12:08 30/12/2013

Ảm đạm thị trường việc làm cuối năm

Chỉ còn khoảng tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, nên nhiều người lao động đang gấp rút tìm việc làm thêm hoặc việc làm mới, để mong có thu nhập lo Tết cho gia đình. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn, nên thị trường việc làm cuối năm 2013 khá ảm đạm...

Chỉ còn khoảng tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, nên nhiều người lao động đang gấp rút tìm việc làm thêm hoặc việc làm mới, để mong có thu nhập lo Tết cho gia đình. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn, nên thị trường việc làm cuối năm 2013 khá ảm đạm...


Khó tìm việc làm


Chợ lao động tự do vào những ngày này ở đầu dốc đường Bưởi - Hoàng Quốc Việt tụ tập khoảng vài chục người lao động đợi việc. Trong cái giá rét khắc nghiệt của mùa đông, họ vẫn kiên trì đứng đợi. Anh Chiến, quê Phú Thọ cho biết: "Năm nay việc ít lắm, thi thoảng có người đến thuê dọn nhà, khuân vác dọn đồ. Tùy công việc, giá thuê là 250.000 - 350.000 đồng/ngày. Chúng tôi đang hy vọng cuối năm, nhu cầu tăng thêm để có việc làm kiếm ít tiền để về quê lo Tết".


Kê khai thủ tục làm bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội.


Tại các trung tâm giới thiệu việc làm, lao động có kinh nghiệm và tay nghề vừa thất nghiệp, cũng trong tình cảnh tương tự. Những ngày này, tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội có rất ít doanh nghiệp đăng thông tin tuyển dụng, trong khi đó phòng khai báo bảo hiểm thất nghiệp lại khá đông lao động đến lĩnh tiền trợ cấp thất nghiệp hàng tháng.


Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán từ mấy tháng trước, Nguyễn Thị Hà Thanh, quê ở Thanh Hóa, vừa nghỉ việc sau một thời gian thử việc ở một công ty kinh doanh nội thất. Thanh đã đến Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội nộp hồ sơ tìm việc mấy tháng nay, nhưng đến giờ vẫn chưa được một công ty nào tuyển dụng.


Không chỉ với lao động có trình độ, mà cả lực lượng lao động phổ thông cũng rất khó khăn khi tìm việc tại trung tâm. Đơn cử như khối dịch vụ như bán hàng, giúp việc gia đình hoặc công việc thời vụ trước Tết năm nay cũng trong cảnh đìu hiu. Chị Phan Thị Khánh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đến Trung tâm giới thiệu việc làm với mong muốn tìm công việc phổ thông như bán hàng… để kiếm thêm thu nhập. Nhưng cũng như nhiều lao động khi đến đây, chị thấy rất ít doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động thời vụ như chị. Chị Khánh chia sẻ: “Tôi vừa nghỉ việc tại một doanh nghiệp thương mại nhỏ và đang chờ thanh toán bảo hiểm thất nghiệp. Tôi cũng mong muốn tìm việc bán hàng hoặc làm dịch vụ nào đó nhưng mà chưa được chỗ nào tuyển. Giáp Tết xin việc thấy rất khó, các doanh nghiệp vẫn kêu khó khăn nên không tuyển người dịp này. Hầu hết họ đều thông tin sau Tết sẽ tuyển khi có hợp đồng kinh tế mới tuyển nhân sự nên có lẽ sau Tết tìm việc sẽ phù hợp hơn”.


Ngưng trệ hơn so với những năm trước


Đó là nhận định của ông Lê Hải Anh, Phó Trưởng phòng bảo hiểm thất nghiệp (Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội). Theo ông Hải Anh, thị trường lao động dịp Tết Nguyên đán năm nay trì trệ, khác hẳn không khí sôi động như mấy năm trước. Những công việc thu hút lao động như làm bánh kẹo, đồ tâm linh, hàng mã cũng trở nên im ắng. Tại phiên giao dịch việc làm tháng 11 vừa qua, có 52 đơn vị tham gia, với 660 chỉ tiêu tuyển dụng; nhỉnh hơn tháng 10/2013, nhưng so với cùng kỳ năm trước lại giảm khoảng 30%. Cũng theo ông Lê Hải Anh, nguyên nhân chủ yếu do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nên phải thu hẹp sản xuất, thậm chí tạm ngưng hoạt động hoặc chờ phá sản, giải thể. Ngoài ra, hiện lượng hàng tồn kho trong doanh nghiệp vẫn còn nhiều khiến các đơn vị không thể đẩy mạnh sản xuất, kéo theo nhu cầu tuyển dụng giảm.


Ông Lê Hải Anh cho biết thêm: “Các doanh nghiệp cuối năm có xu hướng không tuyển dụng trước Tết do liên quan đến lương thưởng, các điều kiện đãi ngộ của doanh nghiệp. Sau khi nghỉ Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng, các doanh nghiệp mới trở lại tuyển dụng. Thời điểm đó, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch kinh doanh cũng như sản xuất cho năm 2014, còn giai đoạn này, các đơn vị muốn ổn định lại bộ máy, định hướng tái cơ cấu doanh nghiệp dựa trên thực lực của năm tới”.


Còn ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn lao động Hà Nội) thừa nhận, theo ghi nhận từ cơ sở thì nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn. Các doanh nghiệp sẽ căn cứ vào tình hình kinh doanh thực tế để có nhu cầu tuyển dụng phù hợp.


Bài và ảnh: Xuân Minh - Thoa Phương