09:21 16/09/2015

Ẩn số xung quanh TTIP (Tiếp theo và hết)

Dự án thành lập một khu vực thương mại tự do châu Âu-Mỹ đã xuất hiện từ những năm 1990 nhưng sau nhiều lần thất bại, đến tháng 6/2013, EU và Mỹ mới bắt đầu đàm phán về TTIP mà mục tiêu cuối cùng là hướng tới một thị trường rộng lớn với 820 triệu người tiêu dùng.


Trong bài tham luận vào năm 2013, Lori M. Wallach - Giám đốc của tổ chức phi lợi nhuận chuyên bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Public Citizen’s Global Trade Watch, đã ghi nhận: Từ năm 1995-1997, 29 thành viên Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế bí mật đàm phán về một Hiệp định đầu tư đa phương (MIA). Nhưng dự án đó đã chết yểu khi nội dung của thỏa thuận được công khai cho dân chúng biết.

Trưởng đoàn đàm phán EU Ignacio Garcia Bercero tại cuộc họp báo sau khi kết thúc đàm phán về TTIP ngày 17/7 tại Brussels.


Gần 20 năm sau, một hiệp định đầu tư khác ra đời, lần này là giữa EU với Mỹ. Nhưng đó chỉ là “bình mới, rượu cũ” bởi theo lời tác giả, dự án MIA hay TTIP cũng chỉ nhằm tiến tới một khu vực thương mại tự do chung mà ở đó các quốc gia tham dự phải tuân thủ luật chơi do các tập đoàn lớn của châu Âu và Mỹ áp đặt. Chính vì muốn tương lai của TTIP tươi sáng hơn số phận hẩm hiu của MIA mà cả Washington lẫn Brussels đều giữ nội dung đàm phán trong vòng bí mật hay đưa ra những thông tin ít ỏi.

Trong tất cả các thỏa thuận để tiến tới một khu vực thương mại tự do, mỗi thành viên đều cam kết “điều chỉnh luật nội địa để phù hợp với khung pháp lý mới”. Không có một ngoại lệ nào cho các vấn đề như an toàn thực phẩm, bảo hiểm lao động, chính sách xã hội, vấn đề bản quyền, y tế công cộng, các quy định về môi trường…

Thế lực của các tập đoàn quốc tế

Quan ngại thứ hai của các phe phản đối TTIP liên quan đến nguy cơ các tập đoàn đa quốc gia lớn nhân danh quyền lợi của các nhà đầu tư để áp đặt luật chơi lên một số quốc gia, Nghị sĩ châu Âu người Pháp, đại diện cho đảng Xanh, Yannick Jadot nói: “Phe ủng hộ hiệp định nhấn mạnh TTIP sẽ đem lại tăng trưởng cho cả hai bên. Trong giả thuyết lạc quan nhất, các công trình nghiên cứu cho thấy hiệp định này sẽ giúp GDP của EU tăng thêm khoảng 0,03% một năm. Một công trình nghiên cứu khác của Mỹ nêu lên khả năng 600.000 việc làm bị de dọa. Một số người đề cập đến việc liên kết giữa EU và Mỹ để làm đối trọng với các nền kinh tế mới nổi, những quốc gia đó không có cùng những chuẩn mực như EU và Mỹ. Nhưng TTIP có đề cập đến những vấn đề như môi trường, luật lao động, chính sách chống các thiên đường trốn thuế, tỷ giá hối đoái giữa euro với USD không? Câu trả lời là không”.

Ông cũng khẳng định: “Mỹ muốn xuất khẩu khí đá phiến sang châu Âu. Chúng ta cũng biết là giá đồng USD mang yếu tố quyết định đối với thương mại thế giới. TTIP thực ra đang thảo luận về những tiêu chuẩn liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội của hàng trăm triệu dân trong EU. Nhưng họ lại không có tiếng nói và thậm chí là cũng không được biết các phái đoàn đàm phán đang thương lượng những gì với Mỹ. Người dân châu Âu không được cung cấp thông tin là TTIP khi đi vào hoạt động sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đời sống của họ. Thỏa thuận này chẳng qua chỉ có lợi cho các tập đoàn đa quốc gia lớn”.

Nghị sĩ châu Âu Patrick Le Hyaric của đảng Mặt trận cánh tả Pháp nói rõ hơn: “Chính các tập đoàn đa quốc gia khởi xướng đàm phán về TTIP cũng như một số người luôn khẳng định là EU và Mỹ cần liên kết để bảo vệ quyền lợi của các nước phương Tây trước sự vươn lên của các quốc gia đang phát triển. Nhưng theo tôi, logic của vấn đề khá đơn giản, đó là vào lúc kinh tế thế giới ngày càng khó khăn, ‘chiến tranh kinh tế’ gia tăng cường độ và sự cạnh tranh giữa các nền kinh tế trở nên gắt gao hơn thì đã tạo ra TTIP”.

Một quốc gia ký TTIP không tuân thủ luật chơi chung sẽ bị kiện ra tòa theo như nguyên tắc của điều khoản giải quyết tranh chấp nhà đầu tư – nhà nước (ISDS). Public Citizen’s Global Trade Watch cũng cảnh báo: Nhờ các thỏa thuận thương mại của Mỹ mà 400 triệu USD tiền của các công dân Mỹ đã rơi vào tay các tập đoàn lớn. Đó là chưa kể những vụ kiện mà các bên nguyên đơn đòi bồi thường thiệt hại hàng tỷ USD.

Tính tới năm 2013 có hơn 3.000 tập đoàn của châu Âu với 24.000 chi nhánh hoạt động trên lãnh thổ Mỹ. Ngược lại, 14.400 công ty của Mỹ mở hơn 50.000 cơ sở hoạt động tại “lục địa già”. TTIP với các vụ kiện trên cơ sở điều khoản ISDS và một tòa án trọng tài chắc chắn sẽ xuất hiện. Trong trường hợp một quốc gia thua kiện, gánh nặng bồi thường cho các công ty quốc tế sẽ đè nặng lên người dân.

Khả năng một nhà nước bị kiện ra trước một tòa án trọng tài vì không bảo đảm công bằng cho các nhà đầu tư nước ngoài đến hoạt động chính là vấn đề nan giải thứ ba trong tiến trình đàm phán TTIP. Vấn đề một nhà nước có thể bị kiện trước một tòa án trọng tài gây rất nhiều tranh cãi trong nội bộ EU và cũng chính là yếu tố quan trọng nhất khiến tiến trình đàm phán về TTIP bế tắc.

Theo quan điểm của bà Lori Wallach, Giám đốc điều hành tổ chức Public Citizen’s Global Trade Watch, nguyên tắc ISDS mà Mỹ muốn thực hiện không có tính chính đáng. Bởi vì điều khoản đó được đưa ra lần đầu nhằm tránh để một tập đoàn của Mỹ bị một chính quyền độc tài tịch thu tài sản. Nhưng EU không phải là những chế độ độc tài.

Nhìn rộng hơn, theo quan điểm của Giáo sư kinh tế Alexandre Delaigue giảng dạy tại Đại học Lille, TTIP hoàn toàn là một công cụ để các tập đoàn đa quốc gia lớn tiến thêm một bước trên con đường toàn cầu hóa vào lúc cơ chế của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã hoàn toàn bị tê liệt. Vòng đàm phán Doha trong nhiều năm qua đã giậm chân tại chỗ.

TTK