07:10 01/07/2020

Air France 'đau đớn' trong nỗ lực tái cấu trúc

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, hãng hàng không quốc gia Pháp Air France dự định cắt giảm hơn 7.500 nhân sự, trong nỗ lực tái cấu trúc sau khi đã chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra. 

Chú thích ảnh
Máy bay của hãng hàng không Air France tại sân bay Roissy-Charles de Gaulle ở Roissy-en-France, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Air France sẽ phải trình bày kế hoạch cắt giảm việc làm lên Ủy ban kinh tế và xã hội của Chính phủ Pháp vào ngày 3/7. Tuy nhiên các đối tác xã hội của Air France sáng 30/6 đã nhận tài liệu về dự án tái cấu trúc. Theo đó, từ nay đến cuối năm 2022, hơn 7.500 việc làm sẽ bị cắt giảm, gồm 6.560 tại Air France và 1.025 tại Hop! - chi nhánh chuyên thực hiện các chuyến bay liên vùng tại Pháp. 

Theo chuyên gia tư vấn về vận tải hàng không, trường hợp của Air France chưa phải là tồi tệ nhất, so với việc hãng hàng không British Airways (Anh) đã cắt giảm 12.000 nhân sự và Lufthansa (Đức) cắt giảm 22.000 nhân sự. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn là cú sốc mạnh vì Air France chưa bao giờ tuyên bố cắt giảm nhiều nhân sự trong cùng một lúc như vậy.

Áp lực đang đè nặng lên Hop! gồm 2.500 nhân viên - tình cảnh tồi tệ hơn nhiều so với Air France, nơi có 42.000 người lao động. Liên quan đến Hop!, 2 trong số 3 địa điểm bảo dưỡng máy bay - tại Morlaix và Lille - dự kiến sẽ đóng cửa. Nhiều đường bay của Hop! sẽ "biến mất" vì 2 lý do: không có lãi và Air France không có giải pháp nào khác để thực hiện cam kết giảm 50% lượng khí thải CO2 trên các chuyến bay nội địa vào năm 2024.

Tại Air France, việc cắt giảm sẽ chủ yếu liên quan đến các bộ phận quản lý nhân lực, mua sắm và phát triển bền vững, cũng như tại các điểm trung chuyển địa phương. Một phần sẽ ảnh hưởng đến phi hành đoàn, nhằm thực hiện cam kết của ông Ben Smith, Tổng Giám đốc của Air France KLM, là giảm 40% mạng lưới bay nội địa.

Air France quyết định thực hiện cuộc tái cấu trúc "đau đớn" như vậy, vì đã bị thiệt hại nặng nề do cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Nếu không có khoản cứu trợ 7 tỷ euro (hơn 7,8 tỷ USD) do Chính phủ Pháp công bố vào đầu tháng 5, Air France có nguy cơ mất khả năng thanh toán trong vài tháng tới. Hiện Air France khai thác 20% các chuyến bay thường xuyên.

Song việc phục hồi kinh doanh diễn ra hết sức chậm chạp. Hãng dự báo hoạt động sẽ giảm 20% vào năm 2021 và 10% vào năm 2022. Đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn trong lĩnh vực hàng không, Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus tối 30/6 đã công bố kế hoạch tái cấu trúc quan trọng. 

Theo thông báo, Airbus sẽ cắt giảm 15.000 nhân sự trên toàn thế giới, trong đó có 5.000 nhân sự ở Pháp, từ nay đến Hè 2021. Pháp là quốc gia nơi nhà sản xuất máy bay tuyển nhiều nhân viên nhất. Việc cắt giảm nhân sự ảnh hưởng chủ yếu đến bộ phận sản xuất máy bay thương mại.

Bên cạnh đó, 5.100 vị trí cũng sẽ bị cắt giảm ở Đức, 1.700 ở Anh, 900 ở Tây Ban Nha và 1.300 tại các địa điểm sản xuất khác trên toàn thế giới. Airbus hiện có 49.000 nhân viên ở Pháp, 45.500 ở Đức, 12.500 ở Tây Ban Nha và 11.000 ở Anh. Việc cắt giảm nhân sự được công bố tối 30/6 chiếm khoảng 11% tổng lực lượng lao động của tập đoàn. 

Đối thủ lớn của Airbus - hãng Boeing của Mỹ - hồi cuối tháng 4 cũng đã thông báo kế hoạch cắt giảm 10% tổng số lao động, tương đương 16.000 người.

Linh Hương (TTXVN)