12:15 22/12/2013

Ấn Độ hạ nhiệt cơn giận dữ ngoại giao với Mỹ

Ấn Độ đã tìm cách hạ nhiệt cơn giận dữ trước vụ Mỹ bắt giữ và khám xét một nhà ngoại giao của nước này ở New York, khẳng định rằng không nên để vụ việc làm ảnh hưởng tới mối quan hệ "vững chắc" giữa hai nước.

Ngày 21/12, Ấn Độ đã tìm cách hạ nhiệt cơn giận dữ trước vụ Mỹ bắt giữ và khám xét một nhà ngoại giao của nước này ở New York, khẳng định rằng không nên để vụ việc làm ảnh hưởng tới mối quan hệ "vững chắc" giữa hai nước.

Tòa nhà Tổng lãnh sự Ấn Độ tại thành phố New York (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN


Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid cho biết một cuộc đối thoại với Washington đang được tiến hành nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng nổ ra do việc bắt và giam giữ suốt 48 tiếng đồng hồ đối với Phó Tổng lãnh sự Devyani Khobragade từ ngày 12/12.

Ông Khurshid nói với các phóng viên tại New Delhi: "Quan hệ của hai nước là quan hệ đối tác. Mối quan hệ này rất vững chắc. Tôi tin rằng nhân dân hai nước đều không muốn các quan hệ mà chúng tôi đang có sẽ bị đảo lộn bởi vụ việc này". Ông Khurshid cho biết thêm ông đã nói chuyện với phía Mỹ thông qua các kênh ngoại giao song những kênh ngoại giao đó đã bị ngắt và đó chính là mối quan ngại của ông.

Ngoại trưởng Khurshid đồng thời cũng cảnh báo rằng Mỹ "cần phải hiểu được giá trị của mối quan hệ đối tác" của họ.

Dù sao, phát biểu này đã mềm mỏng hơn so với những lời ông Khurshid nói một ngày trước đó, khi ông gọi cách đối xử của cảnh sát Mỹ đối với bà Khobragade là "gây tổn hại" và "không thể chấp nhận được".

Cũng trong ngày 21/12, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Anand Sharma đưa ra nhận định rằng hai nước không nên để vụ việc "phủ bóng kéo dài" lên mối quan hệ song phương. Ông nói: "Chúng tôi không tách rời (khỏi Mỹ). Sự gắn kết này sẽ ngày càng vững chắc hơn và các vấn đề (như vấn đề này) sẽ không được để phủ bóng kéo dài".

Mối quan hệ giữa hai cựu thù thời Chiến tranh Lạnh đã trở nên khá nồng ấm trong những năm qua. Hai nước giờ cùng tham gia các cuộc diễn tập an ninh chung và Washington coi Ấn Độ là đối tác chiến lược quan trọng ở một khu vực nhiều bất ổn. Tuy nhiên, hai nền dân chủ lớn nhất thế giới đã bất hòa với nhau kể từ sau vụ bắt giữ bà Khobragade - nhà ngoại giao này cho biết mình đã bị còng tay và bị khám khắp người. Bà Khobragade, hiện đã được tại ngoại, bị bắt giữ vì bị cáo buộc là đã khai man số lương bà trả cho người giúp việc Ấn Độ của mình trong đơn xin cấp thị thực Mỹ. Theo chính quyền New York, Khobragade chỉ trả cho người giúp việc 1/3 con số mà bà nêu trong đơn.

Cách xử lý đối với bà Khobragade đã gây nên sự tức giận ở Ấn Độ, New Delhi yêu cầu Washington chấm dứt vụ việc và đưa ra lời xin lỗi.

Ấn Độ cũng đang cố gắng đảm bảo quyền miễn trừ ngoại giao lớn hơn cho bà Khobragade bằng cách chuyển bà sang công tác tại phái bộ Liên hợp quốc của nước này ở New York, mặc dù việc này cần được Bộ Ngoại giao Mỹ phê chuẩn. Tờ "Press Trust" của Ấn Độ ngày 21/12 đưa tin LHQ đã nhận được thông báo của Ấn Độ về việc đăng ký cho bà Khobragade trở thành thành viên Phái bộ Thường trực, và cho biết rằng đề nghị này sẽ được giải quyết theo "các thủ tục quy định".

Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã nêu rõ tại cuộc họp báo cuối tuần này rằng quyền miễn trừ cho bà Khobragade sẽ không có hiệu lực hồi tố. Bà Marie Harf nói: "Nếu quyền miễn trừ có sự thay đổi... nhờ một vị trí ngoại giao khác, thì sự thay đổi sẽ có hiệu lực từ ngày được trao vị trí đó".

Công tố liên bang Mỹ Preet Bharara khẳng định rằng việc bắt giữ bà Khobragade đã được thực hiện một cách "thận trọng nhất". Ông cho biết nhiệm vụ duy nhất của ông là bắt giữ bất kỳ ai đã vi phạm luật "bất kể là người đó có quyền lực, giàu có hay có quan hệ".


TTK