03:21 12/03/2015

Ấn Độ - Sri Lanka: Thế trận ngoại giao mới tại Ấn Độ Dương

Sri Lanka trở thành điểm nhấn quan trọng trong chuyến công du tuần này tới ba nước Ấn Độ Dương của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Diễn ra chưa đầy một tháng sau chuyến thăm của tân Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena...

Sri Lanka trở thành điểm nhấn quan trọng trong chuyến công du tuần này tới ba nước Ấn Độ Dương của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Diễn ra chưa đầy một tháng sau chuyến thăm của tân Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena, những chuyển động ngoại giao tích cực này được giới phân tích khu vực nhận định là đánh dấu một kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương, đồng thời tạo ra thế cân bằng giữa ba đỉnh tam giác Ấn Độ - Sri Lanka - Trung Quốc tại Nam Á.

Kỷ nguyên hợp tác mới

Với chuyến thăm này, ông Modi trở thành Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên tới quốc gia láng giềng phía Nam sau 28 năm trong bối cảnh quan hệ hai nước đang có nhiều khởi sắc kể từ khi chính phủ mới tại Sri Lanka lên cầm quyền. Hành trang đến Colombo lần này của nguyên thủ New Delhi là những cam kết hỗ trợ về quân sự, dân sự và kế hoạch xây dựng nhà máy điện 500 MW theo thỏa thuận năm 2012 giữa Công ty Nhiệt điện Quốc gia Ấn Độ với Sri Lanka tại cảng biển chiến lược Trincomalee. Ngoài ra, lãnh đạo hai nước chú trọng nội dung nâng cấp chương trình đào tạo quân sự cũng như những cam kết của Ấn Độ trong việc hỗ trợ Sri Lanka cải thiện lĩnh vực tuần tra ngư nghiệp.

Thủ tướng Ấn Độ (phải) và Tổng thống Sri Lanka trong một cuộc gặp ngày 16/2.



Với những thỏa thuận đạt được trước đó tại New Delhi trong khuôn khổ chuyến thăm tháng 2 vừa qua của Tổng thống Sri Lanka Sirisena, rõ ràng hai bên đang hướng tới một kỷ nguyên hợp tác mới vì mục tiêu chiến lược là đảm bảo an ninh và thịnh vượng chung. Giới nghiên cứu đánh giá kết quả chuyến thăm của ông Sirisena là tích cực và thực chất, trong đó hai bên đã đạt nhất trí cao trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương cũng như tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho vấn đề người Tamil và tiến trình hòa giải dân tộc và cải cách chính trị tại Sri Lanka. Đáng chú ý, việc hai bên ký kết thỏa thuận hạt nhân dân sự đã đánh dấu mốc lịch sử mở ra triển vọng hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác, nhất là hợp tác về quốc phòng và an ninh. Theo thỏa thuận, New Delhi sẽ giúp Colombo xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng hạt nhân, trong đó bao gồm cả việc đào tạo nguồn nhân lực. Ấn Độ cũng có thể xem xét bán cho Sri Lanka các lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ, đủ để nước này hoàn thành mục tiêu sản xuất 600MW năng lượng hạt nhân vào năm 2030.

Các chuyến thăm được kỳ vọng mở ra thời kỳ mới trong quan hệ giữa Ấn Độ với quốc đảo giữ vị trí quan trọng trên phòng tuyến phía Nam của New Delhi và môi trường địa chính trị tại khu vực Ấn Độ Dương.

Cân bằng chiến lược

Từ một góc nhìn rộng hơn, giới quan sát không chỉ nhìn nhận quan hệ New Delhi - Colombo trên phương diện song phương đơn thuần mà đặt trong tổng thể các mối quan hệ tại Nam Á. Đa phần ý kiến cho rằng củng cố mối quan hệ này phục vụ lợi ích Ấn Độ và Sri Lanka trong tương quan quan hệ với Trung Quốc.

