08:11 22/08/2014

Akhenaten và cái chết của thần mặt trời - Kỳ 2: Đế chế mặt trời Aten

Trong khoảng thời gian 2 năm, Akhenaten cho xây dựng xong một thành phố mới để tôn vinh và phát triển tôn giáo đơn thần của mình, đồng thời xếp xó gần 2.000 vị thần được người dân Ai Cập tôn thờ.

Trong khoảng thời gian 2 năm, Akhenaten cho xây dựng xong một thành phố mới để tôn vinh và phát triển tôn giáo đơn thần của mình, đồng thời xếp xó gần 2.000 vị thần được người dân Ai Cập tôn thờ. Lịch sử Ai Cập đã chứng kiến sự xuất hiện của một con người có tầm nhìn và có đầy đủ phương tiện để hiện thực hóa tầm nhìn đó.

 

“Những cách nhìn về Akhenaten thay đổi giữa hai thái cực. Những người Ai Cập cổ đại xóa bỏ thời kì trị vì của ông ra khỏi lịch sử của chính họ. Nhưng lịch sử hiện đại lại đối xử nhân từ với ông hơn. Có thể chúng ta trân trọng cái tôi cá nhân nhiều hơn, và dĩ nhiên chúng ta không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những hành động của vị pharaoh này”, nhà Ai Cập học Anna Stevens, đồng thời là trợ lí giám đốc của dự án khảo cổ Amarna, khẳng định.

 

Cảnh sinh hoạt của gia đình hoàng gia.

 

Trong khi đó, giáo sư danh dự của ngành Ai Cập học tại đại học Cambridge (Anh) Barry Kemp nhận xét: “Với việc không có những cơ sở chính xác để đoán định, việc quy kết vị pharaoh là một kẻ điên rồ là điều được tránh tối đa. Nhưng rõ ràng Akhenaten là người có đầu óc tư duy. Ông đã hình thành một tầm nhìn về việc một vị thần nên được tôn vinh như thế nào, và có quyết tâm cũng như phương tiện để biến tầm nhìn đó thành hiện thực”.


Tuy vậy, tầm nhìn của Akhenaten được đánh giá là mang tính cực đoan: trong khi tôn thờ một vị thần, mà cụ thể ở đây là đĩa mặt trời tỏa sáng hay thần Aten, ông cũng đồng thời phá hủy các vị thần khác của Ai Cập bằng lệnh cấm thờ 2.000 vị thần vốn đã gắn bó với người dân. Ở năm trị vì thứ năm của mình, quanh thời điểm ông đổi tên, Akhenaten đã quyết định xây dựng một thủ đô mới, một nơi không có liên hệ với tôn giáo tồn tại từ trước. Địa điểm được ông lựa chọn chính là Amarna ngày nay và được gọi là Akhetaten, hay “đường chân trời của Aten”. Theo đánh giá, một trong những khả năng khiến nơi đây lọt vào mắt xanh của vị pharaoh là vì nó có những mỏm đá hướng về phía đông tạo hình một đường chân trời.


Công việc xây dựng diễn ra một cách khẩn trương và sau chỉ 2 năm, gia đình hoàng gia mang theo cư dân đến thủ đô mới của Ai Cập. Akhenaten sống ở cung điện nằm ở phía bắc của thành phố. Mối liên kết giữa cung điện hoàng gia với toàn bộ phần còn lại của Akhetaten là một “con đường hoàng gia”. Mỗi ngày, chiếc chiến xa chở theo Akhenaten đều lăn bánh qua đây, mô phỏng hình ảnh của thần Aten đi qua trên bầu trời nhằm nhấn mạnh mối liên hệ của ông với vị thần mới đang ngự trị trên đầu.


“Đó là một khởi đầu mới. Có thể dễ dàng nhận thấy mục đích của việc này là dựng nên một ngôi nhà mới cho thần Aten trên một mảnh đất mới. Thông điệp này được Akhenaten truyền lại qua những chữ khắc trên các cột đá bao quanh Amarna. Nhưng ngoài ra, chúng ta có thể đoán rằng, trong hành động này còn có những động cơ khác, ví dụ như ông muốn tập trung những vị quan trung thành quanh mình, đồng thời giữ khoảng cách với những người có ý kiến chống đối”, Stevens nói.


