04:16 28/04/2022

An Giang: Trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án vợ cán bộ Biên phòng buôn lậu

Sau gần 3 ngày xét xử sơ thẩm, ngày 28/4, Tòa án nhân dân thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án "Buôn lậu" do Trần Thị Vàng (tên gọi khác Út Vàng, sinh năm 1978, trú tổ 5, khóm Vĩnh Chánh 2, phường Vĩnh Ngươn, Châu Đốc, An Giang) cùng đồng phạm thực hiện.

Chú thích ảnh
Bị cáo Trần Thị Vàng tại phiên xét xử sơ thẩm. Ảnh: TTXVN phát

Trong vụ án này, Vàng là vợ của Hoàng Văn Nam, cán bộ thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang.

Theo cáo trạng, khoảng 6 giờ, ngày 27/2/2021, lực lượng liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang và Công an phường Vĩnh Nguơn, thành phố Châu Đốc tiến hành kiểm tra hành chính 3 căn nhà gồm số 193, 276 đường Tuy Biên (khóm Vĩnh Chánh 2) và số 142, đường Phan Xích Long (khóm Vĩnh Tân, phường Vĩnh Nguơn). Quá trình kiểm tra phát hiện 3 căn nhà trên chứa hàng hóa nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ là các mặt hàng điện tử, điện lạnh, đồ dùng gia dụng, đồ sành sứ đã qua sử dụng. Cơ quan điều tra xác định Trần Thị Vàng, Trần Thị Dũng (chị ruột Vàng, sinh năm 1970) và Lê Văn Lên (tên gọi khác Lượm, sinh năm 1990) là các đối tượng liên quan.

Tại Cơ quan Công an, cả 3 đối tượng trên thừa nhận 2 căn nhà số 276 đường Tuy Biên và số 142 đường Phan Xích Long là của Trần Thị Vàng và Hoàng Văn Nam (chồng của Vàng, cán bộ thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang); nhà số 193 đường Tuy Biên là của mẹ ruột Vàng; Dũng đang sinh sống. Số hàng hóa nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ mà Công an thu giữ ở 3 căn nhà trên là của Vàng mang từ Gò Tà Mâu (ấp Tà Mâu, xã Pung Xăng, huyện Brây Chusa, tỉnh Tà Keo, Vương quốc Campuchia) về phường Vĩnh Nguơn (Châu Đốc, An Giang) bán kiếm lời. Trong đó, Lên và Dũng được Vàng thuê, giúp trông coi, dọn rửa và sửa chữa hàng hóa.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Châu Đốc đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Vàng, Dũng, Lên để điều tra về hành vi buôn lậu. Trong quá trình điều tra, bị can Trần Thị Vàng không thừa nhận; khai rằng hàng hóa bị tạm giữ là của hai bị can Dũng, Lên, bản thân Vàng không liên quan.

Tuy nhiên, căn cứ lời khai nhận của các bị can Dũng và Lên, lời khai của những người làm chứng, liên quan và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, có đủ căn cứ xác định Trần Thị Vàng đã chủ mưu, cầm đầu, thuê Dũng và Lên giúp thực hiện hành vi buôn bán hàng hóa qua biên giới trái pháp luật. Việc bị can Vàng không thừa nhận, khai nại là để trốn tránh trách nhiệm…

Sau gần 3 ngày đưa vụ án ra xét xử, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Châu Đốc cho rằng: Căn từ tài liệu và lời khai của các bị cáo tại phiên toà, xét thấy, việc định giá lại tài sản là hàng hóa bị tạm giữ trong 3 căn nhà là cần thiết. Việc định giá lại tài sản cần xem xét hiện trạng thực tế, xác định giá trị sử dụng còn lại của từng hàng hóa tại kho tang vật... dựa trên khảo sát giá, căn cứ để định giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản theo quy định.

Hội đồng xét xử cũng cho rằng: Để có đủ căn cứ xác định tội danh và quyết định khung hình phạt áp dụng chính xác đối với từng bị cáo trong vụ án, cần tiến hành định giá lại tài sản và thu thập thêm chứng cứ quan trọng có liên quan đến định lượng giá trị hàng hóa bị tạm giữ là thuộc trường hợp thiếu chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên tòa. 

Vì vậy, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang quyết định trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Châu Đốc để điều tra bổ sung theo quy định.

Thanh Sang (TTXVN)