Với New Delhi, sự điều chỉnh chính sách đối ngoại đối với Colombo nói riêng và khu vực Ấn Độ Dương nói chung là cần thiết để tăng cường sự hiện diện và tầm ảnh hưởng tại một khu vực từ lâu được xem là "sân sau" sau nhiều thập kỷ "bỏ rơi" và cạnh tranh tầm ảnh hưởng với Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đang có những chuyển động mạnh mẽ củng cố sự hiện diện tại khu vực này. Trên thực tế, Trung Quốc đang không ngừng khẳng định tầm ảnh hưởng tại Sri Lanka - quốc đảo nằm trên một trong những tuyến đường hàng hải hấp dẫn nhất thế giới.

Bắc Kinh đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất của quốc gia này khi rót vốn xây dựng một cảng nước sâu và một sân bay quốc tế hồi năm ngoái. Trong thời gian gần đây, Trung Quốc cũng đã đẩy mạnh hoạt động triển khai đội quân chống cướp biển, tổ chức các cuộc diễn tập hải quân, đồng thời tăng cường đầu tư cho các dự án hạ tầng trên biển như cảng biển, nhà máy điện, đường cao tốc trên khắp các quốc đảo ở Ấn Độ Dương. Hải quân nước này cũng có những bước đột phá khi cho tàu ngầm cập cảng Sri Lanka hồi năm ngoái. Nhiều nhà phân tích Ấn Độ và phương Tây đánh giá Trung Quốc đang thực hiện một chiến lược hải quân dài hạn rất rõ ràng nhằm nắm thế chủ đạo tại Ấn Độ Dương, và chính điều này khiến Chính phủ Ấn Độ quan ngại cũng như nỗ lực tìm cách giành lại vị thế cũng như bảo vệ lợi ích chiến lược và nền ninh của đất nước này.

Về phần Sri Lanka, quốc đảo ở Ấn Độ Dương này cũng có những điều chỉnh chính sách đối ngoại nhất định theo hướng cân bằng hơn trong quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Trong thời gian cầm quyền của cựu Tổng thống Sri Lanka Rajapaksa, sự mất tin tưởng về an ninh khu vực giữa Sri Lanka và Ấn Độ gia tăng trong khi quan hệ giữa nước này và Trung Quốc lại được củng cố với những khoản đầu tư lớn của Bắc Kinh vào cơ sở hạ tầng ở Sri Lanka. Tuy nhiên, việc lựa chọn Ấn Độ là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên vừa qua của tân Ngoại trưởng Sri Lanka Mangala Samaraweera và tân Tổng thống Sirisena được xem là tín hiệu tích cực báo hiệu triển vọng cải thiện quan hệ hai nước, đồng thời cho thấy vị trí ưu tiên của New Delhi trong chính sách đối ngoại của chính phủ mới ở Sri Lanka. Giới phân tích cho rằng một trong những lý do khiến Chính quyền Colombo có sự thay đổi trong chính sách đối ngoại đối với New Delhi là nhằm hạn chế sự phụ thuộc và ảnh hưởng của Bắc Kinh tại quốc đảo này.

Tuy nhiên, là một nước nhỏ trong khu vực, Sri Lanka bị kẹt giữa hai cường quốc và buộc phải có những sách lược thận trọng. Do nhu cầu vốn và sự ảnh hưởng sâu rộng về kinh tế với Bắc Kinh, Colombo sẽ không thể để mất cơ hội tăng cường hợp tác kinh tế, đầu tư với Trung Quốc. Bằng chứng là ngay sau chuyến thăm tới New Delhi, cuối tháng này Tổng thống Sirisena dự kiến sẽ tới Bắc Kinh.

Các lợi ích chồng chéo và ganh đua ảnh hưởng giữa Ấn Độ và Trung Quốc với đối tác Sri Lanka đang mở ra một thế trận ngoại giao mới tại Ấn Độ Dương và hứa hẹn một cuộc cạnh tranh ngày càng quyết liệt hơn.

Phương Oanh