07:16 26/07/2025

Ảnh 360 độ: Cầu Tứ Liên vướng mặt bằng, ảnh hưởng tiến độ thi công

Mặt bằng đường dẫn lên cầu chưa được bàn giao, nút giao với đường Nghi Tàm (Hà Nội) chưa hoàn thành, cộng với việc mở rộng quỹ đất xây dựng bị vướng mặt bằng... là những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công cầu Tứ Liên hiện nay.

Dự án cầu Tứ Liên là một trong những biểu tượng mới của Hà Nội, nối hai bờ sông Hồng – sông Đuống, dài khoảng 5,15 – 5,2  km, thiết kế dạng dây văng xoắn độc đáo. Cầu có nhịp chính dài 500 m, trụ tháp cao 185 m, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam. Khởi công ngày 19/5/2025, dự án đặt mục tiêu hoàn thành vào cuối năm 2027, sau 30 tháng thi công.

Sau khi khởi công, phía bờ xã Đông Anh đã triển khai mạnh mẽ, với tuyến đường dẫn hơn 2 km đã hình thành, máy móc liên tục hoạt động ngày đêm để khoan cọc nhồi xây dựng trụ chính, nhiều sà lan hoạt động giữa sông Hồng – Đuống. 

Tuy nhiên, trái ngược với sự nhộn nhịp tại Đông Anh, khu vực nội thành Hà Nội (địa bàn phường Hồng Hà) gần như “dậm chân tại chỗ”.

Video phóng viên ghi nhận tại công trường dự án trên địa bàn phường Hồng Hà:

Hiện nay, mặt bằng dài khoảng 2 km từ ngõ 310 đường Nghi Tàm đến mép bờ sông Hồng vẫn là nhà dân, vườn cây và bãi sông; lối vào công trường nội thành chưa có, nhà thầu phải vận chuyển thiết bị qua đường thủy, phụ thuộc mực nước sông Hồng, gây nhiều bất lợi và làm chậm tiến độ dự án.

Trao đổi với báo Tin tức và Dân tộc, ông Vũ Trung Thắng, Phó Giám đốc Ban điều hành Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phương Thành cho biết: Công trình mới được bàn giao mặt bằng tại vị trí trụ thi công 38, toàn bộ là khu vực đất công và chỉ có người dân trồng hoa màu, nhà thầu ứng ra đền bù hoa màu để lấy mặt bằng thi công. Còn khu vực xung quanh vẫn chưa được bàn giao mặt bằng, không có đường vào công trình, phải đi bằng đường sông...

Kỹ sư Mai Minh Thắng, Chỉ huy phó Công ty Trung Chính thông tin thêm: Nhà thầu mong muốn có phạm vi mặt bằng từ ngõ 310 Nghi Tàm về đến vị trí trục 37 để có không gian tập kết thiết bị, cũng như vật tư phục vụ thi công kịp thời. Nhà thầu đã chủ động di chuyển máy móc thiết bị, vật tư theo đường thủy, nhưng việc này phụ thuộc nhiều đến cao độ mực nước sông Hồng.

Đầu phía Bắc thuộc phường Bồ Đề, nhà thầu về cơ bản cũng chưa được bàn giao mặt bằng, khó khăn khi tiếp cận công trường. Theo tiến độ, dự kiến đến đầu tháng 8, đơn vị thi công sẽ tiến hành khoan cọc nhồi đầu tiên của trụ tháp số 48.

Dự án cần tổng cộng 62,5 ha đất, liên quan đến 701 hộ dân trên địa bàn, trong đó, có 412 trường hợp đất ở, 280 trường hợp đất nông nghiệp và đất công; khoảng 257 hộ phải tái định cư hoàn toàn. Hiện tại, xã Đông Anh mới bàn giao và giải phóng mặt bằng đạt hơn 90%, ngược lại phía Tây Hồ, Long Biên và Hồng Hà mới hoàn thiện khảo sát, kiểm đếm, nhưng vẫn chưa có mặt bằng thi công.

Chú thích ảnh
Tại khu vực phía bờ Nam sông Hồng thuộc phường Hồng Hà, dây chuyền khoan bắt đầu hoạt động từ trung tuần tháng 7/2025.
Chú thích ảnh
Với độ sâu 65 m, đường kính cọc lên tới 2,5 m, liên danh các nhà thầu do Tập đoàn Thái Bình Dương đứng đầu đang cấp tập thi công.
Chú thích ảnh
Dự kiến đầu tháng 8/2025, có thể đổ bê tông cọc khoan nhồi đầu tiên của trụ tháp số 37.
Chú thích ảnh
Ông Vũ Trung Thắng, Phó Giám đốc Ban điều hành Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phương Thành cho biết, do không có đường vào công trình, nên nhà thầu phải vận chuyển vật tư, máy móc bằng đường sông.
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Những khung thép sẽ được đưa xuống các mũi khoan.
Chú thích ảnh
Công đoạn làm thép cọc nhồi được thực hiện ngay tại dự án.
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Trạm bê tông phục vụ dự án được dựng trên sông Hồng.
Chú thích ảnh
Mực nước sông Hồng năm nay dâng sớm hơn so với mọi năm, gây khó khăn cho thi công.
Chú thích ảnh
Nhà thầu mong muốn có phạm vi mặt bằng từ ngõ 310 Nghi Tàm về đến vị trí trục 37 để có không gian tập kết thiết bị, vật tư phục vụ thi công kịp thời.
Chú thích ảnh
Để đáp ứng tiến độ thi công, dự án đang cần sớm được bàn giao mặt bằng.

Theo kế hoạch, toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng phải hoàn thành trước quý IV/2025, sau đó mới thi công tổng thể khu vực nội thành và hoàn thành vào cuối năm 2027. Nếu tiến độ bàn giao mặt bằng nội thành tiếp tục chậm trễ, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ dự án theo kế hoạch đề ra.

Năm nay, nước sông Hồng lên sớm hơn so với nhiều năm trước, đạt mức 5 sớm hơn so với mọi năm, khiến công tác khoan cọc, tập kết vật tư và tổ chức thi công gặp nhiều khó khăn. Theo tiến độ đề ra, trong năm 2026, các nhà thầu sẽ thi công tháp chính và đầu năm 2027 sẽ thi công dầm thép, lao dầm. Thời gian thi công tương đối gấp, do đó dự án cần được đẩy nhanh tiến độ giải phóng và bàn giao mặt bằng.

Trung Nguyên/Báo Tin tức và Dân tộc