01:18 10/01/2021

Ấn Độ áp dụng ‘đối sách ngoại giao vaccine’ với Trung Quốc

Ấn Độ đặt mục tiêu xuất khẩu vaccine COVID-19 do nước này sản xuất bao gồm Covishield và Covaxin sang các nước láng giềng càng sớm càng tốt để củng cố vị thế trong khu vực.

Chú thích ảnh
Một nhân viên y tế tham gia tiêm vaccine thí điểm tại New Delhi ngày 8/1. Ảnh: Reuters

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), trong khi hàng triệu người dân Ấn Độ vẫn đang chờ đợi để được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, New Delhi được cho là lên kế hoạch cung cấp vaccine cho các nước láng giềng để củng cố tầm quan trọng địa chính trị của mình trong khu vực. Tuy nhiên, quốc gia này sẽ phải đối mặt với làn sóng chỉ trích về những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến việc đẩy nhanh tiến độ đưa một sản phẩm chưa được thử nghiệm hoàn chỉnh ra thị trường.

Nhiều quan chức cấp cao nhấn mạnh ưu tiên của Ấn Độ là cung cấp vaccine cho các nước láng giềng, một tuần sau khi cơ quan quản lý dược phẩm của nước này phê duyệt hai loại vaccine được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp – bao gồm Covishield và Covaxin.

Tuy nhiên, giai đoạn thử nghiệm thứ 3 đối với Covaxin vẫn chưa được hoàn tất, trong khi tình trạng thiếu dữ liệu chứng minh tính hiệu quả và quá trình phê duyệt không rõ ràng đã khiến các chuyên gia lo ngại rằng các nhà quản lý đang quá nóng vội.

Anant Bhan, một nhà nghiên cứu Ấn Độ về sức khỏe toàn cầu và đạo đức sinh học, cho biết sự thiếu minh bạch trong quá trình cấp phép sử dụng vaccine từ các cơ quan quản lý “có thể làm tổn hại đến uy tín khoa học vaccine Ấn Độ và sự tin tưởng vào quy trình quản lý”.

Các quốc gia láng giềng như Sri Lanka, Bhutan, Bangladesh, Myanmar và Nepal, và một số quốc gia khác như Hàn Quốc, Qatar, Bahrain, Saudi Arabia, Maroc và Nam Phi, đều bày tỏ mong muốn mua vaccine sản xuất tại Ấn Độ - nơi được mệnh danh là “cường quốc dược phẩm của thế giới” chiếm hơn 60% nguồn cung vaccine toàn cầu.

Chú thích ảnh
Vaccine Covishield của AstraZeneca bên trong phòng thí nghiệm Viện Serum Ấn Độ ngày 30/11/2020. Ảnh: Reuters 

Ngày 7/1, cơ quan quản lý dược phẩm của Bangladesh đã phê duyệt Covishield – một sản phẩm của Đại học Oxford và nhà sản xuất thuốc AstraZeneca tại Anh-Thụy Điển được sản xuất ở Viện Serum Ấn Độ. Tháng 11/2020, Bangladesh đã ký một thỏa thuận với Viện Serum mua 30 triệu liều vaccine.

Trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Sri Lanka vào tuần qua, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar cam kết nước này sẽ nhận được vaccine do Ấn Độ sản xuất ngay khi chúng sẵn sàng xuất khẩu. “Như Thủ tướng Narendra Modi đã nói, Ấn Độ coi hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này là nhiệm vụ của mình,” Ngoại trưởng Jaishankar phát biểu.

Vào ngày 14/1 tới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Nepal Pradeep Gyawali sẽ tới thăm New Delhi để ký kết nơi một hợp đồng mua vaccine cùng với các thỏa thuận khác.

Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize ngày 7/1 thông báo quốc gia sẽ nhận được 1 triệu liều vaccine của Viện Serum trong tháng này và 500.000 liều khác vào tháng Hai.

