02:13 09/02/2012

AL đề nghị LHQ tham gia sứ mệnh giám sát tại Xyri

Ngày 8/2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon cho biết Liên đoàn Arập (AL) và LHQ đang cân nhắc cử phái bộ quan sát viên chung đến Xyri, nơi bạo lực tiếp tục leo thang.

Ngày 8/2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon cho biết Liên đoàn Arập (AL) và LHQ đang cân nhắc cử phái bộ quan sát viên chung đến Xyri, nơi bạo lực tiếp tục leo thang.



Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon. Ảnh: THX/TTXVN



Kế hoạch trên được đưa ra trong một cuộc hội đàm giữa ông Ban Ki-moon với Tổng Thư ký AL Nabil al-Arabi về tình hình tại Xyri kể từ khi AL tạm ngừng sứ mệnh của phái bộ quan sát viên tại nước này hôm 28/1 do bạo lực leo thang. Theo TTK Ban Ki-moon, ông Nabil al-Arabi đã thông báo kế hoạch nối lại sứ mệnh trên và đề nghị LHQ xem xét phối hợp với AL thành lập một phái bộ quan sát viên chung tại Xyri, trong đó có một đặc phái viên chung. TTK LHQ bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ cải thiện tình hình, đồng thời cho biết Hội đồng Bảo an LHQ sẽ nhóm họp trong vài ngày tới để thảo luận về đề nghị này.

Động thái trên diễn ra ít ngày sau khi HĐBA LHQ không thông qua được một dự thảo nghị quyết lên án Xyri, vì Nga và Trung Quốc phủ quyết. Dự thảo này, do phương Tây và AL soạn thảo, trong đó không công khai kêu gọi Tổng thống Xyri Bashar al Assad từ chức hoặc đề cập một lệnh cấm vận vũ khí hay các biện pháp trừng phạt, nhưng "hoàn toàn ủng hộ" kế hoạch của AL nhằm tạo thuận lợi cho “quá trình chuyển tiếp dân chủ” tại quốc gia Trung Đông này.

Trong một diễn biến mới nhất, cơ quan truyền thông của Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã hối thúc các thành viên HĐBA tiếp tục tìm các cách thức giúp Xyri tự giải quyết cuộc khủng hoảng trong nước. Trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Medvedev khẳng định người dân Xyri sẽ tự giải quyết cuộc khủng hoảng của mình mà không cần sự can thiệp từ bên ngoài. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ như một cường quốc khu vực trong việc tạo điều kiện cho đối thoại nội bộ Xyri.

Sau cuộc hội đàm với ông Erdogan, Tổng thống Nga đã điện đàm với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và thông báo kết quả chuyến thăm Đamát ngày 7/2 của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Tổng thống Sarkozy đã kêu gọi Nga ủng hộ kế hoạch của AL nhằm buộc nhà lãnh đạo Xyri từ chức. Trong khi đó, Ngoại trưởng Lavrov đã điện đàm với người đồng cấp Anh William Hague về Xyri. Theo ông Hague, Anh rất lo ngại về tình hình bạo lực tiếp diễn tại Xyri, đặc biệt là Homs, song Luân Đôn chưa tính đến khả năng can thiệp quân sự vào Xyri, và đang liên hệ chặt chẽ với AL để tìm lối thoát cho khủng hoảng tại nước này.

Liên quan đến đề xuất đối thoại giữa các phe phái ở Xyri mà Nga đưa ra, ngày 8/2, Mỹ, Pháp và Anh đều lên tiếng bác bỏ. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho rằng "cơ hội đàm phán đã bị bỏ lỡ", trong khi Thủ tướng Anh David Cameron bày tỏ "ít tin tưởng" vào những hứa hẹn của chính quyền Xyri. Trước đó, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cho rằng đó chỉ là "những lời hứa hão".

Cùng ngày, trả lời phỏng vấn trên truyền hình, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã thông báo kế hoạch tổ chức một hội nghị quốc tế "sớm nhất có thể", nhằm tìm ra một cách tiếp cận chung giữa các nước trong khu vực và các cường quốc thế giới đối với cuộc khủng hoảng tại Xyri. Ông cho biết hội nghị có thể diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ hoặc một nước khác, nhưng đó phải là một nước trong khu vực.

TTXVN/Tin Tức