02:09 08/02/2011

Ai là phe đối lập thực sự tại Ai Cập?

Mạng tin "Nghiên cứu toàn cầu" ngày 6/2 cho rằng, cuộc cách mạng tại Ai Cập đã nổ ra như tất cả các cuộc cách mạng khác: Tỷ lệ thất nghiệp và giá lương thực cao đã khiến những người lao động và dân nghèo nổi dậy.

Mạng tin "Nghiên cứu toàn cầu" ngày 6/2 cho rằng, cuộc cách mạng tại Ai Cập đã nổ ra như tất cả các cuộc cách mạng khác: Tỷ lệ thất nghiệp và giá lương thực cao đã khiến những người lao động và dân nghèo nổi dậy.


Giờ đây, các phương tiện truyền thông cho rằng, "phe đối lập" tại Ai Cập là một nhóm giàu có, những người có rất ít điểm chung với những người dân nghèo ở nước này. Nếu nhóm này giành được quyền lực, họ sẽ đối đầu với tầng lớp người lao động và dân nghèo.

Những người biểu tình cắm trại tại quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo ngày 7/2, ngày thứ 14 của cuộc biểu tình.


Vậy ai là thành viên của “ủy ban đối lập thượng lưu” này? Nhà báo Trung Đông Robert Fisk giải thích, "các thành viên bao gồm Amr Moussa, Tổng thư ký của Liên đoàn Arập; Ahmed Zuwail, người Mỹ gốc Ai Cập, từng đoạt giải Nobel và hiện là cố vấn cho Tổng thống Mỹ Barack Obama; Mohamed Selim Al-Awa, giáo sư chuyên nghiên cứu về Hồi giáo; Said al-Badawi, Chủ tịch đảng Wafd; Nagib Suez, doanh nhân siêu giàu tại Cairô; Nabil al-Arabi, thành viên phái đoàn Ai Cập tại LHQ...".


Ủy ban này đã đề xuất rằng Phó Tổng thống Omar Suleiman sẽ đứng đầu một chính phủ chuyển tiếp và ông Suleiman cam kết giải tán quốc hội (mới được bầu năm trước) và tổ chức bầu cử sớm.

Theo giới truyền thông, khó có thể có sự "chuyển tiếp hòa bình" suôn sẻ tại Ai Cập, bởi vì đảng Dân chủ quốc gia (NDP) cầm quyền có những mối quan hệ cực kỳ sâu sắc với giới nhà giàu và quyền lực ở nước này, nhận được sự hỗ trợ của cả các quan chức quân sự cao cấp, lẫn chương trình viện trợ nước ngoài của chính phủ Mỹ.

Nói tóm lại, viện trợ của Mỹ cho Ai Cập là nhân tố quyết định đối với chính quyền hiện nay và đảng cầm quyền, trong khi những nhân vật đối lập hàng đầu không muốn đối đầu với những nhân vật đầy quyền lực này mà chỉ muốn thay đổi người đứng đầu hiện nay. Nhóm đối lập có kế hoạch thương thuyết với NDP cần phải biết rằng, bất kỳ thỏa thuận nửa chừng nào đều là không thể chấp nhận đối với đa số người dân Ai Cập, bởi vì NDP sẽ hành động để duy trì những đặc quyền và sự giàu có của họ.

Nếu đảng cầm quyền còn nguyên vẹn, thì bộ máy cầm quyền cũng vậy và sẽ quay bánh xe lịch sử ngược trở lại.

Thay đổi thực sự đòi hỏi một sự khởi đầu quyết liệt từ các chính sách thị trường tự do, đã được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) yêu cầu thực thi trong nhiều năm và tạo ra khoảng cách ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo, bao gồm việc tư nhân hóa các công ty quốc doanh, giảm thuế cho người giàu và các tập đoàn, xóa bỏ những quy định, trợ cấp và thuế quan. Không có người nào thuộc phe đối lập đề cập đến những chính sách này, bởi vì nhiều chính sách có lợi cho họ.

Nếu phe đối lập chống Tổng thống Hosni Mubarak và ủng hộ thị trường tự do giành được quyền lực, họ sẽ đụng độ ngay với đa số người lao động và dân nghèo Ai Cập, những người mong muốn có sự thay đổi trong những chính sách đã khiến họ khốn khổ.


Chỉ có một nhóm đối lập duy nhất đề cập đến những yêu cầu kinh tế của người dân là Liên đoàn các công đoàn độc lập Ai Cập mới được thành lập. Tổ chức này yêu cầu tăng lương tối thiểu điều chỉnh theo lạm phát, đảm bảo quyền được thưởng của người lao động, cũng như phụ cấp độc hại.

Những yêu cầu này sẽ quyết định tương lai của Ai Cập sau khi ông Mubarak ra đi. Điều này đòi hỏi sự chuyển tiếp hoàn toàn hệ thống chính trị Ai Cập, trong đó có những chính sách kinh tế có liên quan đến hàng tỷ USD viện trợ nước ngoài của Mỹ, cũng như đòi hỏi một tầm nhìn rõ ràng của người lao động và người nghèo Ai Cập về việc họ muốn gì để tránh không bị những kẻ thù đóng giả làm bè bạn dẫn đi chệch hướng.

Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)