02:14 10/02/2017

Ám ảnh tử vong liên tiếp do nấm độc đầu Xuân

Mùa Xuân, mùa phát triển của các loài nấm nên đây cũng là thời điểm các bác sĩ chống độc lại đau đáu nỗi lo xảy ra các ca ngộ độc gồm cả gia đình phải cấp cứu trong tình trạng thập tử nhất sinh.

Điều trị cho bệnh nhân ngộ độc nấm tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.


8/9 người trong gia đình tử vong


Từng có nhiều năm nghiên cứu về chống độc, TS Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ: Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa Xuân, các cơ sở y tế phải tiếp nhận điều trị các ca ngộ độc rất thương tâm, có lúc cả gia đình 9 phải nhập viện nhưng rồi chỉ có 1 người sống sót. Do đó, cần lắm sự vào cuộc của truyền thông, đặc biệt của các địa phương trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, giúp bà con nhận tránh được nhầm lẫn về nấm độc.


Theo BS Dũng, việc đẩy mạnh tuyên truyền rất quan trọng. Giai đoạn khi chưa tổ chức truyền thông trực tiếp, số ca ngộ độc nấm và tử vong rất cao,từ năm 2003 - 2009 có khoảng 81 ca ngộ độc, trong đó 17 người tử vong, tập trung nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc và một số khu vực miền núi khác như Tây Nguyên. Các bác sĩ chống độc vì vậy đã thân chinh xuống các bản làng để thu thập mẫu nấm độc để nghiên cứu và tuyên truyền trực tiếp, giúp người dân nhận biết, tránh xa nấm độc.


Nhờ vậy, từ 2009 - 2014, số vụ ngộ độc được ghi nhận tại các cơ sở y tế đã giảm xuống, chỉ còn 12 ca, trong đó chỉ 1 ca tử vong. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, khi các chuyên gia chống độc phải tập trung cho công tác điều trị hơn thì lại xuất hiện hàng chục ca ngộ độc nấm mỗi năm, nhất là mỗi dịp Xuân về. Tỷ lệ tử vong cao, lên tới 50%.


Để điều tra về nguyên nhân tử vong, các bác sĩ đã thu thập các mẫu nấm tại Cao Bằng, tỉnh có nhiều nấm độc và thuộc loại “top ten” về số ca ngộ độc nấm.


“Nhóm nghiên cứu đã thu thập được 13 mẫu nấm độc, mang về thử nghiệm trên thỏ và chuột. Sau đó mổ lấy gan, thận, lách… Kết quả cho thấy, đó là những tổn thương rất kinh khủng. Loài nấm độc thường gây ngộ độc là nấm độc tán trắng, nấm độc trắng hình nón, nấm ô tán trắng phiến xanh và nấm mũ khía nâu xám”, BS Dũng cho biết.


Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, các triệu chứng ngộ độc nấm độc rất đa dạng, tuy nhiên dấu hiệu nhận biết ban đầu là rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện như: Buồn nôn, nôn, đau bụng, ỉa chảy, đau đầu, mệt mỏi… Nếu bệnh nhân ăn phải nấm độc tán trắng hoặc nấm độc trắng hình nón, sau các triệu chứng rối loạn tiêu hóa là các triệu chứng tổn thương gan, dẫn đến tử vong.


“Đáng lo nhất là những loại nấm có tác dụng chậm, nhiều trường hợp bệnh nhân có triệu chứng đau bụng, đi ngoài rồi lại cầm nên chỉ nghĩ bình thường, không đến cơ sở y tế. Nhưng ngày hôm sau bệnh mới tiến triển nhanh dẫn đến hôn mê, tỷ lệ tử vong cao”, BS Dũng chia sẻ.


Nhiều ngộ nhận chết người

Nấm độc tán trắng.

Theo BS Dũng, việc đưa ra hướng dẫn nhằm giúp người dân phân biệt giữa nấm độc và không độc rất khó. Do đó, rất cần sự vào cuộc của Chi cục an toàn thực phẩm tại các địa phương trong việc tuyên truyền, chủ động in tờ rơi, xuống tận nơi khuyến cáo bà con tránh những thói quen chết người để không sử dụng nấm độc trên địa bàn.


“Đến nay, bà con vẫn quan niệm nấm độc thường có màu sắc sặc sỡ hoặc nấm bị sâu bọ ăn là nấm không độc. Thực tế, tất cả cá loại nấm độc đều bị kiến, ốc sên, sâu bọ ăn”, BS Dũng chia sẻ.


Không ít bà con còn thử cho động vật ăn (gà, chó…) ăn nấm trước, nếu sau 1- 2 giờ động vật không chết hoặc không bị ngộ độc thì cho đó là nấm không độc. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với một số loại nấm tác dụng nhanh. Đối với loại nấm gây chết người thường có tác dụng chậm, 12-24 giờ mới có triệu chứng đầu tiên, nên không thể nhận biết ngay để phòng tránh.


Nhiều người dân cho rằng bạc đổi màu xám thì có độc nên cũng thử nấm bằng thìa, đũa, dây chuyền… làm bằng bạc. Các chuyên gia chống độc khẳng định cách làm này hoàn toàn sai, các loại độc tố của nấm không tác dụng đối với bạc nên không gây đổi màu.


Theo Ths Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, để đảm bảo tính mạng cho bản thân và gia đình, người dân tuyệt đối không nên lên rừng hái nấm hoang ăn dại ăn, kể cả nấm màu trắng, nấm có đầy đủ các phần của thể quả… Không ăn thử nấm, dứt khoát loại trừ sử dụng nấm khi còn nghi ngờ.


Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo, khó nhận dạng nấm. Nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc, không ăn nấm đã bị thối rữa ôi thiu.


Khi có biểu hiện ngộ độc nếu chưa nôn thì cần móc họng hoặc uống nhiều nước rồi móc họng gây nôn (dùng bàn chải đánh răng đưa sâu vào cuống lưỡi). Phương pháp này chỉ áp dụng cho bệnh nhân còn tỉnh, sau đó khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu có than hoạt thì nên uống ngay với liều 2g/15 kg cân nặng. Chú ý đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện đến cơ sở y tế, mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến đến cơ sở y tế để xác định sơ bộ loại nấm.


Nếu từ lúc ăn đến khi có biểu hiện bệnh dưới 6 tiếng thì có thể điều trị bệnh nhân tại trạm y tế xã, bệnh viện huyện. Nếu hơn 6 tiếng thì phải đưa đến bệnh viện tỉnh, nơi có điều kiện lọc máu.


Phương Liên