01:19 07/01/2017

Ai chịu trách nhiệm về việc làm của sinh viên?

Đó là một trong những vấn đề được lãnh đạo của 271 trường đại học bàn thảo tại hội nghị “Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học” được tổ chức sáng ngày 7/1 do Bộ GD - ĐT tổ chức.

Có ba vấn đề lớn của giáo dục đại học được bàn thảo tới là: Đổi mới quản trị ĐH/thực hiện tự chủ đại học; Các giải pháp tăng cường điều kiện đảm bảo chất lượng và nâng cao chất lượng đào tạo; Các giải pháp nâng cao tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Tham luận tại hội nghị, PGSTS. Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết, con số trên 200.000 lao động có trình độ chuyên môn trở lên thất nghiệp chúng ta thấy lớn; nhưng so với thế giới thì con số này có thể chấp nhận được. Tỷ lệ thất nghiệp cao là tình trạng chung của thế giới không chỉ ở mỗi Việt Nam. Ở Trung Quốc, năm 2010 tỷ lệ thất nghiệp chiếm 7% phần trăm số người trong độ tuổi lao động, giảm còn 4% trong năm 2013.
.
PGS.TS. Đỗ Văn Dũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp như hiện nay là tỷ lệ nguồn nhân lực cung vượt cầu hoăc cơ cấu cung – cầu không gặp nhau; Chất lượng nguồn nhân lực cung không phù hợp với chất lượng cầu; Sự biến đổi không ngừng của nền kinh tế, dẫn đến nhu cầu nhân lực thay đổi; Tư vấn hướng nghiệp còn chưa được chú trọng dẫn đến sự hiểu biết hạn chế của học sinh lẫn phụ huynh về cơ cấu ngành nghề và tầm quan trọng của các bậc đào tạo...

"Con số hơn 425 trường đại học và cao đẳng, chất lượng đào tạo ở mỗi trường là khác nhau. Và chắc chắn rằng không phải tổ chức đào tạo nào cũng đảm bảo được chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Đây cũng là một yếu tố quan trọng dẫn đến việc thất nghiệp sinh viên sau khi tốt nghiệp", PGS TS Đỗ Văn Dũng cho biết.


PGS TS Đỗ Văn Dũng cũng khẳng định, không phải trường đại học, cao đẳng nào cũng đủ nhân lực để có thể xây dựng và triển khai chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Ngay cả những trường đại học tốt cũng không thể đảm bảo đáp ứng được nhu cầu xã hội 100%. Vì vậy vấn đề này là tất yếu và bình thường giống như một lớp sinh viên đại học, dù là đã đạt chuẩn đầu vào, nhưng sau 4 năm học thì có em học vượt, có em học xuất sắc, có em học khá và có em không thể ra trường.


PGS TS Nguyễn Văn Dũng khẳng định, cơ sở đào tạo phải tự chịu trách nhiệm với người học về việc đảm bảo việc đào tạo người học đáp ứng nhu cầu xã hội. Mà cụ thể nhất là Hiệu trưởng nhà trường. Nếu trong kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này, trường đại học cần có các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới các hình thức đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho từng cá nhân học tập theo kế hoạch riêng, đưa người học vào môi trường của doanh nghiệp, tạo môi trường để người học phát triển năng lực bản thân và phát triển cái “khác biệt” của họ.


Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết,trong báo cáo điều tra lao động việc làm Quý 1 năm 2016 của Tổng cục thống kê, Bộ kế hoạch đầu tư, cả nước có 1.12 triệu người lao động trong độ tuổi lao động từ 15 tuổi trở lên bị thất nghiệp trong tổng số 54.4 triệu người thuộc lực lượng lao động, chiếm tỷ lệ 2.25%, chiếm 2.05% tỷ lên ở dân số 15+. Trong đó số lao động thất nghiệp này có 38,7% (khoảng 431 nghìn) là số lao động đã qua đào tạo chuyên nghiệp hoặc nghề từ 3 tháng trở lên.

Theo tỷ lệ phân bổ trong số lao động thât nghiệp có trình độ chuyên môn khoa học kỹ thuật này thì nhóm lao động có trình độ từ đại học trở lên chiếm thị phần lớn nhất, khoảng 44,7%. Tỷ lệ lao động có trình độ từ cao đẳng trở đến hơn 80%.

Bàn về thực trạng tỷ lệ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp hiện nay, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, không nên đổ lỗi cho ai về việc sinh viên ra trường thất nghiệp. Thực tế, có rất nhiều ý do sinh viên ra trường thất nghiệp, Havard cũng có sinh viên thất nghiệp vì người ta ra trường không chọn nghề mà mình đã học. Các trường đại học là nơi đào tạo thì phải phân tích rõ vấn đề này để sinh viên khởi nghiệp chứ không phải là thất nghiệp.

Từ nhận định này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trước hết bắt đầu từ công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Khi tuyển sinh đầu vào thì chúng ta phải nghiên cứu dự báo 3,4 năm sau khi sinh viên tốt nghiệp ra trường và những ngành nghề nào cần nhân lực lớn.

Nhưng việc đầu tư cho nghiên cứu dự báo còn hạn chế nên dẫn tới nhiều ngành rất có triển vọng, nhu cầu thị trường rất lớn nhưng đào tạo lại không đáp ứng được. Trong khi đó có những ngành đào tạo thừa. Do đó, cần có giải pháp chuyển giao công nghệ, thậm chí thuê cả giảng viên nước ngoài để đổi mới chương trình học hiện đại.

Lê Vân