11:11 15/11/2012

An toàn đường sắt: Chính quyền không thể ngoài cuộc

Tuy nhiên, do chưa nhận thức đúng vai trò của công tác này đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự - an toàn giao thông trên địa bàn nên một số địa phương chưa coi trọng, thậm chí một số chính quyền địa phương còn vi phạm, đặc biệt là vi phạm hành lang ATGTĐS.

Chín tháng đầu năm nay trên phạm vi cả nước đã xảy ra 354 vụ tai nạn giao thông đường sắt (TNGTĐS), làm chết 171 người, bị thương 244 người. So cùng kỳ năm 2011 TNGTĐS giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương (giảm từ 10 - 19%).


Đây là kết quả đáng phấn khởi từ sự nỗ lực của ĐSVN, Cục Đường sắt (ĐS) - Bộ GTVT và các bộ, ngành cũng như chính quyền địa phương thời gian qua nhằm giảm thiểu TNGTĐS, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt (ATGTĐS). Tuy nhiên, qua phân tích tình hình TNGTĐS, thực trạng công tác đảm bảo ATGTĐS những năm gần đây cho thấy, kết quả này chưa bền vững.


Có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan nhưng một trong những nguyên nhân là do chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác đảm bảo ATGTĐS cũng như vai trò, trách nhiệm của mình nên nhiều chính quyền địa phương các cấp buông lỏng, chưa tích cực hoặc làm cho có.


Chính quyền địa phương cũng vi phạm


Luật ĐS, Nghị định 44/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTVTĐS và nhiều văn bản pháp luật khác, gần đây nhất là Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT đã qui định rất rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp đối với công tác đảm bảo ATGTĐS.


Tuy nhiên, do chưa nhận thức đúng vai trò của công tác này đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự - an toàn giao thông trên địa bàn nên một số địa phương chưa coi trọng, thậm chí một số chính quyền địa phương còn vi phạm, đặc biệt là vi phạm hành lang ATGTĐS.


Người dân cắt, tháo hàng rào ngăn cách đường sắt với đường bộ để đi lại, đe dọa an toàn giao thông đường sắt, chụp tại km 11+500 tuyến đường sắt Thống Nhất).


7 km hành lang ATGTĐS trên tuyến ĐS Kép – Hạ Long (từ km 90+000 đến km 97+000), thuộc địa bàn TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, đã bị lấn chiếm nghiêm trọng với nhiều cây xanh có chiều cao khoảng 1,2 - 1,6 m (bằng chiều cao trung bình người lớn) trở lên được trồng cách đường ray khoảng từ 0,7 - 7,5 m. Bên cạnh đó, thảm cỏ cũng được đơn vị thi công trồng xen kẽ giữa các cây xanh tiếp giáp đến tận đầu tà vẹt bê tông của ĐS. Nhiều đống đất và tạp chất trong quá trình thi công được đổ vào vai ĐS với chiều dài khoảng 900 m.


Những vi phạm này đã che khuất tầm nhìn của lái tàu cũng như người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người đi bộ khi qua ĐS, do đó đe dọa nghiêm trọng đến an toàn chạy tàu, nguy cơ xảy ra tai nạn chạy tàu cao, vi phạm Luật ĐS.


Theo lý giải của chính quyền địa phương, để phục vụ Hội nghị xúc tiến đầu tư kinh tế, thương mại tỉnh Quảng Ninh năm 2012 và lễ tôn vinh danh hiệu kỳ quan thiên nhiên thế giới mới, cuối năm 2011, UBND TP Hạ Long giao cho Ban Quản lý Dự án công trình (QLDACT) TP Hạ Long (Ban QLDACT TP Hạ Long) thực hiện việc trang trí khánh tiết, chỉnh trang đô thị và Ban QLDA đã triển khai việc đắp nền cỏ, trồng hoa và cây xanh trong hành lang ATGTĐS. Khi phát hiện việc thi công trong phạm vi bảo vệ ĐS này, Công ty TNHH MTV QLĐS Hà Lạng đã gửi nhiều công văn yêu cầu Ban QLDA CT TP Hạ Long dừng ngay việc thi công vi phạm Luật ĐS, vi phạm hành lang ATGTĐS.


Tuy nhiên, đơn vị thi công vẫn không chấp hành, bắt buộc Công ty TNHH MTV QLĐS Hà Lạng phải báo cáo tình hình vi phạm tới UBND TP Hạ Long. Cục ĐSVN cũng đã yêu cầu Ban QLDA CT TP Hạ Long thực hiện ngay các biện pháp di dời lượng cây xanh cũng như đất đá ra khỏi phạm vi bảo vệ hành lang ATGTĐS trước ngày 15/6/2012. Tuy nhiên, cho đến nay, mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ.


Cần tăng cường trách nhiệm


Không thể phủ nhận tinh thần trách nhiệm, vào cuộc của nhiều địa phương trong công tác đảm bảo ATGTĐS, nhất là UBND cấp tỉnh như TP Đà Nẵng, TP Hà Nội, Bắc Ninh… đã đầu tư kinh phí về nhân lực, phương tiện để tổ chức cảnh giới tại những "điểm đen” đường bộ giao cắt với ĐS nguy cơ mất ATGTĐS cao; chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương tham gia cùng các lực lượng chức năng ngành ĐS trong tuyên truyền đảm bảo trật tự ATGTĐS… Mặc dù vậy, chính quyền các địa phương vẫn cần đẩy mạnh, khẳng định vai trò, trách nhiệm của mình hơn nữa đối với công tác này.


Hiện nay, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở một số địa phương về TTATGT chưa được duy trì thường xuyên, mà chủ yếu tập trung vào các đợt cao điểm. Nội dung tuyên truyền còn chung chung, chưa sát với thực tế, hình thức tuyên truyền vẫn theo lối mòn, thiếu tính sáng tạo. Chính quyền địa phương cần chỉ đạo các cơ quan chức năng, tổ chức, đoàn thể địa phương chủ động cũng như phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các lực lượng chức năng, ngành ĐS trong công tác tuyên truyền trong nhân dân về đảm bảo ATGTĐS.


Tình trạng mở đường ngang trái phép, xây dựng công trình lấn chiếm, vi phạm hành lang ATGTĐS diễn biến phức tạp; nhiều công trình giải tỏa xong, đã xây dựng hàng rào hộ lan, đường gom, nhưng người dân vẫn ngang nhiên tái vi phạm, cắt hàng rào, làm lối đi trái phép qua ĐS… Trước thực trạng này, chính quyền địa phương cần tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý thường xuyên, liên tục. Đặc biệt có biện pháp quản lý cũng như xử lý kiên quyết các vi phạm, không để tái diễn tình trạng vi phạm pháp luật đảm bảo ATGTĐS…


Với sự tích cực vào cuộc, nâng cao trách nhiệm của địa phương cùng các ban, ngành, lực lượng chức năng, tin rằng tình hình đảm bảo ATGTĐS sẽ có những bước tiến mới.



P.V