06:22 10/06/2012

A.Lange & Sohne: Kiệt tác hồi sinh-Kỳ cuối: Tuổi thọ phi thường

Bạn hoàn toàn có thể tin rằng một chiếc đồng hồ A. Lange & Sohne sống lâu hơn chính... chủ nhân của nó. Bởi vì tất cả chúng đều phải trải qua những thử nghiệm toàn diện nhất và phức tạp nhất trong ngành công nghiệp đồng hồ.

Bạn hoàn toàn có thể tin rằng một chiếc đồng hồ A. Lange & Sohne sống lâu hơn chính... chủ nhân của nó. Bởi vì tất cả chúng đều phải trải qua những thử nghiệm toàn diện nhất và phức tạp nhất trong ngành công nghiệp đồng hồ. Một ví dụ rõ nhất là chiếc đồng hồ cực kỳ chuẩn xác Datograph Perpetual. Đây là chiếc đồng hồ kết hợp chức năng máy quét ngược thời gian (chronograph flyback) qua một lịch vạn niên. Nó là một trong những bộ máy phức tạp nhất và tinh vi nhất trong lịch sử của nhà sản xuất đồng hồ vùng Saxon. Tuy nhiên nó phải trải qua những thử nghiệm về độ bền và sức chịu đựng do chuyên gia Christoph Schlencker thực hiện.


 

Thử nghiệm chiếc Datograph Perpetual bằng búa máy trong phòng thí nghiệm.

Christoph Schlencker là một chuyên gia thử nghiệm đồng hồ của A. Lange & Sohne và với kinh nghiệm của mình, ông luôn tìm kiếm những phương pháp thử nghiệm độ chính xác và tin cậy của mọi sản phẩm trước khi đi vào sản xuất. Ví dụ thả chiếc đồng hồ Datograph Perpetual từ độ cao khoảng 1 m để thử nghiệm va chạm. Tuy nhiên thay vì thả rơi, chiếc đồng hồ trên phải chịu những nhát búa được chuẩn hóa tương đương với cường độ va chạm khi rơi từ độ cao 1 m xuống một mặt sàn bằng gỗ cứng. Trong cuộc thử nghiệm này, các chi tiết của đồng hồ phải vượt qua những rung xóc đột ngột (xung lực) tương đương với 5.000 lần trọng lượng của chúng. Nói cách khác: Chiếc kim giây của chức năng chronograph flyback, một chi tiết có trọng lượng chỉ 1 gram phải chịu được lực tác động lên đến 5 kg và nó không được biến dạng, không rơi rụng và vẫn làm việc bình thường.


 

Chuyên gia Christoph Schlencker xem xét một mẫu sản phẩm mới.

 

Đó là mục tiêu của Schlencker để đảm bảo rằng chiếc Datograph Perpetual giữ được khả năng hoạt động hoàn hảo ngay cả khi nó trải qua những va chạm tương tự trên thực tế. Tất cả những chiếc đồng hồ của A. Lange & Sohne đều phải đạt được những yêu cầu như trên. Ông đang tìm kiếm những cách thức để nâng cao cấu trúc và vật liệu, hoặc cải tiến quá trình sản xuất. Schlencker là trưởng phòng thí nghiệm, một trong những vị trí quan trọng và đặc biệt nhất tại A. Lange & Sohne. Bất cứ thứ gì được các nhà thiết kế và kỹ sư hãng chế tạo, ông sẽ tìm những cách tốt nhất để phá hủy chúng. Ông tìm kiếm những điểm yếu nhất và nhạy cảm nhất trong mọi thiết kế. Tất cả mặt số mới cần phải vượt qua những thử nghiệm khắt khe của ông. Không một thiết kế đồng hồ nào được đi vào sản xuất mà không được ông thử nghiệm.


