03:09 04/03/2011

Ấm lòng ngày trở về

Đến cuối ngày 3/3, đã có 8.252 công dân Việt Nam rời khỏi vùng biến loạn ở Libi. Đến thời điểm này chưa có ai bị thương và thiệt mạng trên đất nước Libi.

Đến cuối ngày 3/3, đã có 8.252 công dân Việt Nam rời khỏi vùng biến loạn ở Libi. Đến thời điểm này chưa có ai bị thương và thiệt mạng trên đất nước Libi.


Sau nhiều giờ bay và phải chạy loạn với bao lo âu, mệt mỏi, những lao động về nước đã được gia đình, các công ty tuyển dụng đón tiếp nồng ấm trong vòng tay thân thương.

Nước mắt hạnh phúc ngày đoàn tụ

Có mặt tại sân bay Nội Bài lúc 12 giờ trưa ngày 3/3, chúng tôi bắt gặp những ánh mắt ngóng chờ của những người thân nơi quê nhà mong đợi những lao động ở Libi về nước. Bà Nguyễn Thị Nghĩa, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên ngóng con qua cửa kính không chớp mắt. Bà Nghĩa cho biết: Qua báo, đài, gia đình bà biết bên Libi đang có biến loạn. Từ hôm đó đến nay cả nhà không sao ngủ được.

Gia đình chỉ mong cậu con trai là Trịnh Xuân Kết đang lao động ở bên đó về nước an toàn, dù rằng trước mắt gia đình còn gặp rất nhiều khó khăn do phải vay nợ ngân hàng để anh đi xuất khẩu lao động.

Niềm vui khi vợ gặp chồng từ Libi trở về (ảnh chụp tại sân bay Nội Bài sáng 3/3).


Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: Sáng 3/3, đã có 1.121 lao động được đưa về nước bằng tàu biển. Đây là số lao động gom từ các bến cảng ở Libi và một số được đón ở Manta. Tàu sẽ cập cảng Hải Phòng.

Không riêng gì bà Nghĩa, có tới hàng trăm gia đình có người thân mà chúng tôi gặp tại sân bay Nội Bài sáng 3/3 cũng đều có tâm trạng đó. Anh Trần Văn Tân, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, rầu rĩ kể: “Tôi đã ăn chực nằm chờ ở đây hai ngày rồi nhưng chưa thấy cậu em Phan Bá Khương lao động ở Libi về! Cả gia đình đã mất liên lạc 4 ngày nay nên càng lo lắng”.

Trong lúc chờ mong chồng trên đường từ Libi về nước, chị Đào Duy Tưởng, quê ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc bỗng hét vang và khóc nức nở khi nhìn thấy chồng mình xuất hiện sau lớp cửa cách ly.

Còn chưa hết xúc động và không nghĩ mình đã về nước an toàn, anh Nguyễn Xuân Trường (chồng chị Tưởng) cho biết: Anh và anh em Việt Nam đã rất mệt mỏi khi đã phải di chuyển bằng mọi phương tiện, vượt qua bao đoạn đường để thoát khỏi Libi. “Tâm lý của tôi những lúc còn ở bên đó rất hoảng loạn, tiếng súng nổ sát bên tai, nạn cướp bóc đã khiến nhiều người mất cả hành lý.

Được về nước, nhìn thấy vợ con như hôm nay tôi không nghĩ mình còn sống. Trời Phật vẫn còn thương những người lao động chân chính như chúng tôi”. Nói đến đây anh Trường lại ôm vợ khóc.

Khác hẳn với những đồng nghiệp vẫn còn đang bàng hoàng khi đã đặt chân về nước, anh Nguyễn Huy Thường, quê ở phường Nông Trang, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) thuật lại những chặng đường gian khổ khi anh cùng 60 lao động Việt Nam phải chui lủi, nhịn đói nhịn khát để cố vượt ra khỏi lãnh thổ Libi. Anh cho biết: “Để ra khỏi Libi, chúng tôi đã mày mò lên đường biên giới, tìm đến cảng biển sau đó lên tàu đến Thổ Nhĩ Kỳ để bay về nước.

