01:09 20/01/2011

Âm mưu vẽ lại bản đồ Trung Đông và Bắc Phi

Mạng tin "Nghiên cứu toàn cầu" (Canađa) vừa đăng bài "Bancăng hóa Xu đăng: Mỹ vẽ lại bản đồ Trung Đông và Bắc Phi" của nhà nghiên cứu Mahdi Darius Nazemroaya thuộc Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu hóa (CRG). Bài báo cho biết:

Mạng tin "Nghiên cứu toàn cầu" (Canađa) vừa đăng bài "Bancăng hóa Xu đăng: Mỹ vẽ lại bản đồ Trung Đông và Bắc Phi" của nhà nghiên cứu Mahdi Darius Nazemroaya thuộc Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu hóa (CRG). Bài báo cho biết:

Xuđăng là đất nước đa dạng và đại diện cho sự đa nguyên của châu Phi, thông qua nhiều bộ lạc, thị tộc, sắc tộc và các nhóm tôn giáo. Tâm điểm chú ý hiện nay là cuộc trưng cầu ý dân vừa qua tại Nam Xuđăng.


Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức tuyên bố ủng hộ tách Nam Xuđăng khỏi Xuđăng. Bancăng hóa Xuđăng đã trở thành nguy cơ thực sự. Nhiều năm qua, giới lãnh đạo và quan chức của Nam Xuđăng đã nhận được sự hỗ trợ của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Các nhân viên bầu cử trút phiếu bầu cử từ những hòm phiếu tại Juba ngày 15/1 của cuộc trưng cầu dân ý về việc ly khai khỏi chính quyền miền bắc nước này.

Một chiến dịch bôi nhọ lớn đang được triển khai để chống lại Xuđăng và chính quyền nước này. Người ta có thể đặt câu hỏi tại sao ban lãnh đạo Xuđăng lại bị Mỹ và EU lên án vì những vi phạm nhân quyền và tham nhũng, trong khi những vi phạm tại một số quốc gia được Mỹ đỡ đầu như Arập Xêút, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất và Êtiôpia thường được lờ đi.


Khắctum còn bị cáo buộc phạm tội diệt chủng tại cả Darfur lẫn Nam Xuđăng. Sự cố tình tập trung vào các cuộc xung đột đẫm máu và bất ổn tại Darfur và Nam Xuđăng có nguyên nhân chính trị, bắt nguồn từ quan hệ của Khắctum với các lợi ích dầu mỏ. Xuđăng đang cung cấp cho Trung Quốc một lượng lớn dầu mỏ. Sự đối đầu địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ nhằm kiểm soát châu Phi và các nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu là nguyên nhân thực sự của việc trừng phạt Xuđăng và sự ủng hộ mạnh mẽ của các quan chức Mỹ, EU và Ixraen đối với sự ly khai của Nam Xuđăng.

Dù trực tiếp hay thông qua các nước khác tại châu Phi, thì Mỹ, EU và Ixraen vẫn là những kiến trúc sư chính đứng sau chiến sự và sự bất ổn tại cả Darfur và Nam Xuđăng. Những quốc gia này đang hỗ trợ việc huấn luyện, cung cấp tài chính và trang bị vũ khí cho các lực lượng dân quân đối lập với chính phủ Xuđăng. Việc Mỹ, EU và Ixraen ủng hộ JEM, Quân đội Giải phóng Nam Xuđăng (SSLA) và các nhóm dân quân khác phản đối chính phủ Xuđăng là nhằm đạt được mục tiêu chia rẽ Xuđăng.

Không phải ngẫu nhiên mà trong nhiều năm qua, Mỹ, Anh, Pháp và EU đã tìm cách triển khai quân nước ngoài tại Xuđăng với lý do nhân đạo và thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ.

