04:18 09/04/2019

Ấn Độ du ký (Phần 1): Những di sản thế giới

Đã vào cuối tháng 3/2019 nhưng may mắn năm nay mùa hè đến muộn. Thời tiết chưa quá nóng, về đêm thậm chí còn se lạnh. Theo sự giúp đỡ của bạn bè Việt Nam đang công tác ở Ấn Độ, chúng tôi đã được tham quan một số địa điểm nổi tiếng nhất của đất nước Nam Á này.

Đền Taj Mahal

Taj Mahal còn được gọi là Lâu đài Tình yêu, nằm ở cố đô Agra, bang Uttar Pradesh, cách thủ đô New Delhi hơn 200 km, thực chất là ngôi mộ của Mumtaz Mahal, một trong ba hoàng hậu của vua Shah Jahan. Ông cho xây dựng lăng mộ này từ năm 1631 và hoàn thành năm 1653.

Chú thích ảnh
Những họa tiết bằng đá bán quý trên tường bên ngoài Lâu đài Tình yêu/hầm mộ Taj Mahal.

Theo lời giới thiệu của một hướng dẫn viên du lịch người Ấn Độ, nhà vua bị con trai là Aurangzeb (tức Muhi-ud-Muhammad) cướp ngôi và giam lỏng trong pháo đài Agra Fort trong 6-7 năm cuối đời. Sau khi vua băng hà, mộ của ông cũng được đặt cạnh mộ hoàng hậu Mahal bên trong tòa tháp hình chóp.

Chú thích ảnh
Du khách thập phương hằng ngày đổ về thăm Taj Mahal.

Taj Mahal là một quần thể tuyệt tác kiến trúc bằng đá cẩm thạch. Trong và ngoài lăng mộ (lâu đài hình chóp) được chạm khắc tinh xảo với những đường nét chỉ thấy trên các tác phẩm chạm trổ bằng gỗ. Các họa tiết, hoa văn được khảm bằng đá bán quý mầu vàng, xanh đậm, tím nổi bật trên nền đá trắng ngà.

Chú thích ảnh
Tác giả (ngoài cùng, trái) chụp ảnh lưu niệm trước đền Taj Mahal.

Qua những vòng an ninh, soi chiếu, du khách bước vào bên trong tòa tháp hình chóp nhưng không được chụp ảnh và luôn được các nhân viên an ninh nhắc nhở chuyển bước để dòng người không bị dồn ứ. Ngôi mộ của nhà vua lớn hơn mộ hoàng hậu nhưng được đặt chếch về bên trái vì mộ hoàng hậu đã được đặt ngay chính giữa lăng mộ.

Agra Fort

Đến Agra, chúng ta cũng nên tới thăm pháo đài AGRA FORT, là cung điện chính của các hoàng đế triều đại Mughal cho tới năm 1638, khi thủ đô Ấn Độ được chuyển về Delhi. Đứng trên những ban công rộng lớn của Agra Fort có thể nhìn thấy Taj Mahal qua những cánh đồng và dòng sông Yamuna uốn khúc. Có lẽ trong suốt những năm tháng bị giam cầm, hoàng đế Shah Jahan cũng đã từ đây ngày ngày nhìn về Taj Mahal cách đó 2,5 km, tưởng nhớ người vợ yêu quý nhất của mình.

Chú thích ảnh
Một góc cố đô Fatehpur Sikri ở Agra, bang Uttar Pradesh.

Cũng tại thành phố du lịch Agra, chúng tôi được thăm di tích cố đô Fatehpur Sikri, được xây dựng từ năm 1571 dưới thời hoàng đế Akbar. Thành phố mang tên Fatehpur Sikri, có nghĩa là “Thành phố Chiến thắng” sau chiến dịch Gujarat thắng lợi năm 1573. Fatehpur Sikri vẫn còn các tòa nhà với những vòm chóp, hồ nước và những công trình văn hóa, cung điện, nhà ở của hoàng gia…
Taj Mahal, Agra Fort và Fatehpur Sikri đều đã được UNESCO công nhận là những di sản thế giới.

Chú thích ảnh
Taj Mahal nhìn từ thành cổ Agra Fort.

New Delhi

Thủ đô Ấn Độ có nhiều di tích và địa danh thu hút du khách, nhưng thời gian hạn hẹp chỉ đủ cho chúng tôi đến vài nơi trong số đó.

Chú thích ảnh
Cổng Ấn Độ (India Gate) ở New Delhi.

- Cổng Ấn Độ (The India Gate): Là đài tưởng niệm 70 nghìn binh sỹ Quân đội Ấn Độ thời thuộc Anh đã tử trận trong Chiến tranh Thế giới thứ I và những nơi khác trong thời kỳ 1914-1921. Cổng nằm trên trục quảng trường và vườn hoa chạy từ Dinh Tổng thống tới Khu tưởng niệm Chiến tranh (National War Memorial).

Chú thích ảnh
Một cuộc tuần hành gần Cổng Ấn Độ (India Gate) ủng hộ Thủ tướng Narendra Modi tái cử trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới ở Ấn Độ.

Tượng đài này ngày nào cũng đông nghịt người tham quan. Khi chúng tôi đến đây đang có một cuộc tuần hành của những người ủng hộ Thủ tướng Narendra Modi trong chiến dịch tranh cử cho cuộc bỏ phiếu sắp tới. Không khí thật náo nhiệt.

