07:06 27/07/2025

AI đang lấy gì từ công việc của con người?

Theo báo Le Nouvel Economiste của Pháp, sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) đang đặt ra câu hỏi quan trọng: liệu còn nghề nào thực sự “an toàn” trước xu hướng tự động hóa hiện nay?

Chú thích ảnh
Robot trí tuệ nhân tạo vẽ tranh tại Hội nghị Cấp cao Toàn cầu về Những Triển vọng Tốt đẹp từ AI, ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 30/5/2024. Ảnh tư liệu - minh họa: THX/TTXVN

Nhà bình luận kinh tế Martin Wolf của Financial Times từng đùa rằng nghề làm vườn là nghề ít bị AI đe dọa nhất. Thế nhưng ngay hôm sau, chính Financial Times lại đăng bài “Những khu vườn do AI trồng”, mô tả hệ thống tưới nhỏ giọt thông minh, cảm biến côn trùng, bù nhìn laser và robot làm cỏ chạy năng lượng Mặt trời - tất cả đều cho thấy ngay cả nghề làm vườn cũng đang bị công nghệ xâm nhập.

Điều này nhắc nhở chúng ta về sự khác biệt giữa công việc và nhiệm vụ. Một công việc thường gồm nhiều nhiệm vụ liên kết với nhau. Ví dụ, một người làm vườn không chỉ cắt cỏ hay nhổ cỏ dại mà còn phải nhận diện sâu bệnh, thiết kế không gian, giao tiếp với khách hàng khó tính - những thứ máy móc khó thay thế toàn diện. Vấn đề không phải là công việc biến mất, mà là nó sẽ biến đổi: Các công cụ AI sẽ dần thay thế một số nhiệm vụ, buộc con người phải thích nghi.

Vấn đề này không hề mới. Từ đầu thế kỷ XIX, phong trào Luddites đã đập phá máy dệt vì sợ bị thay thế. Thực tế chứng minh máy móc vẫn tiếp tục loại bỏ những nhiệm vụ lặp lại, đòi hỏi ít sáng tạo, để con người tập trung vào phần việc đòi hỏi kỹ năng cao hơn - nhưng không phải lúc nào cũng vậy.

Hai ví dụ tiêu biểu là bảng tính và tai nghe chỉ đường cho công nhân kho hàng (như thiết bị “Jennifer unit” của Lucas System). Bảng tính điện tử ra đời năm 1979 đã thay thế hàng loạt công việc tính toán thủ công của nhân viên kế toán. Nhưng đổi lại, kế toán viên chuyển sang phân tích dữ liệu, lập mô hình rủi ro - công việc đòi hỏi sáng tạo, kỹ năng và mang lại giá trị cao hơn. Trong khi đó, tai nghe chỉ đường biến công nhân kho thành những người chỉ biết làm theo lệnh, tước đi phần nhỏ nhiệm vụ trí óc vốn làm công việc đỡ đơn điệu.

Hai công cụ tự động hóa này cùng loại bỏ công việc lặp lại, nhưng hậu quả lại trái ngược: bảng tính nâng tầm nghề kế toán, tai nghe chỉ đường biến công việc kho hàng vốn đã nặng nhọc trở nên máy móc hơn.

Vì sao cùng một kiểu tự động hóa nhưng kết cục khác nhau?

Các nhà nghiên cứu của MIT, David Autor và Neil Thompson đưa ra khung phân tích mới. Ban đầu, cả kế toán và công nhân kho đều làm nhiều nhiệm vụ trí óc lặp lại như kiểm kê, tính toán số lượng, phát hiện sai lệch số liệu. Khi máy tính rẻ hơn, chúng thay thế những nhiệm vụ này. Về lý thuyết, cả hai nghề sẽ chịu tác động tương tự. Nhưng thực tế, lương kế toán tăng, còn lương công nhân kho giảm.

Lý do là vì bản chất nghề nghiệp không phải tập hợp ngẫu nhiên các nhiệm vụ tách rời, mà là các nhiệm vụ liên quan mật thiết và bổ trợ lẫn nhau. Bài học quan trọng cần được rút ra ở đây là AI có thể làm cho công việc chán càng chán hơn, công việc thú vị càng thú vị hơn, tùy thuộc nó thay thế phần nào của công việc. Nếu AI thay phần phức tạp, công việc sẽ bị “hạ cấp”, ít giá trị hơn. Nếu AI thay phần vụn vặt, công việc được “nâng cấp”, con người tập trung vào phần sáng tạo và ra quyết định.

Ví dụ, AI tạo sinh rất giỏi đưa ra ý tưởng mới, liên tưởng bất ngờ. Đối với ai phải động não sáng tạo nhiều, đây là công cụ bổ trợ quý giá. Nhưng với người mà “khoảng nghỉ sáng tạo” hiếm hoi là phần dễ chịu nhất trong công việc tẻ nhạt, thì AI “giành” luôn cả phần dễ chịu đó, để lại những nhiệm vụ hành chính hoặc vận hành khô khan.

Tương tự, với người làm vườn, công nghệ như bù nhìn laser hay robot làm cỏ không quan trọng bằng việc AI có thể viết email, trả lời khách hàng, soạn hợp đồng - những việc văn phòng mà họ ghét làm nhất. Trong trường hợp này, AI không thay thế phần “làm vườn” mà thay phần giao tiếp giấy tờ, giúp công việc dễ chịu hơn.

Vậy người lao động nên lo hay mừng? Không có câu trả lời chắc chắn, nhưng câu hỏi then chốt ở đây là: AI đang đe dọa phần nào trong công việc của con người? Nếu nó thay thế phần ít đòi hỏi kỹ năng, công việc sẽ nhẹ nhàng hơn, thu nhập và giá trị nghề nghiệp có thể tăng. Nếu nó thay thế phần đòi hỏi chuyên môn cao, công việc còn lại sẽ mất giá trị, có thể dẫn đến giảm lương, giảm vai trò xã hội của người lao động.

Ngược lại, nếu biết tận dụng AI để “chia sẻ” những phần việc tẻ nhạt, người lao động có thể biến nghề nghiệp của mình thành công việc giàu tính sáng tạo, nhân văn và gắn với kỹ năng cao hơn.

Đào Dũng (PV TTXVN tại Paris, Pháp)