Việc này lặp lại quy trình đã được Mỹ và EU sử dụng tại các khu vực khác, như Nam Tư trước đây và Irắc, đó là Bancăng hóa bằng hình thức liên bang có tính toán nhằm thiết lập một nhà nước yếu kém và phi tập quyền. Quân đội và sự hiện diện của nước ngoài đã tạo điều kiện cho việc phá hủy nhà nước và nước ngoài tiếp quản cơ sở hạ tầng, các nguồn lực và nền kinh tế.

Mặc dù nhà nước Xuđăng thường bị miêu tả là áp bức người dân miền Nam Xuđăng, nhưng người ta cũng nên lưu ý rằng, cả cuộc trưng cầu ý dân lẫn cấu trúc chia sẻ quyền lực của chính phủ Xuđăng đang cho thấy điều ngược lại. Thủ lĩnh của Phong trào giải phóng nhân dân Xuđăng (SPLM) Salva Kiir Mayardit là Phó Tổng thống thứ nhất của Xuđăng, kiêm Tổng thống Nam Xuđăng. Sự phân chia giữa những người Xuđăng Arập và những người Xuđăng châu Phi được coi như động lực chính cho chủ nghĩa dân tộc khu vực, động cơ của những lời kêu gọi thành lập nhà nước Nam Xuđăng.

Tuy nhiên, sự khác biệt giữa người Xuđăng Arập và người Xuđăng châu Phi không lớn đến như vậy. Những người được gọi là Xuđăng Arập chủ yếu do họ sử dụng tiếng Arập và hai cộng đồng này sống đan xen nhau. Một khác biệt nữa giữa Nam Xuđăng và phần còn lại của Xuđăng là đạo Hồi phổ biến tại Xuđăng nhưng không phổ biến tại Nam Xuđăng. Cả hai nhóm này vẫn có quan hệ sâu sắc với nhau, trừ tâm lý tự phân hóa mà họ cho rằng họ có quyền làm như vậy. Cả các nhà lãnh đạo địa phương lẫn các cường quốc bên ngoài đều đang lợi dụng những khác biệt đó.

Trên thực tế, dự án Bancăng hóa Xuđăng đã diễn ra từ khi chấm dứt chế độ thuộc địa của Anh tại Xuđăng thuộc Anh -Ai Cập. Cho đến trước khi Xuđăng giành được độc lập, đã có một phong trào nhằm giữ cho Ai Cập và Xuđăng là một quốc gia Arập thống nhất, đấu tranh chống lại các lợi ích của Anh.


Tuy nhiên, Luân Đôn lại hỗ trợ các tư tưởng khu vực Xuđăng chống lại Ai Cập theo đúng cách mà chủ nghĩa khu vực đang được sử dụng tại Nam Xuđăng để chống lại nhà nước Xuđăng.


Dưới sự có mặt của quân Anh, Xuđăng đã tự tuyên bố độc lập. Điều này đã dẫn đến sự nổi lên của Xuđăng là một nhà nước Arập và châu Phi khỏi Ai Cập. Vì thế tiến trình Bancăng hóa đã được bắt đầu bằng việc tách Xuđăng khỏi Ai Cập.

Việc Bancăng hóa Xuđăng cũng có liên quan đến kế hoạch Do Thái cho Trung Đông. Mục tiêu chiến lược của kế hoạch này là đảm bảo sự vượt trội của Ixraen thông qua việc Bancăng hóa các quốc gia Trung Đông và Arập thành những nước nhỏ và yếu hơn trong bối cảnh Ixraen đã can dự sâu sắc tại Xuđăng.

Việc thành lập một nhà nước mới tại Xuđăng không nhằm phục vụ lợi ích của người dân Nam Xuđăng, mà là một phần của chương trình địa chính trị rộng hơn nhằm kiểm soát Bắc Phi và Trung Đông.


Kết quả của tiến trình "dân chủ hóa" dẫn tới cuộc trưng cầu ý dân tháng 1/2011 là phục vụ lợi ích của các công ty dầu mỏ Anh-Mỹ và sự đối đầu với Trung Quốc. Điều này thực sự có hại cho chủ quyền quốc gia thực sự tại Nam Xuđăng.

Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)