05:10 26/05/2011

Ấn Độ: Người giàu xài sang

Ấn Độ ngày nay đã trở thành thị trường béo bở của các thương hiệu hàng hóa cao cấp trên thế giới, trong bối cảnh lớp người thành đạt và giàu có ở đất nước này đang ngày càng gia tăng.

Ấn Độ ngày nay đã trở thành thị trường béo bở của các thương hiệu hàng hóa cao cấp trên thế giới, trong bối cảnh lớp người thành đạt và giàu có ở đất nước này đang ngày càng gia tăng.

Chiếc xe sang trọng Chevrolet Corvettte C6 được trưng bày tại triển lãm ô tô thể thao ở Mumbai tháng 1/2011. Ảnh: Internet


Bằng chứng rõ nét nhất là khi đặt chân tới Ấn Độ, du khách sẽ thấy các cửa hàng thời trang sang trọng của Louis Vuitton, Prada, Chanel và Bulgari cũng như những gian trưng bày các loại xe thể thao “sành điệu” như Ferrrari và Maserati mọc lên “như nấm sau mưa”.

Chuyên gia tư vấn thương hiệu Radha Chadha quả có lý khi nhận định: Nếu một phụ nữ Ấn Độ giàu có tham dự bất kỳ sự kiện xã hội nào được tổ chức ở thành phố Mumbai hay thủ đô Niu Đêli mà không mang theo một chiếc túi xách “hàng hiệu” thì đó là một người “dũng cảm”.

Trước kia, thời thuộc địa của Anh, lối sống xa hoa được xem là “đặc tính” của giới chủ phong kiến Ấn Độ. Họ sẵn sàng phung phí tiền bạc để mua sắm những chiếc xe hơi Rolls-Royce, những viên kim cương lấp lánh, những cung điện tráng lệ và sở hữu một “đội quân” kẻ hầu người hạ. Trong xã hội hiện đại ngày nay, người Ấn Độ thể hiện sự giàu có bằng việc đổ xô đi mua sắm những món hàng đắt tiền trong các quầy hàng ở khách sạn năm sao hoặc trong những trung tâm thương mại sầm uất. Theo chuyên gia thiết kế nội thất Raseel Gujral Ansal ở Niu Đêli, lớp người giàu có tại Ấn Độ giờ không còn cảm thấy rụt rè khi bỏ tiền mua sắm vật dụng.

Người giàu nhất Ấn Độ, ông Mukesh Ambani, được xem là một minh chứng cho lối sống xa xỉ. Ông Ambani hiện sở hữu một tòa biệt thự 27 tầng, đủ chỗ đỗ cho ba chiếc máy bay trực thăng, ở Mumbai. Tỉ phú Ambani từng tặng vợ mình một chiếc máy bay Airbus trị giá 60 triệu USD làm quà sinh nhật.

Ashish Chordia - Giám đốc điều hành tập đoàn Shreyans chuyên nhập khẩu xe hơi hiệu Porsche và các loại xe thể thao hạng sang ở Ấn Độ - cho biết: Doanh số bán các loại xe ô tô sang trọng như Mercedes và Ferraris bán ra trong năm 2010 đã tăng lên 80%. Đề cập tới việc tiêu thụ xe hơi hạng sang tại Ấn Độ năm 2010, chủ tịch Andreas Schaaf của hãng xe BMW ở Ấn Độ cũng phải thốt lên rằng: “Năm ngoái thực sự là một hiện tượng phi thường”. Hãng sản xuất siêu xe Aston Martin hồi tháng 4/2011 vừa qua cũng đã gia nhập danh sách các nhà chế tạo ô tô hạng sang kinh doanh tại thị trường Ấn Độ. Aston Martin đang lên kế hoạch bán các mẫu xe: V8 Vantage với giá 348.341 USD, Rapide với giá 483.146 USD và One-77 với giá 4.5 triệu USD.

Theo công ty tư vấn toàn cầu AT Kearney, mặc dù vẫn đứng sau Trung Quốc nhưng thị thường hàng xa xỉ ở Ấn Độ sẽ tăng gấp ba lần, lên tới 15 tỉ USD, vào năm 2015. Trong khi đó, báo cáo về những người giàu có thế giới năm 2010 của hãng Merrill Lynch Capgemini nêu rõ, số người Ấn Độ có giá trị tài sản hơn 1 triệu USD (chưa kể bất động sản) đã lên tới 127.000 người. Cuộc khảo sát do chi nhánh của Citibank thực hiện đối với 160 cố vấn tài chính cũng cho biết, nhiều người giàu Ấn Độ sẽ mua chuyên cơ và du thuyền trong thời gian tới.

Lê Hải (theo AFP)