02:08 16/02/2018

Ẩm thực Việt mê hoặc khách du lịch

Ẩm thực Việt Nam được du khách nước ngoài đánh giá cao bởi sự đa dạng, tươi và đảm bảo sức khỏe. Phát triển văn hóa ẩm thực là con đường ngắn nhất đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới một cách hiệu quả nhất và là sản phẩm du lịch độc đáo.

Những bữa ăn thuần Việt


Nhà hàng Bếp Việt nằm ở ngõ Huế (Hà Nội) nhiều năm nay là địa chỉ của các đoàn khách du lịch. Với mong muốn quảng bá hình ảnh đặc trưng Việt Nam qua văn hóa ẩm thực Việt, những người chủ ở đây giới thiệu những món ăn mang tính thuần Việt. Ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Giám đốc điều hành Nhà hàng Bếp Việt cho biết: Phương châm của chúng tôi là những món ăn thuần Việt. Không phải nhất thiết nấu theo kiểu Hàn Quốc cho hợp với khách Hàn hoặc nấu theo kiểu Âu cho hợp với khách Âu. Khách cũng có thể tham gia các tour trải nghiệm ẩm thực từ việc đi chợ mua thực phẩm đến những kỹ năng cơ bản về nấu các món ăn Việt Nam. Từ thực tế của đơn vị, du khách quốc thích ẩm thực Việt Nam bởi sự đa dạng, dễ ăn, đồ ăn tươi và nhiều rau.

Du khách trải nghiệm tour ẩm thực Việt Nam.

Ông Dennie Conklin, du khách người Mỹ chia sẻ: "Tôi rất ấn tượng với ẩm thực Việt, nhất là các món phở, nem, chả cá… bởi dễ ăn, trung tính, khá tốt cho sức khỏe".


Không phải ngẫu nhiên, ẩm thực được coi là thế mạnh và là sản phẩm quan trọng của du lịch Việt Nam và các địa phương. Thực tế, mỗi địa phương cũng đã đầu tư khai thác ẩm thực như một sản phẩm du lịch để hút khách. Thành phố Hà Nội đã từng bước khai thác thế mạnh ẩm thực để phát triển du lịch như phố ẩm thực Tống Duy Tân; tuyến phố đi bộ Mã Mây, Tạ Hiện...; xây dựng làng ẩm thực Lệ Mật (quận Long Biên)... Sở Du lịch và Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội thống kê và xây dựng 81 món ăn đặc trưng của Hà Nội để giới thiệu tới du khách.


Còn Thành phố Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh việc xây dựng một số chương trình xúc tiến du lịch trong đó xem ẩm thực là một sản phẩm du lịch quan trọng như Liên hoan Món ngon các nước, Lễ hội ẩm thực đất phương Nam, Lễ hội Trái cây Nam Bộ...


Theo bà Đỗ Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội khách sạn, nhà hàng Việt Nam, mỗi vùng miền đều có những nét đặc trưng riêng về văn hóa ẩm thực ở từng vùng miền. Do đó, trong mỗi hành trình du lịch khám phá, du khách đều muốn trải nghiệm một món ăn, thức uống nơi vùng đất mình đã đi qua. Tuy nhiên, số lượng các chương trình vẫn còn hạn chế, chưa tạo dựng được hình ảnh sản phẩm nổi bật; thiếu các địa điểm cung cấp tư liệu văn hóa ẩm thực đến du khách.


Có chiến lược dài hạn


Theo Viện nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang nhận thức rất rõ vai trò của văn hóa ẩm thực trong sự phát triển của ngành du lịch. Cùng với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch MICE, du lịch tâm linh, du lịch chữa bệnh..., du lịch ẩm thực ngày càng trở nên phổ biến và đóng vai trò không nhỏ trong sự phát triển du lịch ở nhiều địa phương, quốc gia. Ở một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp, Ý... ẩm thực được định vị như một thế mạnh góp phần tạo nên sự khác biệt, thu hút du khách.

Mâm cỗ truyền thống Việt. Ảnh: Hội Đầu bếp Việt Nam.