Dù sao, được về nước an toàn với chúng tôi đây là niềm hạnh phúc. Tôi cầu mong cho tất cả những người Việt Nam đang còn kẹt lại tại Libi cũng sẽ được về nước an toàn để đoàn tụ cùng gia đình như tôi".

Trong lúc đang biến loạn như vậy nhưng những người dân Libi rất đồng cảm với lao động Việt Nam. Anh Đỗ Trung Dũng, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, cho biết: “Những ngày gặp nạn, anh em trong đoàn được người dân Libi tiếp tế đồ ăn, đối xử rất tốt.

Chủ sử dụng lao động người Thổ Nhĩ Kỳ cũng được sự giúp đỡ của chính người dân Libi. Họ tiếp tế đồ ăn thức uống cho bọn em. Ốm mệt thì có nhưng không đến mức kiệt sức, vẫn di chuyển được”.

Hỗ trợ lao động kịp thời

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hùng, cán bộ phụ trách lao động Công ty Cung ứng dịch vụ lao động Hàng không cho biết: Trước mắt, công ty sẽ cấp cho người lao động về nước 2 triệu đồng, trong đó có 1 triệu đồng do Chính phủ hỗ trợ, số còn lại là doanh nghiệp chi tạm ứng cho công nhân.

Theo ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN), những lao động quê ở phía Bắc khi đi máy bay về sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được công ty tuyển dụng lao động hỗ trợ tiền để mua vé tàu hoặc ô tô khách để về quê.

Hiện nay, Cục QLLĐNN đã thành lập các tổ tiếp đón lao động từ Libi về nước tại các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và cảng biển Hải Phòng. Để an lòng cho người lao động về nước, Chính phủ đã chỉ đạo ngành ngân hàng khoanh nợ cho số lao động mất việc làm từ Libi sau khi về nước. Và nếu có nhu cầu vay vốn tiếp để tiếp tục đi xuất khẩu lao động thì vẫn được vay. Những lao động đã có tay nghề xây dựng thì sẽ được đưa sang nước thứ ba và được làm đúng ngành nghề.

Cục QLLĐNN đã yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải có trách nhiệm thanh lý hợp đồng sau 2 tuần người lao động về nước. Với những lao động có nguyện vọng chuyển hướng đi lao động sang nước khác, sẽ được xem xét ưu tiên về đào tạo định hướng, học ngoại ngữ.

“Theo tôi được biết, các địa phương cũng có chính sách hỗ trợ nên Cục QLLĐNN sẽ đề nghị các địa phương hỗ trợ để người lao động có cơ hội được đi lao động tiếp ở nước thứ 3 nếu có nguyện vọng. Cục QLLĐNN sẽ ưu tiên những lao động trở về nước từ Libi để lao động có thu nhập trả nợ" - ông Hải khẳng định.

Theo ông Đào Công Hải, tính đến cuối ngày 3/3, còn khoảng 300 - 400 lao động Việt Nam bị mắc kẹt sâu trong đất liền Libi và việc tiếp cận vào sâu trong đất nước này là rất khó khăn. Đến 17 giờ ngày 3/3, các đối tác và chủ sử dụng lao động Việt Nam đã và đang triển khai đưa 9.751 lao động Việt Nam sang các nước láng giềng của Libi như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Manta, Tuynidi, Hy Lạp, Angiêri…

Trong đó, có tổng cộng 8.252 lao động Việt Nam đã được sơ tán sang các nước thứ 3 và khoảng 2.800 lao động đã về nước. Dự kiến, rạng sáng 4/3, chuyên cơ của Vietnam Airlines đưa tiếp 318 lao động về nước.

Viết Tôn- Mạnh Minh