10:00 03/10/2011

Ảm đạm làng nghề làm long nhãn Hưng Yên

Chế biến long nhãn vốn là nghề truyền thống ở một số làng quê nhãn Hưng Yên. Nhưng đã 2 năm nay, các làng nghề này lao đao, những lò sấy nhãn đang dần tắt lửa, do đầu ra không ổn định.

Chế biến long nhãn vốn là nghề truyền thống ở một số làng quê nhãn Hưng Yên. Nhưng đã 2 năm nay, các làng nghề này lao đao, những lò sấy nhãn đang dần tắt lửa, do đầu ra không ổn định.

Chế biến long nhãn.


Vụ nhãn năm nay được mùa, nhưng nhiều lò sấy nhãn phải ngừng hoạt động. Lý do là lãi suất vay cao và mọi chi phí từ công lao động, công xoáy nhãn, giá nguyên liệu, than cũng đội lên nhưng giá long nhãn lại giảm tới 30 - 50% so với năm ngoái.

Bà con xã Phương Chiểu than vãn: Chưa bao giờ thua lỗ như năm nay, mỗi tạ long nhãn thành phẩm sẽ lỗ từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng. Dù nhãn nguyên liệu nhiều và rẻ bằng nửa so với năm ngoái, nhưng chi phí đầu vào quá cao: Mỗi kg long nhãn phải chi phí tiền công xoáy nhãn và nguyên liệu, nhiên liệu là hơn 120.000 đồng, chưa kể công lao động của chủ lò. Trong khi đó giá long nhãn trên thị trường chỉ 110.000 đồng/kg mà vẫn ế ẩm.

Theo các hộ kinh doanh long nhãn ở Hồng Nam và Phương Chiểu: Năm nay, lượng hàng thu mua và xuất bán giảm quá nửa so với năm ngoái. Vì các đầu mối xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ nhập hàng với số lượng rất ít, giá mỗi ngày một xuống nên nhập về mà không xuất bán ngay thì lỗ nặng. Theo đó, đầu ra của long nhãn càng thêm bế tắc.

Trước đây, ở Hồng Nam, Hồng Châu (thành phố Hưng Yên); Phương Chiểu, Thủ Sĩ (Tiên Lữ) mỗi nơi có hơn 100 hộ làm nghề sấy long nhãn. Đến năm 2010, các xã này chỉ còn từ 50 - 80 lò. Còn vụ này, đầu vụ ở Phương Chiểu có trên 70 lò đỏ lửa, nhưng chỉ sau mấy ngày số lò tắt lửa dần. Đến giữa vụ chỉ còn chưa đầy 20 lò hoạt động cầm chừng. Ở các xã Hồng Nam, Hồng Châu, Thủ Sĩ, hơn 80% số hộ đã bỏ nghề.

Phương Chiểu là làng nghề chế biến long nhãn lớn nhất tỉnh Hưng Yên, nhưng công suất hoạt động chỉ bằng 1/3 so với các năm trước. Theo chị Hoa, một chủ lò lớn ở thôn Phương Thượng (Phương Chiểu): Nếu như các năm trước mỗi ngày chế biến hơn 1 tấn nhãn tươi thì hiện tại chỉ dám làm khoảng 3 tạ/ngày để giữ nghề. Buồn hơn là cơ sở chế biến long nhãn của gia đình ông Phạm Xuân Căn và những hộ có thâm niên làm long nhãn ở xã Thủ Sĩ, các lò sấy cũng nguội ngắt, vắng hoe.

Theo ông Đặng Văn Xây, một chủ vườn nhãn xã Hồng Nam, long nhãn chưa có đầu ra ổn định một phần vì kỹ thuật chế biến còn thủ công nên chưa đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu, việc tiêu thụ nội địa mới dừng lại ở một số đô thị phía Bắc, chưa vào các tỉnh phía Nam. Nghề long nhãn muốn tồn tại bền vững phải đầu tư công nghệ cao, các lò sấy long nhãn phải được trang bị hoàn chỉnh, bảo đảm từ khâu bóc vỏ, xoáy hạt đến khi ra lò; đồng thời, phải có sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong việc đầu tư, quảng bá, tiếp thị sản phẩm. Long nhãn là sản phẩm sạch không cần sử dụng hóa chất, vi khuẩn gây hại không thể xâm nhập, chất lượng thì ngon và giá lại rẻ mà không có đầu ra nên tiềm năng của cây nhãn còn đang bị bỏ ngỏ. Nếu long nhãn tìm được hướng đi ổn định, làng nghề làm long nhãn sẽ phát đạt, cây nhãn "tiến vua" có thêm cơ hội vươn xa.

Mai Ngoan