06:15 15/06/2014

Anh đội nắng trời, nhớ người môi thơm...

Trước khi ra Trường Sa, nhà thơ Hữu Việt đã mường tượng nơi mình sắp tới sẽ rất đẹp. Nhưng anh vẫn bất ngờ bởi vẻ đẹp mình từng hình dung trong đất liền khác xa vẻ đẹp tận mắt chứng kiến. Trường Sa mà anh chỉ nghe xem qua sách báo và trên tivi, nay đang ở trước mặt…

Trước khi ra Trường Sa, nhà thơ Hữu Việt đã mường tượng nơi mình sắp tới sẽ rất đẹp. Nhưng anh vẫn bất ngờ bởi vẻ đẹp mình từng hình dung trong đất liền khác xa vẻ đẹp tận mắt chứng kiến. Trường Sa mà anh chỉ nghe xem qua sách báo và trên tivi, nay đang ở trước mặt…

Những kỷ niệm không tách rời

Lên tàu từ cảng Cam Ranh ngày 28/4, chuyến đi của đoàn Hội nhà văn trên con tàu HQ 996 của Quân chủng Hải quân vào mùa biển lặng. Giữa mênh mông trùng khơi, mọi thứ chỉ thực sự khác biệt khi chuyển giao giữa đêm và ngày. Đêm, biển một màu đen đặc quánh. Ngày, chỉ một màu xanh ngắt, biển hiền hòa, nắng trong. Màu của nước biển biến đổi theo màu của bầu trời. Biển đẹp quá, anh không khỏi thốt lên.

Nhà thơ Hữu Việt (phải) trong chuyến đi Trường Sa. Ảnh: nhân vật cung cấp


Khi nhìn thấy đảo Song Tử Tây mờ mờ phía xa, tất cả những người đi trên con tàu đổ ra mặt boong. “Một cảm giác kỳ lạ, nhìn thấy đảo mà như nhìn thấy đất liền. Bởi vì ở đó, có những người đang chờ đón mình, và quan trọng là được đến một bến đỗ”, nhà thơ Hữu Việt nhớ lại.

Song Tử Tây, hòn đảo đầu tiên cả đoàn đặt chân tới trong hải trình, xanh như một vườn cây đột ngột mọc lên giữa đại dương. Nơi này có khi vài tháng không có hạt mưa nào, nước ngọt chủ yếu trông vào ông trời mưa xuống và chuyển từ đất liền ra, vậy mà vẫn có những vườn rau xanh. “Ngoài việc cải thiện đời sống, những vườn rau ở đây chẳng phải thể hiện sự bình yên, điềm tĩnh, vững vàng của những chiến sĩ nơi đảo xa hay sao”, nhà thơ Hữu Việt nói.

Đảo Sơn Ca là một hòn đảo chỉ có cát trắng và san hô, nhưng bây giờ đã có trên 5.000 loại cây và hoa do các chiến sĩ mang từ đất liền ra trồng. Dịp Tết vừa rồi, có cây cúc đại đóa nở gần 50 bông. Quả là một kỳ tích!. “Cuộc sống đã nở hoa ở nơi này. Bàn tay con người đã làm nên được điều kỳ diệu. Bàn tay ấy chính là ý chí làm nên sức sống mãnh liệt của người Việt Nam”, anh nói.

Nước tưới cây nhiều khi tận dụng cả nước xà phòng sau khi tắm để lắng, gạn lấy phần trong. “Cây trong đất liền mà tưới bằng nước xà phòng chắc không thể sống được, nhưng hình như các loài cây trên đảo Sơn Ca cũng như các hòn đảo khác ở Trường Sa có một sự thích nghi kỳ lạ!”.

Vì thế, với anh, dù điểm đảo nào, từ Song Tử Tây, Sơn Ca, Sinh Tồn, Nam Yết, Trường Sa Lớn hay những đảo chìm: Đá Nam, Đá Thị, Cô Lin, nhà giàn DK1, mỗi nơi là một kỷ niệm. Lúc thì như thách thức, lúc lại là khám phá thú vị với thiên nhiên, con người.

Bức ảnh chụp bông hoa cúc và phía xa là đảo Gạc Ma.


Khi tàu đến khu vực đảo Cô Lin, hòn đảo gần với đảo Gạc Ma nhất, theo truyền thống, cả đoàn tàu HQ 996 đã làm lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ hải quân đã hy sinh ở Gạc Ma năm 1988 trong cuộc chiến bảo vệ đảo, và cũng là lễ tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh ở quần đảo Trường Sa.

Lễ tưởng niệm diễn ra ở vị trí trang trọng nhất trên boong tàu. Một bàn thờ được lập lên, một vòng hoa lớn, hương và hoa tươi chuẩn bị sẵn từ đất liền. Chuẩn Đô đốc Phạm Thanh Hóa, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đọc bài diễn văn rất cảm động, rồi từng người cầm một bông hoa và một nén hương cắm lên bàn thờ. Sau đó, bàn thờ và vòng hoa được thả xuống biển, khói hương còn nghi ngút, dập dềnh trên sóng nước.

“Dù không ai nói ra, nhưng có lẽ những người chứng kiến giây phút ấy đều có những suy nghĩ của riêng mình. Qua ống nhòm, phía đảo Gạc Ma, Trung Quốc đang cho xây dựng, từng núi cát chất cao. Nhà thơ Đặng Huy Giang vốn là một cựu binh, lính đảo, là người rất cứng rắn mà nước mắt đã chảy ra, tôi cũng thế, không thể kìm lòng được”, nhà thơ Hữu Việt kể.

