Hương Giang - Hiệu trưởng trường Tiểu học số I Phong Hải trân trọng: “Ba năm Phan thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện đạt cả ba lần. Cậu ấy thành công trong mô hình dạy học sinh dân tộc. Chất lượng học sinh Sảng Pả khá. Đặc biệt, Phan rất giỏi dân vận. Đôi khi có việc gì dân Sảng Pả không nghe lời trưởng thôn nhưng khi Phan nói họ nghe Phan ngay!”. 


Đứng ở sân trường, tôi ngắm toàn cảnh Sảng Pả. Rừng Sảng Pả vẫn hùng vĩ ngằn ngặt xanh. Núi đá Sảng Pả vẫn thâm u bí hiểm như bao đời. Thiên nhiên Sảng Pả muôn đời vẫn thế. Nhưng trong lòng Sảng Pả đã có sự đổi thay. Những con chữ và tri thức khoa học vượt dốc đứng, bấu chân vào từng khe đá, bay qua rừng già nhọc nhằn đến với Sảng Pả và được người Sảng Pả mở lòng đón nhận. Trong mười mấy khuôn mặt tươi roi rói của các học sinh trước mặt tôi kia, trò nào sẽ từ “ốc đảo” này vươn cánh bay cao đem niềm tự hào về cho quê hương? Sự học sẽ giúp các em trở thành những công dân trí thức góp phần biến các “ốc đảo” trên quê hương Lào Cai bớt nhọc nhằn gian khó để hòa nhập với xã hội văn minh. Góp vào bức tranh tương lai tươi sáng của thế hệ mầm non Sảng Pả ấy có một phần không nhỏ của chàng trai quê lúa - thầy giáo Đỗ Trọng Phan.


Bút ký của Trần Thị Minh