Hồi tháng 12, trên 60 phái viên nước ngoài đã đến thăm Hyderabad - trung tâm sản xuất vaccine ở phía Nam Ấn Độ. Chuyến tham quan này do Bộ Ngoại giao Ấn Độ sắp xếp được coi như một phần nỗ lực trong hoạt động tiếp cận các nước của chính phủ.

Khi xuất hiện tin đồn rằng Ấn Độ cấm xuất khẩu vaccine cho đến khi nhu cầu địa phương được đáp ứng, New Delhi ngay lập tức làm rõ không có lệnh cấm như vậy. Thủ tướng Narendra Modi ngày 8/1 khẳng định Ấn Độ sẽ tiếp tục xuất khẩu thuốc bao gồm cả vaccine.

Trước những câu hỏi về việc liệu chính phủ Ấn Độ có ký kết bất kỳ thỏa thuận chính thức nào để cung cấp vaccine cho các nước láng giềng hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anurag Srivastava cho biết: “Năng lực sản xuất và phân phối vaccine của Ấn Độ được sử dụng vì lợi ích của toàn nhân loại trong cuộc chiến khủng hoảng này".

Chú thích ảnh
Trung tâm tiêm chủng vaccine được dựng lên tại Rajasthan (Ấn Độ) ngày 2/1. Ảnh: Getty Images

“Ngoại giao vaccine”

Harsh Pant, người đứng đầu chương trình nghiên cứu chiến lược tại Tổ chức Nghiên cứu Observer có trụ sở tại New Delhi, cho biết Ấn Độ rất tích cực tương tác với các nước láng giềng qua việc cung cấp các hỗ trợ y tế kể từ khi đại dịch bùng phát. “Ngoại giao vaccine là một phần của những nỗ lực hỗ trợ này. Có hai lý do đằng sau hoạt động. Một, Ấn Độ muốn được coi là một cường quốc khu vực có trách nhiệm và không vụ lợi như Trung Quốc. Hai, nếu như khủng hoảng COVID-19 không được xử lý trong khu vực lân cận, Ấn Độ không chỉ gặp các vấn đề về hậu cần mà hình ảnh một quốc gia nhân từ Ấn Độ xây dựng sẽ biến mất”, chuyên gia Pant lý giải.

“Nếu Ấn Độ có thể cung cấp vaccine mang ý nghĩa quyết định này cho các nước láng giềng vào thời điểm mà họ cần, điều đó cho thấy Ấn Độ rất hào phóng. Có lẽ, Ấn Độ muốn sử dụng điều này như một công cụ ngoại giao, ”ông Pant cho hay.

Tất nhiên những nỗ lực “ngoại giao vaccine” như trên không có khả năng thay đổi cuộc chơi để ngăn chặn sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở các nước như Nepal hoặc Sri Lanka nhưng đây vẫn là công cụ để Ấn Độ tăng cường vị thế trong khi cải thiện các vấn đề địa chính trị quan trọng.
Pankaj Jha, Giáo sư kiêm Phó Trưởng khoa chiến lược tại Đại học Toàn cầu OP Jindal, nhận định New Delhi cũng tỏ ra thận trọng khi thực hiện các biện pháp này vì bất kỳ trường hợp gặp tác dụng phụ hoặc có vấn đề trong quá trình vận chuyển sẽ làm bùng phát “vào một cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn hơn”.

Một quan chức của Bộ Ngoại giao Ấn Độ giấu tên cho biết “yếu tố Trung Quốc” chắc chắn sẽ đóng một vai trò trong các nỗ lực cung cấp vaccine của Ấn Độ cho các nước láng giềng nhưng “sẽ không phải là yếu tố duy nhất”.

Ấn Độ có kế hoạch triển khai chương trình tiêm chủng vaccine trong nước trong tháng này sau một đợt thử nghiệm thành công ở một số bang. Quốc gia Nam Á đặt mục tiêu sẽ tiêm chủng cho khoảng 300 triệu người vào tháng Bảy.

Bảo Hà/Báo Tin tức