Không những vậy, Akhenaten còn thể hiện quan điểm cắt đứt dứt khoát với lịch sử thông qua việc tạo ra các dạng kiến trúc hoàn toàn mới. “Các ngôi đền của Ai Cập theo truyền thống là những không gian đóng. Bên trong của tổ hợp đó, phần nền của ngôi đền sẽ tăng dần độ cao trong khi phần mái cứ hạ dần xuống. Ánh sáng được khống chế bằng một vài cửa sổ nhỏ và đèn. Ánh mặt trời từ bên ngoài lọt vào sẽ mang theo nó những sự linh thiêng. Đây là mô tuýp được sử dụng từ lâu trước thời kì trị vì của Akhenaten. Nhưng kể từ vị pharaoh này, mọi việc đã thay đổi một cách mạnh mẽ. Những ngôi đền của Akhenaten chứa những không gian mở, rộng lớn với những bàn dâng lễ và các điện thờ không có mái. Hình ảnh quen thuộc dĩ nhiên không còn là một bức tượng nằm sâu trong một nơi linh thiêng, mà là thần Aten ở trên cao”, Stevens giải thích.


Khắp thành phố Amarna, các tòa nhà được trang trí bằng những biểu tượng mới mà bất kì ai nhìn vào cũng dễ dàng nhận ra ngay lập tức chúng dành cho thần Aten: một chiếc đĩa đơn giản tỏa ra các tia sáng có phần ngọn như những bàn tay người. Ngôi đền lớn nhất trong thành phố là đền Aten vĩ đại, chứa hơn 1.700 chiếc bàn, ghế dâng lễ làm từ đá và gạch để người dân Ai Cập thể hiện sự tôn thờ và cầu xin sự che chở của thần Aten.


Một bước cải tiến nghệ thuật khác dưới thời Akhenaten tại Amarna đến từ những bức tranh mô tả cảnh sinh hoạt của gia đình hoàng gia. Trong những bức tranh này, Akhenaten được mô tả đang bế một công chúa nhỏ và đang trong tư thế sắp sửa hôn cô bé. Ngồi phía đối diện ông là nữ hoàng Nefertiti với một công chúa nhỏ đang ngồi trên chân bà, đưa tay chỉ về phía người chị em của mình. Trong khi đó, đứa trẻ thứ ba lại đang đùa nghịch với chiếc mũ đội đầu đặc trưng của người mẹ. Và tỏa sáng phía trên cao của bức tranh là ánh hào quang của thần Aten. Nếu so sánh với nghệ thuật khô cứng trước đó của Ai Cập, thì đây là những hình ảnh hoàn toàn mới mẻ, lôi cuốn, sống động và tràn trề hơi thở cuộc sống. Trước đó, các nghệ sĩ Ai Cập thể hiện trẻ em theo một tư thế đặc trưng, với ngón tay đặt trên môi. Còn ở đây, những đứa trẻ hoàng gia tự nhiên có những cử chỉ như những đứa trẻ thật sự.


Mục đích của Akhenaten trong việc cổ súy cho loại nghệ thuật mới này, một phần là bởi ông muốn tăng tần suất xuất hiện của thần mặt trời, làm cho hình ảnh của vị thần trở nên phổ biến. Bên cạnh đó, những cảnh sinh hoạt của gia đình ông còn gửi đi một thông điệp trong đó nhấn mạnh vai trò của ông, cũng như của người vợ, là những người trung gian giữa thần Aten và thần dân Ai Cập. Và rất có thể điều này lí giải tại sao một trong những cung điện của ông ở Amarna được thiết kế có phần ban công đặc biệt để gia đình hoàng tộc đã có những khoảnh khắc đứng ở đó, ban phát quà cho dân chúng.

Anh Tiếu (Theo Telegraph)

 

Đón đọc kỳ cuối: Hoàng hôn ở cuối chân trời