09:05 28/09/2022

Ấn Độ phát triển xe tăng hạng nhẹ phục vụ chiến tranh ở vùng núi Himalaya

Ấn Độ đã sẵn sàng cho ra mắt xe tăng mới hạng nhẹ được tối ưu hóa cho chiến tranh vùng núi ở biên giới Himalaya đang tranh chấp với Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Xe tăng Ấn Độ ở phía đông Ladakh vào ngày 10/2/2021. Ảnh: Quân đội Ấn Độ

Tạp chí quốc phòng Janes trong tháng này đưa tin rằng quân đội Ấn Độ đã hợp tác với tập đoàn địa phương Larsen & Toubro để phát triển một loại xe tăng hạng nhẹ phục vụ chiến tranh trên vùng núi, dự kiến ​​sẽ được trình làng vào năm 2023. Đây được cho là đối trọng với thiết giáp hạng nhẹ của Trung Quốc ở khu vực núi cao.

Phó chủ tịch điều hành cấp cao về quốc phòng của L&T, ông Jayant Patil xác nhận rằng công ty đã được chọn làm đối tác phát triển loại xe tăng hạng nhẹ mới, được gọi là “Dự án Zorawar”.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu L&T có đóng vai trò gì trong quá trình sản xuất thực tế loại xe tăng này hay không. Thiết bị nguyên mẫu hiện đã vượt qua các thử nghiệm hiện trường, sau đó có thể bắt đầu sản xuất.

Các cuộc đụng độ ở Ladakh năm 2020 cho thấy khoảng trống năng lực của Ấn Độ ở biên giới tranh chấp với Trung Quốc. Trong một bài báo cùng năm trên tạp chí Raksha Anirveda, Trung tướng Ấn Độ nghỉ hưu Ashok Bhim Shivane viết rằng, việc Ấn Độ thiếu xe tăng hạng nhẹ đã góp phần khiến nước này không thể ngăn chặn được những bước tiến của Trung Quốc ở khu vực núi cao.

Ông Shivane lưu ý rằng việc triển khai trước xe tăng hạng nhẹ, xe chở quân bọc thép (APC), trực thăng tấn công, bộ binh, lực lượng đặc biệt, pháo hạng nhẹ và máy bay chiến đấu được hỗ trợ bởi máy bay không người lái và tình báo vệ tinh trong vỏ bọc của một cuộc tập trận có thể đã ngăn chặn được cuộc đụng độ làm ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng năm đó.

Tướng Shivane lưu ý rằng Ấn Độ đã triển khai thành công xe tăng hạng nhẹ AMX 30 do Pháp sản xuất trong các cuộc giao tranh biên giới trên núi trước đó với Pakistan và Trung Quốc lần lượt vào năm 1948 và 1962. Tuy nhiên, trong những năm 1980, những chiếc xe tăng hạng nhẹ này đã bị loại bỏ dần để thay thế bằng những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) nặng hơn, vốn có một số hạn chế trong tác chiến trên núi.

Việc bỏ qua xe tăng hạng nhẹ cho chiến tranh vùng núi có thể là do mối bận tâm của các nhà hoạch định quốc phòng của Ấn Độ với Pakistan, quốc gia mà New Delhi đánh giá là mối đe dọa trực tiếp hơn Trung Quốc.

Một bài báo vào tháng 3 /2022 trên trang Eurasian Times đã lưu ý rằng xe tăng T-90 và T-72 nặng 45 tấn do Nga sản xuất của Ấn Độ, được thiết kế cho các cuộc diễn tập bọc thép hàng loạt trên sa mạc hoặc đồng bằng, không phù hợp cho chiến tranh vùng núi, như trong các cuộc đụng độ năm 2020.

Chú thích ảnh
Các xe tăng T-72 (trong ảnh) và T-90 do Nga sản xuất của Ấn Độ được cho là đã không thể hiện tốt vai trò trong cuộc xung đột trên dãy Himalaya với Trung Quốc. Ảnh: Handout

Bài báo trên lưu ý rằng các tiểu đoàn thiết giáp của Ấn Độ đã phải vật lộn để vận chuyển xe tăng hạng nặng lên các đèo núi cao 5.300m ,trong khi xe tăng hạng nhẹ ZTQ-15 nặng 33 tấn của Trung Quốc dễ dàng vượt qua địa hình hiểm trở.

Vào năm 2021, Ấn Độ đã cân nhắc mua xe tăng hạng nhẹ Sprut SDM1 nặng 18 tấn để chống lại thiết giáp nhẹ của Trung Quốc - chuyên gia Snehesh Alex Philip cho biết. Ông lưu ý rằng Ấn Độ rất muốn mua Sprut SDM1 của Nga vì nước này có súng và đạn 125 mm tương tự như xe tăng T-90 và T-72.

Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã ảnh hưởng đến việc sản xuất xe tăng của Nga, khiến Ấn Độ bắt buộc phải thiết kế và phát triển các xe tăng hạng nhẹ ở nội địa.

Trước những thiếu sót kể trên, Bộ Quốc phòng Ấn Độ (MOD) vào tháng 4 năm ngoái đã ban hành Yêu cầu Cung cấp thông tin về Xe tăng hạng nhẹ cho quân đội Ấn Độ, trong đó đề ra các yêu cầu đối với 350 xe tăng hạng nhẹ được chế tạo trong nước cùng với các thông số thiết kế của chúng.

Theo tài liệu, xe tăng hạng nhẹ của Ấn Độ không được vượt quá 25 tấn và phải có thiết kế mô-đun. Pháo chính phải có bộ nạp đạn tự động và có thể bắn các loại đạn thông minh hiện đại và tên lửa chống tăng dẫn đường (ATGM). Tài liệu cũng lưu ý rằng xe tăng sẽ có một trạm vũ khí điều khiển từ xa (RCWS) cho vũ khí trang bị thứ cấp của nó.

Tài liệu cũng đề cập đến việc tuân thủ các cấp độ bảo vệ của giáp Tiêu chuẩn NATO (STANAG), với giáp phản ứng nổ bổ sung (ERA) có thể được ứng dụng. Xe tăng phải có tỷ lệ mã lực trên tấn là 25:1 và có áp suất mặt đất thấp để hoạt động được cả ở địa hình ven biển và vùng đất ngập nước.

Dự án Zorawar của Ấn Độ nhằm đối trọng lại xe tăng hạng nhẹ ZTQ-15 của Trung Quốc, vốn đã được triển khai trên dãy Himalaya.

Theo trang Army Recognition, ZTQ-15 có kíp lái 3 người và nặng từ 33 đến 36 tấn, tùy thuộc vào cấu hình giáp. Nó có một khẩu pháo 105 mm tự động nạp đạn với tầm bắn tối đa 3.000 mét và có thể bắn tên lửa chống tăng dẫn đường để tấn công các mục tiêu ngoài tầm bắn hiệu quả. Nó cũng có một súng máy cỡ nòng 12,7mm và súng phóng lựu tự động 40 mm.

ZTQ-15 có lớp giáp bằng thép hàn toàn bộ chống lại hỏa lực và mảnh vỡ của vũ khí nhỏ và có thể được trang bị các mô-đun giáp composite, giáp lồng hoặc giáp phản ứng bổ sung để tăng cường bảo vệ.

Xe tăng được trang bị động cơ diesel 1.000 mã lực, cho tốc độ tối đa trên đường trường là 70 km/h và đường địa hình 35-40 km/h, với phạm vi hoạt động tối đa là 450 km. ZTQ-15 cũng có thể chịu ngập 1,1 mét nước mà không cần chuẩn bị trước và có thể được lắp thêm thùng chứa nhiên liệu bên ngoài để tăng tầm hoạt động.

Chú thích ảnh
Xe tăng hạng nhẹ ZTQ-15 của Trung Quốc vượt trội so với các mẫu do Nga sản xuất của Ấn Độ trong các cuộc giao tranh trên dãy Himalaya hồi năm 2020. Ảnh: Twitter

Địa hình núi gây ra những hạn chế rất lớn về khả năng di chuyển, thường làm tê liệt cả người phòng thủ và kẻ tấn công. Tuy nhiên, nó có lợi cho bên phòng thủ vì nó cho phép các vị trí phòng thủ vững chắc trong khi người tấn công liên tục bị sơ hở ở những địa hình thường không quen thuộc.

Với xe tăng, chiến thắng trong cuộc chiến trên núi thường đạt được bằng cách cô lập quân phòng thủ và cắt đứt các đường rút lui.

Trong vai trò phòng thủ, xe tăng hạng nhẹ có thể trở thành các ụ vũ khí hạng nặng đặc biệt nếu có các vị trí bắn tốt và giữ được chốt phòng thủ. 

Xe tăng hạng nhẹ có thể hỗ trợ hỏa lực trực tiếp cho bộ binh tấn công, nhưng với những thách thức về khả năng di chuyển do địa hình núi gây ra, đây có thể là một ứng dụng không phổ biến.

Thay vào đó, xe tăng hạng nhẹ có thể được sử dụng để cô lập các vị trí của đối phương. Đồng thời, các xe tăng hạng nhẹ có thể cơ động qua các thung lũng và tấn công các đường liên lạc, cắt đứt đường tiếp tế và rút lui của đối phương.

Chuyên gia Bommakanti cho rằng, bằng cách bắt tay vào dự án xe tăng hạng nhẹ nội địa, Ấn Độ có thể đang tìm cách học lại những bài học về chiến tranh trên núi với Trung Quốc và Pakistan mà nước này dường như đã bỏ qua.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Asiatimes)