Schlencker xây dựng phòng thí nghiệm này năm 2004. Đối với Lange, nó là một quá trình kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt nhất trong lĩnh vực sản xuất đồng hồ cao cấp. Phòng thí nghiệm được thành lập theo hình mẫu của ngành công nghiệp xe hơi với những tiêu chuẩn rất cao. Thực chất thí nghiệm không đơn thuần chỉ là phá hủy mà còn mang tính chất nghiên cứu. Schlencker có thể mua một số dụng cụ cần thiết và phát triển các nghiên cứu thử nghiệm của ông. Thử nghiệm rung lắc là một ví dụ, về cơ bản, nó là một chiếc hộp gỗ quay theo tất cả những hướng có thể. Bên trong hộp là một chiếc đồng hồ va đập mạnh với thành hộp khoảng 4 lần/giây. Sau 24 giờ, nhìn chiếc đồng hồ bị xước như thể nó đã được đeo bởi một vận động viên leo núi.


 

Nguyên bản mẫu Datograph Perpetual với bộ máy tinh vi nhất của hãng A. Lange & Sohne.

 

“Thử nghiệm rung lắc này mô phỏng các tác động cơ học được gây ra bởi một người đeo là vận động viên trong thời gian 5 năm”, Schlencker nói. “Theo thử thách này, tất cả 556 chi tiết của chiếc Datograph Perpetual vẫn nằm chắc chắn ở đúng vị trí của chúng và hoạt động một cách hoàn hảo”.


Tất cả những công việc trên đã mang đến chiếc Datograph Perpetual với độ sai số từ 0,5 đến 2 giây một ngày so với con số 6 giây cho phép đối với chuẩn đồng hồ cơ chính xác. Lange và những người am hiểu phải làm những việc mà có thể làm “đau đớn” những người yêu đồng hồ: Đập những chiếc đồng hồ trị giá 100.000 euro, niềm mơ ước của tất cả mọi người, bằng một chiếc búa.


Kể từ khi nhà máy ngừng hoạt động hoàn toàn trong vòng hơn 50 năm (từ 1945 đến 1994), những mẫu Lange "quả quýt" tốt nhất trước chiến tranh trở thành loại đồng hồ được săn lùng ráo riết trên thị trường sau đó. Nhưng giờ dòng đồng hồ bỏ túi này đã trở lại với số lượng rất hạn chế (khoảng 5 nghìn chiếc/năm và Lange sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu). Những mẫu hiện tại gần như ngay lập tức đã rơi vào tay các nhà sưu tầm. Ví dụ như 4 mẫu đầu tiên báo hiệu ngày phục hồi của công ty vào năm 1994, được bán với giá 70.000 USD. Theo Lange, ngày nay chúng có giá tới hơn 230.000 USD.


Một điểm hơi khó chịu về số lượng sản phẩm rất hạn chế của Lange, đó là thời gian bạn phải chờ cho tới khi được đeo nó trên tay. Nếu người bán lẻ chưa đặt một mẫu cụ thể nào trên quầy hàng của họ, tức là bạn sẽ phải chờ nhiều tháng. Mẫu sản phẩm càng phức tạp, thời gian chờ càng lâu. Nguyên nhân một phần là do quy trình nghiêm ngặt để lắp ráp từng chiếc đồng hồ được chia làm hai công đoạn riêng rẽ. Đầu tiên, các bộ phận được lắp ráp với nhau, khớp nối và hiệu chỉnh cực kỳ cẩn thận để đảm bảo chất lượng và độ chính xác. Rồi nó lại được tháo rời và tẩy sạch (rất nhanh với phương pháp ôxy hóa bằng bạc của Đức mỗi khi bị đưa ra không khí có độ ẩm), kết thúc và đánh bóng, và cuối cùng lắp ráp lại với nhau một lần nữa.


Dĩ nhiên, người ta sẽ phải mất một thời gian đắn đo trước khi quyết định chọn mua một chiếc đồng hồ Lange. Người ta từng thấy Brad Pitt đã phải mê mẩn với hai mẫu Lange, chiếc Datograph và Lange 1, tại các cửa hàng ở Los Angeles (Mỹ) và Italia. Nghệ sĩ hội họa sắp đặt lừng danh Braxin, Vik Muniz, cũng đã ngắm nghía chúng trong vài năm trước khi quyết định mua một chiếc "Grand Lange 1" cho mình. "Tôi đeo nó suốt cả ngày, kể cả khi làm việc cũng như lúc đi ngủ", Muniz thú nhận, dù ông đã sở hữu một lô đồng hồ Rolex, trong đó có chiếc Daytona bằng vàng trắng, một chiếc Cartier Tank và vài cái Omega.


Trà My (theo GQ)