Trong những giây phút ấy, nhiều người đã ghi lại cho mình những hình ảnh đáng nhớ. Nhà thơ Hữu Việt một tay cầm bông hoa cúc làm tiền cảnh để mờ, lấy nét đảo Gạc Ma ở phía sau rồi bấm máy. Bức ảnh mang nhiều cảm xúc, thành kỷ niệm không thể thiếu của chuyến đi.

Bài thơ viết từ biển

Đêm trên đảo Sơn Ca, hòn đảo duy nhất cả đoàn được ngủ lại, đội văn nghệ xung kích của tỉnh Khánh Hòa tổ chức biểu diễn văn nghệ. Chỉ huy trưởng đảo Sơn Ca, trung tá Đỗ Thế Tuyến hạ lệnh: Đêm nay, xuất hết quỹ điện của đảo để các nghệ sĩ biểu diễn.

Một sân khấu được dựng lên ngay phía trước cột mốc chủ quyền. Ngoài kia, sóng vẫn dạo khúc ca của biển khi va vào thềm đảo. Trên sân khấu, những tiếng hát, lời ca cất lên thiết tha, cháy bỏng. Không khí càng trở nên sôi động khi những người lính trẻ lên sân khấu tham gia hát, nhảy cùng diễn viên. Họ đứng thành vòng tròn, nhảy hip hop với những động tác nhào lộn điêu luyện không kém các thành viên câu lạc bộ hip hop trên đất liền. Trung tá Nguyễn Tất Thu - Chính trị viên phân đội 1 hát bài

“Mưa ở Trường Sa” của nhạc sĩ Xuân An: Mưa Trường Sa, là bài ca ươm mầm xanh lớn trên đảo xa/Mưa Trường Sa, là tình thương từ đất liền suốt đời bao dung/Mưa đi mưa đi đảo nhỏ chờ mưa/Mưa đi mưa đi chúng tôi cần mưa!

Một giọng hát khỏe khoắn, truyền cảm. Trưởng đảo Đỗ Thế Tuyến sinh năm 1972, khi mặc quân phục đón tiếp đoàn trông rất oai nghiêm, khi mặc thường phục ra nhảy cùng với lính đảo và ngắt những bông hoa nhỏ lên tặng các ca sĩ, nhìn anh thật gần gũi. “Những người lính rất trẻ và hôm nay chúng tôi nhận thấy ở họ chân dung của thế hệ kế tiếp cha anh gìn giữ biên cương, chủ quyền đất nước, thế hệ những người lính mới”.

Đêm văn nghệ ấy, các nhà văn, nhà thơ cũng tham gia biểu diễn. Trước đó, Hữu Việt có hỏi các chiến sĩ trẻ:- Ở đây các em có hay đọc thơ không? (vì người ra thăm đảo thường tặng sách, báo, tiểu thuyết là chính). Những chàng lính trẻ hóm hỉnh trả lời: -Chúng em chỉ thích đọc thơ tình thôi!

Nhà thơ đáp ứng yêu cầu ấy, anh muốn đọc bài thơ tình, nhưng phải liên quan đến biển nữa nên đã chọn một bài thơ của Lưu Quang Vũ. Bài thơ ban đầu in báo tên là “Tình yêu”, sau này in vào sách tác giả đổi thành “Mắt của trời xanh”. Giọng đọc thiết tha, ấm áp, lắng sâu, lính đảo ngồi nghe chăm chú, những tràng pháo tay cổ vũ nổi lên khi bài thơ kết thúc.

Nhưng Hữu Việt được cổ vũ nhiều hơn khi anh đọc tiếp bài thơ anh vừa viết: “Thư Song Tử Tây”. “Khi biển đang xanh chợt quánh dưới thân tàu/Đấy là lúc mưa sắp về em ạ!/Anh vội vã đóng những ô cửa sổ/Riêng một ô anh để ngỏ-phương em/Hà Nội tháng Năm, mưa thổn thức thâu đêm/Song Tử Tây anh vẫn đang mùa nắng cháy/Em nằm nghe mưa thương anh ngoài ấy/Anh đội nắng trời, nhớ người môi thơm...”.

Bài thơ viết trên đảo Song Tử Tây, đúng vào ngày 30/4, ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, trở thành kỷ niệm đặc biệt của anh trong chuyến đi Trường Sa.

Bài thơ được báo “Thời nay” đăng ngay khi Hữu Việt vẫn còn đang ở Trường Sa. Thành viên của đoàn, nhạc sĩ Vũ Thiết, công tác ở Đài Tiếng nói VN, tác giả của ca khúc nổi tiếng “Nghe câu quan họ trên cao nguyên” khi nghe Hữu Việt đọc bài thơ lập tức bảo: “Mình thích bài thơ này, cậu để mình phổ nhạc nhé!”.

Chỉ trong một đêm, trên lênh đênh sóng biển, nhạc sĩ Vũ Thiết đã phổ nhạc xong rồi giao cho ca sĩ Đặng Hiếu, đội văn nghệ xung kích Khánh Hòa tập ngay. Đêm giao lưu văn nghệ cuối cùng trên tàu, bài hát đã tạo một ấn tượng mạnh đối với các thủy thủ đoàn và những ai có mặt trên tàu.

Sau khi từ Trường Sa trở về, bài hát đang được Đài Tiếng nói Việt Nam phối khí lại, ca sĩ Minh Quân và ca sĩ Tùng Dương được mời thể hiện lại bài hát này. Tên bài thơ “Thư Song Tử Tây” cũng được nhạc sĩ Vũ Thiết và nhà thơ Hữu Việt thống nhất đổi thành “Thư từ Trường Sa”.


Xuân Phong