10:22 22/10/2015

Ảnh hưởng khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc

Những gì đang diễn ra trong nền kinh tế Trung Quốc có ảnh hưởng lan rộng ra bên ngoài lãnh thổ nước này, không chỉ ở Thẩm Quyến và Thượng Hải.


Những đối tượng chịu ảnh hưởng bởi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này bao gồm từ những người thợ mỏ Nam Phi, các công nhân dầu mỏ Canada đến các nhà sản xuất khí đốt Australia và cả quỹ lương hưu của Mỹ.     

Ngày 19/10, Bắc Kinh thông báo tăng trưởng kinh tế quốc gia này trong Quý III chỉ ở mức 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất trong vòng hơn 6 năm qua. Con số này dù cao hơn những gì các chuyên gia kinh tế dự đoán song đây là bằng chứng cho thấy kinh tế Trung Quốc tiếp tục chậm lại.     

Công nhân làm việc tại một nhà máy dệt thảm ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã giảm 4 năm liên tiếp và có thể sẽ tiếp tục chậm lại cho tới năm 2017. Dưới đây là cái nhìn cụ thể hơn về những tác động của việc nền kinh tế Trung Quốc suy giảm:     

- Tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu: IMF nói rằng sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc có ảnh hưởng nhiều hơn dự đoán tới kinh tế toàn cầu. Đây là một trong những lý do khiến IMF hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay từ mức 3,3% đưa ra hồi tháng 7/2015 xuống còn 3,1%, đây sẽ là mức thấp nhất kể từ sau cuộc suy thoái năm 2009.     

Các thị trường đang nổi và các nước cung cấp nguyên liệu thô cho Trung Quốc đang cảm nhận hầu hết các tác động tiêu cực. IMF dự đoán rằng các nền kinh tế đang nổi sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm thứ năm liên tiếp.   
  
- Tới trao đổi hàng hóa: Theo “Diễn đàn Kinh tế Thế giới”, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, Trung Quốc đã tiêu thụ các tài nguyên của thế giới với số lượng lớn - gần 50% sản lượng đồng, 54% sản lượng nhôm, 50% sản lượng niken và 45% sản lượng thép. Hiện, kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại, bởi vậy giá hàng hóa cũng hạ xuống. Chỉ số giá nguyên nhiên liệu S&P GSCI - xem xét giá 25 mặt hàng nguyên nhiên liệu, trong đó có dầu thô, đồng và gia súc chưa chế biến - đã giảm 37% trong năm qua. Ảnh hưởng tiêu cực đang lan rộng bởi: Nam Phi và Zambia phụ thuộc vào xuất khẩu than đá sang Trung Quốc, Chile phụ thuộc vào xuất khẩu đồng trong khi Australia phụ thuộc vào xuất khẩu một loạt hàng hóa khác sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.     

Việc giá dầu sụt giảm, phản ánh tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, cũng góp phần khiến nền kinh tế Trung Quốc sa sút trong 2 quý liên tiếp, mở màn cho một giai đoạn suy thoái theo định nghĩa của các nhà kinh tế học.   
  
- Tới thị trường tài chính: Các nhà đầu tư, vốn từng quen với vai trò của Trung Quốc là động lực kinh tế, hiện đã cảm thấy lòng tin bị lung lay bởi những dấu hiệu suy yếu của nền kinh tế nước này. Bắc Kinh đã không thể tự cứu vãn tình hình. Mùa hè 2015, Trung Quốc đã cố gắng một cách “vụng về” để ngăn chặn sự trượt giá cổ phiếu. Họ đã bỏ ra một số tiền lớn để nâng giá cổ phiếu và truy tố các nhà đầu tư đầu cơ làm giá cổ phiếu giảm.     

Sau đó, ngày 11/8, Trung Quốc đã bất ngờ phá giá đồng Nhân dân tệ. Trung Quốc nói rằng đây chỉ là biện pháp để xoa dịu những phàn nàn của nhà đầu tư rằng đồng nội tệ đang được định giá quá cao. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho rằng động thái này là nỗ lực “tuyệt vọng” để giúp các nhà xuất khẩu Trung Quốc (những người có lợi thế lớn hơn từ đồng nội tệ giảm giá) và là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc còn tồi tệ hơn những gì mọi người nghĩ.     

- Tới Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ: Năm 2015, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được trông đợi sẽ nâng lãi suất ngắn hạn, vốn được giữ ở mức thấp kỷ lục từ tháng 12/2008. Kinh tế Mỹ, dù đang giảm tốc, song vẫn là nền kinh tế lớn nhất và mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, tại cuộc họp hồi tháng 9/2015, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã quyết định trì hoãn nâng lãi suất, một phần là bởi họ quá lo ngại về sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc và ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc tới phần còn lại của thế giới.    
  
TTK