09:20 30/09/2015

“Ân tình của đồng bào giúp tôi có thêm niềm tin và sức mạnh”

Trong khoảng thời gian hai tháng, từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 9, bà Trần Tố Nga, một người Pháp gốc Việt - người đứng đơn kiện 26 công ty hóa chất Mỹ tại tòa đại hình thành phố Evry đã trở về Việt Nam, tham gia nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày vì nạn nhân chất độc da cam tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Những tình cảm sâu đậm của đồng bào trong nước mà bà nhận được trong chuyến trở về đã tiếp thêm nghị lực cho bà trong trong cuộc chiến lâu dài và gian khó này.

Bà Trần Tố Nga (trái) và phóng viên TTXVN cùng xem tập hồ sơ tập hợp 20.000 chữ ký của người dân tỉnh Sóc Trăng ủng hộ vụ kiện da cam.


Chưa kịp hồi sức khi quay trở lại Pháp, bà đã gọi điện và dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện thân tình, cởi mở. Trong ngôi nhà nằm dưới những lùm cây xanh mướt ở Palaiseau, ngoại ô phía Nam Paris, bằng chất giọng trầm ấm của người Nam Bộ, bà kể cho chúng tôi chuyến đi sôi động và đầy ý nghĩa mà bà hằng mong ước từ lâu nay mới thực hiện được. Theo bà, chuyến đi đã làm cho bà càng thêm trân quý những tấm lòng, đã truyền cảm hứng cho bạn bè quốc tế, để rồi cùng với họ, bà thêm vững tâm và dốc hết sức cho cuộc chiến đấu còn ở phía trước.

“Thêm luận chứng để các luật sư phát biểu trước tòa”

“Tôi về nước lần này là nhân dịp “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam” nên có nhiều buổi làm việc, trước tiên là với Hội nạn nhân chất độc da cam (VAVA) ở Trung ương, sau đó là với VAVA thành phố HCM. Cùng đi với tôi có hai luật sư trẻ người Pháp là Amélie Lefèbvre và Bertrand Repolt làm việc tại Văn phòng luật sư Bourdon & Forestier, nơi đã nhận lời bào chữa miễn phí cho tôi trong vụ kiện chống lại 26 công ty hóa chất của Mỹ. Tôi mời họ đến Việt Nam lần này để tham gia cuộc đi bộ “đồng hành cùng nạn nhân da cam” được tổ chức tại Công viên văn hóa Đầm Sen ngày 2/8 nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập VAVA thành phố Hồ Chí Minh và nhân Ngày nạn nhân chất độc da cam, nhưng cũng đồng thời để cho Việt Nam biết đến hai người luật sư trẻ dũng cảm đã vì nghĩa lớn mà cống hiến thời gian và ý chí của mình”, bà Trần Tố Nga tâm sự.

Bà cho biết, ngoài việc tham gia cuộc tuần hành, các luật sư Pháp đã đến tận Đồng Dù (Củ Chi), nơi trước kia là một căn cứ lớn của quân đội Mỹ nên chúng đã tập trung rải các loại thuốc khai hoang làm trụi lá, tạo nên một vùng trắng lớn xung quanh căn cứ... Đã hơn 50 năm, nhưng vết tích chiến tranh vẫn còn đó với những hố bom, những vùng trụi lá và những giống cây bị biến dạng vì chất độc. Hy vọng rằng hình ảnh đó sẽ giúp các luật sư hình dung ra được sự tàn phá ghê gớm của thảm họa mà quân đội Mỹ đã gây ra cho đất nước và người dân Việt Nam trong chiến tranh.

Cũng trong hai ngày có mặt tại Việt Nam, các luật sư đã gặp những nạn nhân chất độc da cam. Cơ thể bị khiếm khuyết nhưng các em vẫn lao động, để tự nuôi sống bản thân. Các em đón tiếp hai luật sư bằng những bài hát tràn đầy sức sống và tặng luật sư những sản phẩm lao động của chính mình. Các luật sư cũng đã gặp hơn 20 chị là du kích trong cuộc kháng chiến trước đây đồng thời cũng là nạn nhân chất độc da cam. Điều mà các luật sư cảm nhận được một cách rõ ràng là họ đã trở thành niềm hy vọng đối với các nạn nhân chất độc da cam trong cuộc chiến đòi công lý. Điều này, bản thân các luật sư cũng không ngờ tới. “Chính vì vậy, sau những gì tận mắt chứng kiến, sau những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc đầy cảm động, tôi hy vọng các luật sư cũng mang về Pháp những tình cảm tốt đẹp và sâu sắc về Việt Nam, về sự can đảm của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Tôi cũng hy vọng rằng điều đó không chỉ tô đậm thêm tình cảm của các luật sư đối với Việt Nam mà cũng làm cho các luật sư có thêm luận chứng để phát biểu trước tòa”, bà nói.

Bí quyết chiến thắng của những người chân đất

Cùng đi với bà Trần Tố Nga trong chuyến đi này còn có hai nhà làm phim tài liệu người Mỹ và nhà báo Philippe Broussard, Tổng biên tập tờ L’Express của Pháp. Hai nhà làm phim đang thực hiện bộ phim tài liệu về chất độc da cam và cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, còn nhà báo Philippe Broussard thì đang biên tập cuốn sách của bà: “Cuộc đời tôi, cuộc chiến đấu của tôi”.

Vượt nửa vòng trái đất, các nhà báo, nhà làm phim quốc tế đã không quản ngại hành trình vất vả đầy ắp các hoạt động dưới cái nắng chang chang của miền nhiệt đới, họ theo chân bà đến dự tất cả các sự kiện, gặp những đồng đội cũ của bà ở Thông tấn xã Giải phóng, những người cùng chiến đấu trong lòng địch với bà ở vùng nội đô, gặp gỡ các nạn nhân da cam tại các trung tâm chữa trị, và về tận căn cứ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Tây Ninh... Tất cả chỉ để hiểu thêm về lịch sử cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân Việt Nam, về điều gì đã làm cho những người chân đất chiến thắng được quân đội Mỹ hùng mạnh.

Bà kể giọng tự hào: “Khi nhà làm phim Alan Anderson hỏi tôi về nguyên nhân đã làm nên chiến thắng của dân tộc Việt Nam, tôi đã nói với ông là hãy đi cùng tôi về Việt Nam. Tại vùng đất thép Củ Chi, trước hệ thống địa đạo chằng chịt khiến quân thù phải khiếp sợ, tôi không cần nhiều lời để giải thích về chiến thắng của người Việt Nam trong cuộc chiến không cân sức này”.

(Còn tiếp)
Bài và ảnh: Bích Hà ( P/v TTXVN tại Pháp)