06:07 30/06/2020

Ấn Độ cấm Tik Tok và hàng chục ứng dụng di động của Trung Quốc

Ấn Độ đã ra lệnh cấm Tik Tok, WeChat và hàng chục ứng dụng di động của Trung Quốc trong bối cảnh hai nước tiếp tục căng thẳng về vấn đề biên giới sau vụ đụng độ đẫm máu tại thung lũng Galwan.

Chú thích ảnh
Logo TikTok trong một sự kiện quảng bá. Ảnh: Techcrunch

Trong thông báo vào tối 29/6, Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ giải thích rằng các ứng dụng bị cấm đã "gây tổn hại cho chủ quyền và toàn vẹn, quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự công của Ấn Độ".

Theo bộ trên, họ đã nhận được nhiều khiếu nại từ các nguồn khác nhau về việc các ứng dụng trên một số nền tảng bị sử dụng để đánh cắp và chuyển dữ liệu người dùng đến các máy chủ trái phép ở bên ngoài Ấn Độ.

"Việc khai thác, thu thập và tổng hợp các dữ liệu bởi các yếu tố thù địch với an ninh quốc phòng của Ấn Độ, mà cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến chủ quyền và toàn vẹn của Ấn Độ, là một vấn đề đáng quan ngại sâu sắc và cần phải có biện pháp khẩn cấp", tuyên bố nhấn mạnh.

Theo đó, tổng cộng 59 ứng dụng trong danh mục, trong đó đa số là của Trung Quốc, sẽ bị cấm trên cả các thiết bị sử dụng Internet di động và không di động. Nổi bật trong số này là ứng dụng chia sẻ video đình đám thế giới TikTok của ByteDance (Trung Quốc, với Ấn Độ là thị trường nước ngoài lớn nhất; ứng dụng WeChat của "người khổng lồ" công nghệ Tencent; ứng dụng Video Call và Cộng đồng của Xiaomi - nhà cung cấp điện thoại thông minh hàng đầu tại Ấn Độ; 2 ứng dụng  UC Browser và UC News của tập đoàn Alibaba; và các ứng dụng khác như Shareit, CM Browser, Club Factory - của công ty thương mại điện tử tuyên bố là đứng vị trí số 3 ở Ấn Độ...

Chú thích ảnh
Danh sách 59 ứng dụng bị chính phủ Ấn Độ cấm hoạt động vì "gây tổn hại tới quốc phòng và an ninh quốc gia".

Đây là lần đầu tiên Ấn Độ, thị trường Internet lớn thứ hai thế giới với gần một nửa trong số 1,3 tỉ dân sử dụng mạng Internet, ra lệnh cấm nhiều ứng dụng nước ngoài như vậy. 

"Động thái này sẽ bảo vệ lợi ích của hàng chục triệu người sử dụng Internet và di động Ấn Độ. Quyết định này là một động thái có chủ đích để đảm bảo an toàn và chủ quyền của không gian mạng Ấn Độ", tờ India Times dẫn tuyên bố của Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ.

Lệnh cấm sẽ có ảnh hưởng ra sao 

Theo giới chuyên gia, động thái của Ấn Độ sẽ giáng một đòn nặng lên tham vọng "Con đường Tơ lụa kỹ thuật số" của Bắc Kinh và làm thiệt hại hàng triệu USD cho các công ty Trung Quốc. Nó cũng có thể mở đường cho các quốc gia khác tẩy chay các ứng dụng của Trung Quốc. Còn nhớ khi TikTok bị cấm tại Ấn Độ trong vòng 1 tuần vào năm ngoái, công ty ByteDance cho biết họ thiệt hại trên nửa triệu USD mỗi ngày. 

Tarun Pathak, nhà phân tích tại công ty Counterpoint, nhận định lệnh cấm trên cũng sẽ ảnh hưởng tới 1/3 người dùng điện thoại thông minh tại Ấn Độ. Theo số liệu của một trong các công ty nghiên cứu điện thoại di động hàng đầu, TikTok, Club Factory, UC Browser và các ứng dụng khác có tới trên 500 triệu người dùng tích cực tại Ấn Độ trong tháng 5 vừa qua. Ngoài ra, 27 trong số 59 ứng dụng bị cấm nằm trong số Top 1.000 ứng dụng Android hàng đầu tại Ấn Độ trong tháng 5. 

Jayanth Kolla, một nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Convergence Catalyst, cho rằng động thái ngày 29/6 của New Delhi là đáng ngạc nhiên và sẽ có tác động lớn đến các công ty Trung Quốc, vốn coi Ấn Độ là thị trường lớn nhất của họ. Ông nói rằng việc cấm các ứng dụng Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều người Ấn Độ, những người trực tiếp hoặc gián tiếp làm việc cho đối tác Trung Quốc.

Vụ việc diễn ra trong lúc quan hệ Trung - Ấn tiếp tục căng thẳng sau vụ đụng độ đẫm máu giữa binh lính hai nước tại Thung lũng Galwan ở Ladakh. Ấn Độ cho biết 20 binh sĩ nước này thiệt mạng và 76 người bị thương trong cuộc hỗn chiến trong khi Trung Quốc vẫn chưa công bố số liệu thương vong bên phía mình.

Vụ hỗn chiến ngày 15-6 là vụ đụng độ chết chóc nhất từng xảy ra giữa hai nước trong hơn nửa thế kỷ qua kể từ cuộc chiến năm 1967. Theo một thỏa thuận ký từ năm 1996, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều không được mang súng hoặc chất nổ vào khu vực biên giới. Cả hai nước đều đổ trách nhiệm cho nhau về vụ ẩu đả ở thung lũng Galwan.

Sau vụ đụng độ ở Galwan, các cảng và sân bay lớn của Ấn Độ đã tạm dừng thông quan những lô hàng công nghiệp đến từ Trung Quốc. Tâm lý chống Trung Quốc cũng dâng cao ở Ấn Độ trong những tuần gần đây. Cộng đồng mạng nước này kêu gọi tẩy chay hàng hoá Trung Quốc trên Twitter thông qua các video phá huỷ điện thoại, TV và các sản phẩm khác "made in China". Nhiều người Ấn Độ đã đổ xô đánh giá kém các ứng dụng Trung Quốc trên Google Play để bày tỏ thái độ phản đối và các nhà sản xuất Android đã phải can thiệp, xoá hàng triệu bình luận. 

Thu Hằng/Báo Tin tức (India Times, Techcrunch)