12:22 19/12/2012

Ấn Độ sẽ thay Trung Quốc trở thành động lực tăng trưởng toàn cầu?

Hầu hết dư luận đều coi Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, nắm vai trò lãnh đạo các quốc gia mới nổi và đang phát triển.

Hầu hết dư luận đều coi Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, nắm vai trò lãnh đạo các quốc gia mới nổi và đang phát triển. Thế nhưng, A. Garry Shilling - Chủ tịch tập đoàn A. Gary Shilling & Co (Mỹ), tác giả cuốn “Thời kỳ giảm nợ: Những chiến lược đầu tư cho một thập kỷ tăng trưởng chậm và giảm phát” - trong bài viết đăng trên tờ "Bloomberg" ngày 17/12 lại lập luận rằng về lâu dài, Ấn Độ mới là nền kinh tế tạo động lực cho tăng trưởng toàn cầu.


 

Với dân số đứng hàng thứ 3 thế giới, Ấn Độ có thể trở thành động lực chính cho nền kinh tế thế giới. Ảnh: Internet

 

Theo tác giả bài viết, động lực chủ yếu cho tăng trưởng nhanh của Trung Quốc trước năm 2008 là nhờ chuyển dịch sản xuất toàn cầu từ châu Âu và Mỹ, chứ không phải từ nội lực trong nước. Nền kinh tế Trung Quốc vẫn phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu do tiêu dùng mới chỉ chiếm 38% GDP, thấp hơn nhiều so với một số quốc gia đang phát triển khác.


Năm qua, Trung Quốc đã tăng lương tối thiểu từ 20% - 30% nhằm tăng thu nhập và sức mua. Tuy nhiên, lương tăng làm tăng chi phí lao động, khiến sức cạnh tranh về giá của Trung Quốc giảm so với các thị trường mới nổi khác, thúc đẩy các công ty nước ngoài tìm kiếm các thị trường thay thế như Việt Nam, Bănglađét, Inđônêxia. Các công ty phương Tây cũng đang phản đối yêu cầu buộc chuyển giao kỹ thuật cho các đối tác Trung Quốc như một điều kiện để mở các cơ sở sản xuất. Họ tin rằng thành công của các nhà chế tạo Trung Quốc chủ yếu do việc chuyển giao công nghệ tự nguyện hoặc nhờ đánh cắp bản quyền.


Trung Quốc gần đây đã giảm mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm xuống còn 7,5% từ mức 8%. Mục tiêu này có thể quá cao khi chính sách một con của Trung Quốc dẫn tới suy giảm dân số, đặc biệt trong nhóm người mới bước vào tuổi lao động. Số người trong độ tuổi từ 15 - 24 đang suy giảm và lực lượng này ước đạt 150 triệu người vào năm 2030, so với 250 triệu người năm 1990. Kết quả là lực lượng lao động từ 15 - 65 tuổi dự báo sẽ đạt đỉnh vào năm 2014. Lực lượng lao động dồi dào của Trung Quốc đã giúp tăng thêm 1,8% tăng trưởng GDP hàng năm từ những năm 1970. Việc thu hẹp lực lượng lao động chắc chắn sẽ làm suy giảm tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc.


Trái lại, Ấn Độ không có hạn chế thực tế nào đối với tăng trưởng dân số. Sự phân bổ tuổi tác của dân số Ấn Độ cũng tốt hơn nhiều. Một vài thế kỷ làm thuộc địa của Anh đã tạo ra cho Ấn Độ một nền dân chủ. Thể chế này sẽ rất phù hợp với việc quản lý một đất nước rộng lớn và đa dạng về tôn giáo, nơi quyền lực của chính quyền trung ương bị hạn chế phần nào vì chính quyền bang mạnh và các chính phủ liên minh yếu. Ngược lại, Trung Quốc vẫn giữ cơ chế trung ương kiểm soát như dưới thời Mao Trạch Đông.


Người Anh đã để lại cho Ấn Độ một hệ thống đường sắt giúp vận chuyển dễ dàng hàng hóa, con người khắp đất nước rộng lớn. Đặc biệt, người Anh đã để lại cho Ấn Độ ngôn ngữ tiếng Anh, phương tiện vô cùng hữu hiệu trong thế giới hiện nay. Lao động rẻ cùng với tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai đã tạo lợi thế không nhỏ để lực lượng lao động Ấn Độ thu hút các tập đoàn phương Tây.


Ấn Độ cũng là nước sở hữu một số tập đoàn lớn như Tata Group có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Trái lại, Trung Quốc có hệ thống doanh nghiệp nhà nước thiếu hiệu quả cùng với hệ thống ngân hàng do chính phủ kiểm soát. Người Ấn Độ có khả năng nhanh nhạy với công nghệ mới. Khả năng của nhiều nhà khoa học, kỹ sư Ấn Độ giao tiếp bằng tiếng Anh cũng là sự trợ giúp lớn. Khu vực công nghệ thông tin bùng nổ phụ thuộc nhiều hơn vào các công nghệ mới như truyền dẫn vệ tinh thay vì cơ sơ hạ tầng cơ bản còn chưa đầy đủ của Ấn Độ.


Cũng như Trung Quốc, Ấn Độ có tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng, tạo điều kiện đáng kể cho việc kích thích chi tiêu. Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2008 đã bộc lộ những yếu kém của nền kinh tế Ấn Độ thời gian gần đây. Thế nhưng, cùng với quyết tâm cải cách kinh tế đang diễn ra, những lợi thế căn bản trên đây có thể tạo đà cho Ấn Độ thay thế Trung Quốc trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong tương lai.

 

Quang Tuyến