05:15 07/05/2021

Ấn Độ và Mỹ thất thế, thế giới tìm đến Trung Quốc để mua vaccine

Thế giới đang trở nên phụ thuộc hơn bao giờ hết vào Trung Quốc về nguồn vaccine COVID-19, với việc làn sóng bùng phát của Ấn Độ gây cản trở các hợp đồng cung ứng và bất chấp cả những nỗ lực của Mỹ.

Chú thích ảnh
WHO đang cân nhắc dữ liệu về vaccine của Trung Quốc trước khi đưa ra quyết định sử dụng, dự kiến trong vài ngày hoặc vài tuần tới. Ảnh: EPA

Trong vài tuần qua, các nhà lãnh đạo của một số quốc gia đông dân nhất thế giới đã muốn mua thêm vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Trung Quốc bất kể những lo ngại về tính hiệu quả của chúng. Theo tờ Bloomberg, nhu cầu mua vaccine từ cường quốc châu Á này được dự báo sẽ tăng hơn nữa nếu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép cho sản phẩm của Tập đoàn Sinovac Biotech và Sinopharm (Trung Quốc) để sử dụng trong chương trình tiêm chủng toàn cầu Covax. 

Yanzhong Huang, chuyên gia cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho hay: “Trung Quốc không chỉ trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất. Tại nhiều quốc gia, nó đã trở thành lựa chọn duy nhất”. 

Tại thời điểm mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang chậm chạp đương đầu với đại dịch toàn cầu COVID-19, niềm tin cậy vào Trung Quốc với tư cách là nhà cung cấp vaccine đang giúp gia tăng ảnh hưởng địa chính trị của nước này trước tình hình nhiều điểm nóng dịch bệnh đang trở nên mất kiểm soát.

Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng của Ấn Độ đã làm cạn kiệt nguồn cung cấp vaccine, khiến nhiều nước chuyển sang “gõ cửa” Trung Quốc. Trong bối cảnh này, Mỹ - vốn bận tâm thúc đẩy tiêm chủng trong nước suốt nhiều tháng qua - đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích dữ dội vì tích trữ vaccine cho người dân nước mình. 

Kho vũ khí chống COVID-19 

Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong cuộc chiến chống lại đại dịch trên toàn cầu. Hôm 5/5, ông chủ Nhà Trắng khẳng định ủng hộ việc từ bỏ các bằng sáng chế đối với vaccine ngừa COVID-19 để chia sẻ cùng các quốc gia. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters

Ông Biden cam kết Mỹ sẽ trở thành một "kho vũ khí để chống lại COVID-19" trên toàn cầu bởi lẽ dịch bùng phát ở những quốc gia khác có nguy cơ sinh ra các biến thể nguy hiểm và kéo dài cuộc khủng hoảng đã cướp đi sinh mạng của 3,25 triệu người trên thế giới. Các nỗ lực của Nhà Trắng bao gồm kế hoạch cung cấp 60 triệu liều AstraZeneca đồng thời tăng cường sản xuất các liều thuốc do vaccine của Moderna, Pfizer và Johnson & Johnson cho các nước khác. 

Trong khi đó, nhiều quốc gia từ Uruguay, Senegal cho đến Indonesia lại đang chủ yếu trông cậy vào Bắc Kinh. Theo công ty phân tích Airfinity, quốc gia này đã xuất khẩu khoảng 240 triệu liều vaccine, nhiều hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại, đồng thời còn cam kết cung cấp thêm 500 triệu liều nữa. Ấn Độ, nhà cung cấp lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và EU, đã xuất khẩu 67 triệu liều cho khoảng 100 quốc gia cho đến khi bị đợt bùng phát thứ hai hoành hành. 

WHO đang cân nhắc dữ liệu vaccine của Trung Quốc trước khi đưa ra quyết định về việc cấp phép. Nếu có thêm nguồn vaccine này sẽ tạo ra động lực cho chiến dịch Covax do WHO hậu thuẫn, vốn chủ yếu dựa vào Viện Huyết thanh của Ấn Độ trước khi bị kìm hãm xuất khẩu.

Covax đã phân phối hơn 50 triệu liều vaccine đến 121 quốc gia và vùng lãnh thổ, không đạt được mục tiêu đề ra cũng như chỉ bằng 1/5 so với lượng vaccine Mỹ quản lý trong nước. Một thỏa thuận mới với hãng Moderna đã giúp mở rộng kho vaccine Covax, song mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ trong số 500 triệu liều mà chương trình này cam kết sẵn có trong năm nay. 

