12:11 22/12/2010

Ấn Độ: Những cây cầu sống

Sâu trong khu vực đông bắc Ấn Độ, một trong những khu vực ẩm ướt nhất trên thế giới, người ta không cần phải xây dựng những cây cầu mà cầu tự "mọc”.

Sâu trong khu vực đông bắc Ấn Độ, một trong những khu vực ẩm ướt nhất trên thế giới, người ta không cần phải xây dựng những cây cầu mà cầu tự "mọc”.


Những công trình kiến trúc này rất khỏe, có thể đạt độ dài hơn 30 m và nhiều cây cầu đã có tuổi thọ hơn 5 thế kỷ. Đặc biệt nữa là tất cả những cây cầu ở đây đều xanh tươi và khỏe mạnh. Đó là những cây cầu bằng rễ cây.

Những cây cầu loại này có rất nhiều ở tỉnh Cherrapunji, bang Maghalaya, được tạo thành từ rễ cây Ficus elastica (cây cao su của Ấn Độ, tại Việt Nam được gọi là cây đa búp đỏ). Trong tự nhiên, loại cây này có thể đạt độ cao hơn 30 m. Nhiều rễ phụ mọc ra từ các cành cây và dễ dàng vắt qua những tảng đá lớn dọc bờ sông hay thậm chí vươn ra tới giữa sông.

“Cha đẻ” của ý tưởng xây dựng cầu bằng rễ cây là những thổ dân bộ lạc War-Khasis. Họ là những người bản địa từ lâu đã phát hiện ra rằng có thể tận dụng những sợi rễ khỏe mạnh của cây để vượt qua sông suối, vốn từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân nơi đây. Mỗi khi có nhu cầu đi lại qua sông, những người War-Khasis chỉ việc "trồng" những cây cầu.

Cây cầu rễ cây 2 tầng độc nhất trên thế giới ở tỉnh Cherrapunji, bang Maghalaya, đông bắc Ấn Độ. Ảnh: Internet


Cư dân bộ lạc có bí quyết riêng để định hướng cho đống rễ cây. Khi bắt đầu làm cầu, họ dùng thân cây cau đục rỗng ruột để rễ cây chỉ mọc dài ra theo đúng hướng mong muốn. Khi rễ cây dài sang đến bờ bên kia, họ chỉ việc cắm chúng xuống đất và thời gian sẽ giúp hoàn thành cây cầu.


Những cây cầu rễ cây phải mất 10 - 15 năm mới có thể đảm bảo sử dụng an toàn. Một cây cầu hoàn chỉnh loại này rất bền và chắc chắn, có thể chịu được trọng lượng của 50 người hoặc hơn cùng đi trên đó.

Những cây cầu làm từ rễ cây như thế này ngày càng chắc khỏe theo thời gian nhờ rễ cây tiếp tục dài ra. Đồng thời, những chiếc rễ khác cũng "ăn theo" hướng cầu.


Trong số đó, cây cầu có tên gọi "Cầu rễ cây 2 tầng Umshiang" được cho là độc nhất trên thế giới. Trên thực tế, nó được hình thành từ hai cây cầu rễ cây riêng biệt xếp chồng lên nhau.

Trước đây, cư dân trong vùng đã từng có ý định hiện đại hóa giao thông bằng cách phá bỏ những cây cầu này và xây dựng những cây cầu bằng thép. Tuy nhiên, sau khi chủ một khu du lịch gần đó phát hiện ra giá trị tiềm ẩn của chúng, ông ta đã dễ dàng thuyết phục được họ để đầu tư làm ăn.

Những cây cầu bằng rễ cây tuy già cỗi nhưng vẫn phục vụ tốt nhu cầu đi lại của mọi người. Hiện nay, cư dân ở tỉnh Cherrapunji vẫn tiếp tục "trồng" thêm những cây cầu mới. Điều đó chứng tỏ nhiều phát minh có thể trường tồn với thời gian, cho dù nó được bắt đầu từ rất xa xưa.

Quang Minh