Còn theo ông Nguyễn Hồng Đài, Giám đốc APT travel: Du khách đánh giá cao những nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực Việt Nam trong các tour du lịch. Trong chương trình tour, qua mỗi vùng miền, thực đơn thường được chúng tôi thay đổi để du khách có dịp trải nghiệm nét văn hóa từng vùng miền. Nhiều món ăn được du khách nước ngoài yêu thích như phở, cơm tấm, gỏi cuốn, bánh mì, bánh đa cua, bún bò Huế, hủ tiếu, bánh bèo, mì Quảng... Bên cạnh đó, những gia vị để tạo ra các món ăn cũng rất đa dạng, từ các loại rau củ quả đến nước chấm đã tạo nên sự độc đáo cho món ăn Việt Nam. Ẩm thực là một trong những cách trải nghiệm về văn hóa, đất nước, con người hay một nền văn hóa.


Theo thống kê sơ bộ thì Việt Nam có khoảng 200.000 - 300.000 quán ăn và khoảng 15.000 - 20.000 nhà hàng thuần Việt tại nhiều quốc gia ở khắp các châu lục. Những món ăn Việt nổi tiếng mà cứ nghe thấy tên là bạn bè thế giới biết ngay của Việt Nam như phở, nem rán (chả giò)…Ăn uống, dịch vụ chiếm đến 70% doanh thu của ngành du lịch và tác động động lớn đến các chuỗi cung cấp, nhất là nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương có hoạt động du lịch.


Hiệp hội du lịch Việt Nam mới đây ra mắt Hội đầu bếp Việt Nam quy tụ đại diện đầu bếp của các vùng miền, bộ phận ẩm thực của các nhà hàng, khách sạn, các CLB Đầu bếp. “Hội đầu bếp sẽ có chương trình tìm hiểu, nghiên cứu tính dinh dưỡng của từng món ăn, thức uống Việt theo phương châm “ngon và lành” và định chuẩn món ăn cho các sự kiện tầm quốc gia đồng thời lựa chọn ẩm thực phục vụ quảng bá, thu hút khách du lịch theo từng phân khúc. Bên cạnh đó, Hội đầu bếp Việt Nam sẽ thực hiện khảo sát, lập danh mục và thu thập thông tin về các loại món ăn, thức uống trên mọi miền của đất nước; sưu tầm, khôi phục, tiếp tục duy trì và phát triển các món ăn, thức uống thất truyền, các lễ hội ẩm thực dân gian, các làng nghề truyền thống cũng như thúc đẩy việc chuyên nghiệp hóa nguồn nhân lực ẩm thực tại Việt Nam và tập hợp các món ăn đặc thù từng vùng miền để quảng bá rộng rãi ra thế giới”, bà Đỗ Hồng Xoan cho biết.


Đầu bếp Jack Lee, người Mỹ gốc Việt, giám khảo Master Chef Việt Nam, trưởng Ban đối ngoại Hội đầu bếp Việt Nam chia sẻ: Ẩm thực Việt Nam rất được du khách nước ngoài yêu thích, đặc biệt là sự phối hợp giữa các vị. Để ẩm thực thành điểm nhấn thu hút khách cần sự liên kết và hỗ trợ lẫn nhau trong quản bá, lan tỏa.


Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Việt Nam cũng chung nhận định cho rằng: Du lịch là một ngành tổng hợp, cần liên kết với rất nhiều ngành nghề khác. Đa số sản phẩm đang sử dụng, tiêu thụ trong hệ thống nhà hàng, khách sạn đều do người nông dân làm ra. Đây cũng là kênh xuất khẩu tại chỗ rất hiệu quả, đưa ẩm thực Việt Nam đến gần với du khách. Điểm yếu của các nhà hàng, khách sạn trong việc quảng bá ẩm thực là liên kết và chưa được sự hỗ trợ từ Nhà nước. Do đó, phát huy nguồn lực xã hội hóa, Hiệp hội sẽ liên kết các thành viên hiệp hội, hỗ trợ nhau và tạo thành một sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút du khách. Với lượng khách du lịch ngày càng tăng như hiện nay, Hội sẽ chuẩn hóa đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, hỗ trợ các đơn vị mới mở nhà hàng, khách sạn.


Bài và ảnh: Xuân Cường