08:07 09/08/2014

Âm nhạc Shostakovich tập hợp quần chúng nhân dân

39 năm sau ngày nhà soạn nhạc Dmitriyevich Shostakovich qua đời, công chúng yêu âm nhạc ngày càng cảm nhận những giá trị không thể nào lãng quên trong các tác phẩm của ông. Âm nhạc của ông đã khắc họa nên một phần lịch sử thế kỷ XX.

Ngày 9­/8­/1975, trái tim của nhà soạn nhạc vĩ đại người Nga và cũng là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại của mọi thời đại Dmitry Dmitriyevich Shostakovich đã ngừng đập.

39 năm sau ngày ông qua đời, công chúng yêu âm nhạc ngày càng cảm nhận những giá trị không thể nào lãng quên trong các tác phẩm của ông.

Lịch sử mà âm nhạc của Shostakovich khắc họa nên là một lịch sử phức tạp của những cuộc chiến tranh, những ràng buộc chính trị, những hệ thống xã hội mới, những trào lưu nghệ thuật thời đại và sự vươn lên của tư tưởng con người.

Âm nhạc của Dmitry Shostakovich đã khắc họa nên một phần lịch sử thế kỷ XX.


Song, khi những bối cảnh lịch sử, chính trị đã lùi vào quá khứ, thì di sản âm nhạc của Shostakovich, ­ một chuẩn mực của sáng tạo nghệ thuật ­ thực sự, là di sản văn hóa của nhân loại chứ không phải chỉ là thứ dùng để tái hiện lịch sử.

Dmitry Shostakovich sinh ngày 25­/9­/1906 ở St. Petersburg trong một gia đình trung lưu. Ngay từ nhỏ, Shostakovich đã được làm quen với âm nhạc nhờ người mẹ của mình là một nghệ sỹ piano tài năng.

Những nỗ lực sáng tác ngay từ lúc còn bé của Shostakovich đã cho thấy khuynh hướng liên hệ giữa âm nhạc của ông với những sự kiện của lịch sử và càng ngày càng trở nên quan trọng trong những sáng tác sau này.

Trong những năm sau Cách mạng Tháng Mười Nga, nền âm nhạc ở Liên Xô được khuyến khích phát triển theo khuynh hướng đại
chúng hóa. Nền âm nhạc khi ấy cũng có sự du nhập từ phương Tây đương đại.

Giai đoạn này, Shostakovich mới chỉ là chàng thanh niên 19 tuổi, nhưng đã hoàn thành bản giao hưởng đầu tiên, đạt đến sự trưởng
thành trong xu hướng sáng tác của riêng mình.

Giao hưởng số 1 của ông khi được ra mắt đã trở thành một tác phẩm vĩ đại và thành công ngoài sức mong đợi. Tác phẩm là sự phối hợp rất nhiều mảng phong cách khác nhau nhưng trong một thể đồng nhất. Đó là sự kết hợp giữa hình thức âm nhạc truyền thống âm nhạc Nga phổ biến với âm nhạc giao hưởng phương Tây.

“Thật vinh dự cho nhân dân ta vì có một thiên tài như vậy”. Đó là những lời nhận xét chung của các nhà phê bình Xô Viết khi nói về âm nhạc của Shostakovich.


Nghe nhạc của Shostakovich, người nghe có thể cảm nhận được cái vẻ u buồn, giàu nội tâm và sâu sắc cảm xúc trong âm nhạc của Mahler hòa trộn với những yếu tố châm biếm, thậm chí là kỳ cục của âm nhạc Stravinsky. Nhưng Shostakovich không kế tục các nhà soạn nhạc ấy một cách đơn giản như vậy, ông thể hiện âm nhạc theo một phong cáchvà ngôn ngữ âm nhạc mà chỉ của riêng Shostakovich mới làm được.

Tuy vẫn dựa trên cơ sở âm điệu truyền thống song tác phẩm của Shostakovich vẫn hoàn toàn chứa đựng tính chất nhạy bén của thế kỷ Shostakovich đã tìm ra cách để sáng tạo âm nhạc, một thứ âm nhạc mà không cần thiết phải quy cho một hệ thống tư tưởng nào.

Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không có nghĩa là các sáng tác của ông xa rời với quần chúng. Ông nhận ra rằng, việc hướng đến đông đảo thính giả không những làm tăng thêm giá trị của các tác phẩm ở sự tinh tế mà còn ở cả chiều sâu cảm xúc.

Những bản Giao hưởng số 5 và số 7 của Shostakovich đều là những kiệt tác. Đặc biệt là bản Giao hưởng số 7, với những hình ảnh
khốc liệt của chiến tranh, sự quả cảm và chủ nghĩa anh hùng.

Đó là bức tranh nghệ thuật âm nhạc khắc họa cuộc đấu tranh vì tự do và giải phóng con người. Các nhà phê bình âm nhạc cho rằng, điều khiến âm nhạc của Shostakovich trở nên vĩ đại và trong sáng chính là bởi nó biết ca ngợi những gì đáng được ca ngợi.

Ngoài ra, các bản Tứ tấu số 4 và 5, Concerto cho violon số 1, Giao hưởng số 10, số 12, ... cũng là những tác phẩm nổi tiếng, chứa đựng một cách hồn nhiên những lý tưởng tốt đẹp về chủ nghĩa xã hội, thể hiện niềm tin của nhà soạn nhạc về lý tưởng xây dựng một cuộc sống tốt đẹp cho con người.

Trong những năm cuối đời, tuy các tác phẩm của Shostakovich có mang tâm trạng nghi hoặc và buồn bã, nhưng các nhà phê bình vẫn cho rằng, âm nhạc của Shostakovich vẫn là một chuẩn mực để người ta có thể phân biệt được đâu là giá trị sáng tạo nghệ thuật thực sự, đâu là sự nhầm lẫn khái niệm nghệ thuật.

Shostakovich qua đời ngày 9­/8­/1975. Ông đã để lại cho nhân loại một kho tàng âm nhạc vô cùng đồ sộ: nhạc kịch, giao hưởng, concerto cho nhiều nhạc cụ, ba lê, thanh xướng kịch, hòa tấu thính phòng, và nhiều ca khúc nổi tiếng khác...

Đánh giá về ông, Từ điển Bách khoa Âm nhạc Grove đã viết rằng:“Trong nghệ thuật âm nhạc nghiêm túc những năm giữa thế kỷ XX,
Shostakovich là nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất”. Lenin đã từng nói: “Âm nhạc là phương tiện tập hợp quần chúng nhân dân”. Và thực tế đã chứng minh, Dmitry Shostakovich đã làm được điều ấy.


Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN