02:23 12/02/2012

AL sẽ chấm dứt sứ mệnh của các quan sát viên tại Xyri

Hãng tin Reuter ngày 12/2 đưa tin, các nước Arập dự định xem xét một dự thảo nghị quyết trong đó sẽ chấm dứt sứ mệnh của phái đoàn quan sát viên Liên đoàn Arập tại Xyri, đồng thời kêu gọi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cử một lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế đến Xyri để chấm dứt bạo lực.

Lầu Năm Góc lập kế hoạch can thiệp quân sự tại Xyri

Hãng tin Reuter ngày 12/2 đưa tin, các nước Arập dự định xem xét một dự thảo nghị quyết trong đó sẽ chấm dứt sứ mệnh của phái đoàn quan sát viên Liên đoàn Arập (AL) tại Xyri, đồng thời kêu gọi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cử một lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế đến Xyri để chấm dứt bạo lực. Thông tin trên được đưa ra sau khi có tin trưởng phái bộ quan sát viên AL từ chức.

Tổng thư ký AL Nabil al-Arabi (trái) và Thủ tướng Cata Sheikh Hamad Bin Jassim Althani (phải) trong cuộc họp ở Cairô ngày 12/2.

Theo dự thảo nghị quyết được trình trong cuộc họp của các ngoại trưởng AL tại thủ đô Cairô (Ai Cập) ngày 12/2, AL cũng sẽ kêu gọi thắt chặt hơn các biện pháp trừng phạt chính quyền Xyri mà AL đã áp đặt cuối năm 2011, ngừng mọi hình thức hợp tác về mặt ngoại giao với Xyri và mở các kênh đối thoại với phe đối lập ở Xyri.

Trước đó không lâu, một quan chức AL cho biết người đứng đầu phái đoàn quan sát viên của AL tại Xyri, ông Mustafa al-Dabi, đã từ chức. Đơn xin từ chức của ông al-Dabi đã được Tổng thư ký AL Nabil al-Arabi chấp thuận. Ông al-Arabi cũng đã cử cựu Ngoại trưởng Gioócđani Abdul-Illah al-Khatib làm đặc phái viên mới.

Hiện vẫn chưa biết lý do từ chức của ông al-Dabi. Trong thời gian qua, sứ mệnh giám sát của phái đoàn này phải chịu nhiều chỉ trích trong bối cảnh bạo lực tại Xyri vẫn gia tăng.

Trong khi đó, mạng tin "Nghiên cứu toàn cầu" ngày 12/2 tiết lộ, Lầu Năm Góc đã lập kế hoạch cho việc can thiệp quân sự tại Xyri. Theo các nguồn tin lần đầu tiên chính thức thừa nhận kế hoạch trên, một cuộc tấn công quân sự sẽ được phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ, các nước vùng Vịnh và các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khác. Kế hoạch này đang được Bộ Chỉ huy trung tâm Lầu Năm Góc mô tả là cuộc "xem xét nội bộ" để cho phép Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục giả bộ rằng Nhà Trắng vẫn đang tìm kiếm một giải pháp ngoại giao.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Xyri, ông Jihad Makdissi, cho biết, Xyri ngày 12/2 đã yêu cầu các đại sứ Libi và Tuynidi rời khỏi Xyri trong 72 giờ tới. Ông Makdissi nói thêm Đại sứ quán Xyri tại Cata cũng đã đóng cửa, đồng thời các đại sứ nước này tại Côoét và Arập Xêút đã được triệu về nước. Động thái trục xuất các phái bộ ngoại giao Libi và Tuynidi nói trên được đưa ra rõ ràng nhằm đáp trả những hành động tương tự đối với giới ngoại giao Xyri tại hai nước này. Tuynidi là quốc gia Arập đầu tiên thông báo quyết định trục xuất đại sứ Xyri và cắt quan hệ với chính quyền Xyri. Tương tự, Bộ Ngoại giao Libi hôm 9/2 cũng đã thông báo quyết định trục xuất đại biện lâm thời Xyri cùng các nhân viên, đồng thời yêu cầu tất cả các nhà ngoại giao Xyri rời Libi trong 72 giờ.

Mạng tin "Nghiên cứu toàn cầu" nhận định, cũng giống như cuộc chiến tại Libi năm ngoái, sự can thiệp quân sự sẽ được bào chữa bằng việc dẫn "trách nhiệm bảo vệ" dân thường, nhưng mục tiêu thực sự là thay đổi chế độ tại Xyri. Các chính khách hàng đầu của Mỹ cũng đã công khai kêu gọi trang bị vũ khí cho Quân đội Xyri tự do (FSA), một lực lượng gồm toàn những người Sunni đang trú chân tại Thổ Nhĩ Kỳ, đang nhận được sự tài trợ và hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, Arập Xêút và Cata.

Liên quan đến tình hình Xyri, phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn các nguồn tin báo chí địa phương ngày 12/2 cho biết, các lực lượng an ninh và quân đội trung thành với Tổng thống Assad sắp đập tan được lực lượng chống chính quyền.

Theo đó, quân đội Xyri đang tấn công những ổ kháng cự cuối cùng của lực lượng chống đối, nhất là tại thành phố Homs, thành phố lớn thứ ba Xyri và là tâm điểm gây bất ổn thời gian qua. Khả năng bùng phát các cuộc đụng độ vẫn có thể xảy ra, song cuộc giao tranh gần như kết thúc. Trong những ngày gần đây, các cuộc biểu tình lớn và giao tranh với lực lượng vũ trang gần như không xảy ra trên đường phố của những trung tâm biểu tình chính là Daraa, Hama, Deir al-Zour, Abu Kemal, Zabadan và các khu vực ngoại ô thủ đô Đamát. Các nguồn tin cũng nhận định các lực lượng vũ trang trung thành với Tổng thống Assad sẽ sớm đánh bại lực lượng chống đối nếu lực lượng này không được trợ giúp bằng can thiệp vũ trang từ bên ngoài.

Bùi Hoàn (P/v TTXVN tại Ai Cập) – Hạnh Dương