Sự phê duyệt của WHO đối với vaccine Trung Quốc có thể tạo ra sự khác biệt ngay lập tức cho các chính phủ đang chờ đợi con dấu đồng ý đó trước khi tiêm chúng cho người dân. Sri Lanka, chẳng hạn, cho đến nay mới chỉ tiêm dưới 1% trong số 600.000 liều vaccine Sinopharm của nước này cho các công nhân Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số chuyên gia bày tỏ lo lắng về tác động tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng nếu triển khai rộng rãi các loại vaccine Trung Quốc, vốn cho thấy tỷ lệ hiệu quả thấp hơn so với Pfizer và Moderna. Và vaccine của Trung Quốc cũng bị cản trở vì  thiếu dữ liệu thử nghiệm cùng với xu hướng ưa chuộng vaccine của các công ty phương Tây hơn.

Nicholas Thomas, Phó giáo sư tại Đại học Thành phố Hong Kong, đồng thời là chủ biên của một số cuốn sách về sức khỏe toàn cầu và chính sách đối ngoại, nhận định: “Việc WHO phê duyệt vaccine Trung Quốc trong trung hạn sẽ giúp củng cố quyền lực và thẩm quyền của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, tỷ lệ hiệu quả thấp của vaccine Trung Quốc cho thấy đây là một vị trí dễ tranh chấp nếu các nước phương Tây có thể tăng cường nguồn cung của chính họ”.

Nắm bắt cơ hội

Đó là tất cả những lý do khác nữa để Trung Quốc nắm bắt cơ hội ngay khi có thể. Tuần trước, Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ cung cấp vaccine cho các quốc gia phụ thuộc vào Ấn Độ khi điện đàm với những người đồng cấp ở khu vực Nam Á. 

Chú thích ảnh
Một số loại vaccine ngừa COVID-19 hiện nay. Ảnh: Reuters

Cũng trong ngày hôm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã đảm bảo một thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác quân sự với Bangladesh. Nước này sau đó đã phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp vaccine Sinopharm sau khi Viện Huyết thanh Ấn Độ không thể bàn giao 15 triệu liều vaccine.  

Tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết phản đối "chủ nghĩa dân tộc vaccine" trong cuộc gọi với nhà lãnh đạo Indonesia Joko Widodo - người đã bật đèn xanh sử dụng vaccine Sinopharm cho các trường hợp khẩn cấp ngay sau đó. Indonesia cũng được giao thêm 15 triệu liều vaccine của Sinovac.

Pandu Riono, nhà dịch tễ học tại Đại học Indonesia, nhận xét: “Nhìn một cách rõ ràng, lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ đã khiến Indonesia ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung cấp vaccine từ Trung Quốc”.

Các quốc gia khác thì lại dè chừng Trung Quốc về mặt địa chính trị. Việc Ấn Độ chậm trễ xuất khẩu đã tước đi đơn đặt hàng vaccine lớn nhất của Philippines tại thời điểm nước này đang tranh cãi với Trung Quốc về lãnh thổ trên biển. Tổng thống Rodrigo Duterte đã quở trách nhà ngoại giao hàng đầu Philippines trong tuần này vì một dòng tweet có nội dung thẳng thắn tố cáo hành vi tranh chấp Bắc Kinh trong khi chính phủ của ông đàm phán với Sinovac để được cung cấp 4 triệu liều vaccine mỗi tháng. 

"Trung Quốc vẫn là mạnh thường quân của chúng ta. Không thể vì chúng ta có xung đột với Trung mà chúng tôi phải thô lỗ và thiếu tôn trọng", ông Duterte nói. 

Tuy nhiên, những lo lắng về hiệu lực của chúng vẫn tồn tại. Một nghiên cứu của chính phủ Chile vào tháng 4 cho thấy vaccine của Sinovac có hiệu quả 67% trong việc phòng bệnh COVID-19 và ngăn ngừa 80% trường hợp tử vong. Trong khi đó, ở Israel, vaccine mRNA của Pfizer được phát hiện có hiệu quả 92% trong việc phòng bệnh và 99% hiệu quả trong việc ngăn ngừa tử vong,  mặc dù khó vận chuyển hơn và phải được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp.

Đức Trí/Báo Tin tức