Cách Cổng Ấn Độ chừng vài trăm mét, dọc theo trục quảng trường, là những tòa nhà bằng đá nâu sẫm - một loại vật liệu có nhiều ở Ấn Độ - do thực dân Anh xây dựng. Đó là Dinh Tổng thống nằm ở chính giữa, nơi kết thúc trục quảng trường; hai bên là các tòa nhà của Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ. Tất cả đều hoành tráng, đồ sộ và vững chãi. Mấy binh sỹ canh gác khu vực rất nghiêm túc nhưng cũng sẵn sàng cùng chúng tôi chụp tấm hình lưu niệm. Còn ở Cổng Ấn Độ, một nhóm thiếu nhi cũng vui vẻ cùng tôi chụp selfie giữa dòng người đông đúc.

Chú thích ảnh
Một phế tích trong quần thể Kutub Minar.

- Kutub Minar ở New Delhi: Là một quần thể các tượng đài và tòa nhà được khởi xây từ 1192, đánh dấu sự thống trị của đạo Hồi tại Ấn Độ. Qua thời gian và nhiều biến cố, ngày nay công trình quan trọng nhất còn sót lại là tòa tháp Kutub Minar cao 73 mét làm bằng đá cẩm thạch và sa thạch. Tháp 5 tầng được trang trí bằng những hoa văn mềm mại, tinh xảo.

Bên trong tháp hình trụ này có bậc thang nhưng từ năm 1981 du khách không được phép vào bên trong sau vụ tai nạn làm chết 47 người, phần lớn là trẻ em, do sập bậc thang. Trong quần thể này còn có nhiều phế tích các công trình kiến trúc cổ đã đổ nát và một cột sắt mà những ai từng học phổ thông đều đã nghe nói, đó là Cột sắt Delhi. Cùng với Taj Mahal, Kutub Minar là nơi thu hút nhiều du khách nhất tại Ấn Độ.

Chú thích ảnh
Tháp Kutub Minar trong quần thể Kutub Minar ở New Delhi, được ví như tháp Pisa ở Italy.

- Cột sắt Delhi (the Iron pillar of Delhi): Cao 7,2 mét, đường kính 16 cem (Xem ảnh), nặng 6 tấn, được dựng lên từ năm 402 sau Công nguyên. Nó nổi tiếng bởi sức bền bỉ qua bao thế kỷ trong thời tiết khắc nghiệt của Delhi. Nó là minh chứng về trình độ luyện thép và tay nghề kim khí cao siêu của người Ấn Độ từ xa xưa. Tuy nhiên, ngày nay, dưới chân cột cũng đã xuất hiện lớp gỉ sắt khá dầy.

Chú thích ảnh
Cột sắt (Iron Pillar) nổi tiếng, trong quần thể Kutub Minar ở New Delhi.

- Đền thờ đạo Sikh ở New Delhi: Là địa điểm khá đặc biệt bởi tính tổ chức và sự mộ đạo của những người theo tôn giáo này. Du khách và tín đồ phải gửi ba lô, túi xách, giầy dép rồi đi qua chỗ rửa chân; quấn khăn lên đầu trước khi vào đền. Những ai không có khăn, nhà đền đã có sẵn cho mượn. Đội ngũ tình nguyện viên rất thân thiện và mẫn cán sẽ quấn khăn, nhận và trả đồ gửi cho du khách.

Hôm đó, đền đông người hơn thường lệ, du khách phải chen nhau chầm chậm đi qua các gian chánh điện. Hàng trăm tín đồ đang ngồi nghe một giáo chủ thuyết giảng. Ông nói liên tục không cần sách vở và người nghe như thôi miên.

Chú thích ảnh
Đền thờ đạo Sikh ở New Delhi.

Mọi người đều thân thiện, nhưng họ cấm chụp ảnh. Nhiều tín đồ cầm tấm biểu ngữ bằng tiếng Anh và Hindu cảnh báo “Không được chụp ảnh”. Tất nhiên, chúng tôi vẫn có thể lén chụp cả trong và ngoài gian cầu kinh. Một nhóm thanh niên thấy chúng tôi chụp ảnh liền đến thông báo không được chụp. Nhưng khi tôi hỏi tại sao không cho chụp… thì họ chỉ cười và một người trong họ nói: “Chỉ chụp một tấm thôi nhé!”. Chúng tôi dàn hàng và nhờ anh chụp bằng điện thoại. Anh liền vui vẻ giúp và chụp liên tục, chứ không phải một tấm như anh chỉ dẫn trước đó!

Chú thích ảnh
Bên trong đền thờ đạo Sikh ở New Delhi.

Ở New Delhi chúng tôi còn có dịp đến thăm mộ hoàng đế Humayun (Humayun’s Tomb), chùa đạo Phật và đền Hindu. Theo số liệu năm 2011, đạo Hindu chiếm tới 80% dân số Ấn Độ, tiếp theo là đạo Hồi (14,2%), đạo Thiên chúa (2,3%), đạo Sikh (1,72%), đạo Phật 0,7%, các đạo khác không đáng kể.

Bài, ảnh: Lê Duy Truyền