04:01 10/04/2018

Anh bẽ mặt với Nga trong vụ bê bối điệp viên

Vòng xoáy căng thẳng ngoại giao giữa Anh và Nga đã bùng phát hơn 1 tháng mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, dường như gió bắt đầu đổi chiều khi dư luận ngày càng nhận thấy giới chức Anh có lẽ đã “việt vị” trong vụ bê bối này.



Vụ việc bắt đầu vào ngày 4/3 khi cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái Yulia được tìm thấy bất tỉnh trước một trung tâm thương mại của thành phố Salsbury, Tây Nam nước Anh.

Không cần kết quả điều tra cuối cùng, Số 10 Phố Dowing lập tức ra tuyên bố cáo
buộc Nga sử dụng chất độc thần kinh Novichok từ thời Liên Xô trước đây để hạ độc hai người này. Căng thẳng leo thang khi Chính phủ Anh và hàng loạt nước phương Tây đồng loạt trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao Nga.

Moskva cũng nhanh chóng có hành động đáp trả đanh thép và tương x
ng khi yêu cầu một số lượng nhân viên ngoại giao tương tự của phương Tây phải rút khỏi Nga.

Các chuyên gia quân đội Anh xét nghiệm chất độc thần kinh đầu độc cựu điệp viên Nga Skripal. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm ở Porton Down của Bộ Quốc phòng Anh đầu tháng này thông báo kết quả xét nghiệm không thể xác định nguồn gốc xuất xứ của loại chất độc thần kinh được sử dụng trong vụ tấn công nhằm vào cha con cựu điệp viên Sergei Skripal.

Giám đốc điều hành Phòng Thí nghiệm công nghệ và khoa học quốc phòng (DSTL) tại Porton Down, ông Gary Aitkenhead, khẳng định quân đội Anh không thể chứng minh chất độc thần kinh được sử dụng để đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga được sản xuất tại Nga. Ông Aitkenhead nhấn mạnh DSTL chỉ xác
nhận chất độc được sử dụng tại Salisbury thuộc nhóm chất độc thần kinh cấp độ quân sự thường được biết đến với tên gọi "Novichok".

Giám đốc Aitkenhead nhấn mạnh trách nhiệm của DSTL là cung cấp các kết quả phân tích và nhận định ban đầu trên cơ sở bằng chứng khoa học cho các cơ quan chức năng. Còn việc kết hợp những thông tin này với các nguồn tin tình báo khác để đưa ra những cáo buộc như vừa qua nhằm vào Nga là trách nhiệm của Chính phủ Anh.

Phát biểu trên của ông Aitkenhead như
một cái tát giáng vào giới chức Chính phủ Anh. Giới phân tích đánh giá Chính phủ của Thủ tướng Theresa May đã cố tình sử dụng các thông tin tình báo để buộc tội Nga.

Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: AFP

Diễn biến này không chỉ làm bẽ mặt Thủ tướng Theresa May và êkíp đối ngoại, mà còn khiến Số 10 Phố Downing chịu sức ép không nhỏ cả trong và ngoài nước. Công đảng đối lập tại Anh ngày 4/4 chỉ trích Ngoại trưởng nước này Boris Johnson "phóng đại" vấn đề khi đưa ra bằng chứng cáo buộc Nga dính dáng tới vụ đầu độc hai cha con cựu điệp viện hai mang Skripal.

Bộ trưởng Nội vụ Anh
Diane Abbott, một người thuộc Công Đảng, tố cáo Ngoại trưởng Johnson đã "lừa dối dư luận Anh". Lãnh đạo Công đảng Corbyn cho rằng ông Johnson đã "bị trứng dính trên mặt mình" và có "nhiều câu hỏi nghiêm trọng cần phải trả lời".

Điện Kremlin
cũng đã lập tức yêu cầu London phải có lời xin lỗi vì đã “hấp tấp” đổ lỗi cho Moskva. Đại sứ quán Nga tại Anh ngày 4/4 đã “vạch mặt” Bộ Ngoại giao Anh xóa dòng trạng thái đăng trước đó trên trang mạng xã hội Twitter của cơ quan này, trong đó nói rằng phòng thí nghiệm tại Porton Down đã "khẳng định rõ" chất độc thần kinh nêu trên được "sản xuất tại Nga". Thậm chí, giới chức Nga còn tố cáo ngược khi cho rằng chính tình báo Anh là thủ phạm vụ đầu độc, đồng thời khẳng định hiện nay trên thế giới chỉ còn hai nước Anh - Mỹ là sở hữu chất độc thần kinh Novichok.

Chính phủ Anh thậm chí trở thành đề tài châm biếm của báo giới “xứ sở sương mù”. Phóng viên chuyên về chính trị - ngoại giao của đài BBC James Landale cho rằng "ngôn từ lỏng lẻo" của ông Johnson cộng với hành động xóa thông tin trên Twitter đã cho thấy Chính phủ Anh "đang tự bắn vào chân mình", đồng thời khiến dư luận nghi ngờ đánh giá của London.

Ngày 6/4, tại phiên họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ)
để thảo luận vụ cựu điệp viên người Nga Skripal bị đầu độc, Đại sứ Nga Vassily Nebenzia một lần nữa cáo buộc Anh đẩy vấn đề vượt quá giới hạn. Theo ông Vassily Nebenzia, vụ việc này là "một chiến dịch tuyên truyền lớn đang được tiến hành để chống lại Nga hòng làm mất uy tín và thậm chí làm mất tính hợp pháp của nước Nga". Nhà ngoại giao Nga cũng cho rằng "một số cơ quan tình báo nước ngoài" đứng sau chiến dịch này.

Đại diện Nga tại LHQ nhấn mạnh việc tới nay Chính phủ Anh vẫn từ chối hợp tác điều tra và cung cấp cho phía Nga các bằng chứng xác đáng cho thấy London đang "diễn một vở kịch hư cấu trên một sân khấu lố bịch".

Thủ tướng Anh Theresa May (bên trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: xibaaru.sn

Trang mạng Stratfor thì cho rằng vụ đầu độc ông Skripal chỉ là cái cớ, ẩn sâu phía sau vụ việc này là một “đòn cân não” giữa phương Tây và Nga trên mặt trận tình báo. Theo Stratfor, nhiều người vẫn nghĩ đại sứ quán chỉ làm chức năng ngoại giao, lãnh sự, thương mại...

Song trên thực tế, các đại sứ quán còn làm vỏ bọc cho các tổ chức tình báo. Nga, Mỹ, Anh hay mọi quốc gia đều sử dụng cơ sở ngoại giao để thực hiện các nhiệm vụ tình báo và tất cả các quốc gia đều biết rõ điều này. Và làn sóng trục xuất nhân viên ngoại giao vừa qua chính là màn “bóc vỏ” điệp viên của nhau giữa Nga với phương Tây.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức