06:16 28/06/2018

Agribank và "hành trình" sẻ chia với đồng bào vũng lũ

Những ngày qua, mưa lũ đã làm một số tỉnh vùng núi cao phía Bắc chìm trong mưa lũ. Người chết, nhà đổ, hoa màu bị nhấn chìm, gia súc gia cầm bị dòng nước cuốn trôi... Trong khó khăn hoạn nạn, tinh thần “tương thân tương ái” của người Việt lại được phát huy cao độ. Và Agribank đã nhanh chóng hành trình tiếp sức sẻ chia với đồng bào vùng lũ.

Hành trình của những trái tim


Trời vẫn mưa to, còn nhiều nguy hiểm nhưng Agribank đã khẩn trương tiến hành để lên đường. Đoàn công tác đi đến Quản Bạ lúc 7h20, ngày 27 tháng 6, ở km 43 - QL4C, đoạn thuộc thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ), cả một vạt núi đá bên ta luy đường bỗng đổ ập xuống. Chiếc xe phải “án binh” nơi cổng trời Quản Bạ và mọi người phải men theo ta luy âm vượt qua điểm sạt lở trên.

Agribank Quản Bạ và đại diện Báo CAND, Công an tỉnh Hà Giang thăm hỏi, chia sẻ tới gia đình anh Lò Chính Cồ

Lùng Tám, một trong những xã bị thiệt hại nặng về người và tài sản sau khi lũ tràn về. Toàn xã có 7 thôn, với 859 hộ, hơn 4.000 nhân khẩu. Dân tộc Mông chiếm hơn 90%. Cuộc sống của bà con nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp (trồng lúa, làm nương ngô…). Tỷ lệ hộ nghèo còn cao.


Từ đêm 22-6, mưa bắt đầu xuất hiện và ngày một nặng hạt hơn. Mưa lớn kéo dài kèm theo gió lốc dẫn đến sạt lở đất ở một số vị trí làm 2 người chết và 11 căn nhà ở đây bị cuốn trôi. Khu dân cư với gần chục hộ dân của bà con người Mông sinh sống hàng chục năm nay giờ đã trở thành “cánh đồng” đất. Nhiều ngôi nhà giờ chỉ còn trơ nền. Vách gỗ, xoong nồi, sách vở… nằm ngổn ngang xen lẫn đất, đá.


Anh Lò Chính Cồ (40 tuổi), đôi mắt thẫn thờ, chậm rãi bước trên đống đổ nát, dò dẫm tìm những kỷ vật còn sót lại của gia đình nơi đây. Lật tấm ván gỗ lên, anh Cồ mắt lưng tròng khi thấy 2 bức ảnh lưu niệm của gia đình. Anh Cồ đau đớn kể, khoảng 10h ngày 24-6, khi đang đi làm thuê, nhận được điện thoại của người thím họ báo: “Cái Lầu và Và mất rồi. Đất đá đè lên rồi… về ngay đi!”, anh rụng rời chân tay. Anh xin phép chủ cơ sở nghỉ, rồi tức tốc về nhà. Anh không muốn tin sự ra đi của người vợ, người con gái của mình là sự thật. Chỉ vào hình ảnh cô bé kháu khỉnh đứng bên cạnh chị Lầu trong bức hình chụp kỷ niệm vào dịp Tết Bính Thân – năm 2016, anh Cồ bảo: “Cái Và nhà mình đấy! Và nó kháu lắm…”. Thiên tai thật ác nghiệt. Nó xuất hiện trong chớp nhoáng và để lại hậu quả thật khôn lường.


Hoàn cảnh của gia đình anh Giàng Mí Chá (32 tuổi) cũng thật đáng thương. Anh Chá thất thần trước những gì đã và đang ập đến gia cảnh mình. Anh tìm mãi mới thấy được chiếc búa – vật dụng còn sót lại trong đống đổ nát. Ngôi nhà cấp bốn mới được vợ chồng anh vay mượn tiền xây cất cách đây không lâu giờ đã không còn. Anh ngồi trên bậc đá, vốn là bậc thềm ngôi nhà, rồi đánh mắt nhìn vô vọng về phía dòng nước suối đang chảy tràn qua. Chúng tôi bất giác thấy thật thương cảm. Mọi thứ trong gia đình anh đã mất hết. Anh giờ sống trong cảnh “hai bàn tay trắng”.


Trước những mất mát của bà con thôn Tùng Nùn và Lùng Tám Thấp (xã Lùng Tám) đang gặp phải, đại diện Báo CAND và đại diện Agribank đã thăm hỏi, chia sẻ, đồng thời hỗ trợ gia đình anh Cồ 10 triệu đồng và 11 hộ gia đình bị cuốn trôi nhà, mỗi trường hợp 3 triệu đồng. Tại đây, thông qua đoàn công tác, ông Lại Thế Tỉnh, Giám đốc Agribank Phan Đình Phùng (TP Hồ Chí Minh) cũng đã hỗ trợ 10 triệu đồng tới gia đình anh Cồ.


Anh Trần Đình Tuấn, Trưởng phòng Tín Dụng – Agribank Quản Bạ chia sẻ trong thời gian qua, bên cạnh hoạt động kinh doanh, hỗ trợ, cho vay vốn, cán bộ, công nhân viên của ngân hàng luôn chú trọng các hoạt động an sinh xã hội. Nhiều chương trình thiện nguyện, chung sức cùng cộng đồng đã được triển khai có hiệu quả như: trao quà các gia đình chính sách, tặng học bổng học sinh nghèo vượt khó… Đáng chú ý, trong thời điểm hiện tại, trước những mất mát của bà con vùng lũ trên địa bàn, thực hiện ý kiến chỉ đạo của của Agribank tỉnh Hà Giang, Agribank chi nhánh huyện Quản Bạ đã chỉ đạo các bộ phận rút ngắn thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho các hộ dân bị thiệt hại do mưa lũ gây ra vay vốn, ổn định cuộc sống, sản xuất.


Tại huyện Quản Bạ, đoàn công tác của Agribank và báo Công an nhân dân cùng Công an huyện Quản Bạ cũng đã đến thăm hỏi và hỗ trợ số tiền 82 triệu tới các điểm trường, hộ gia đình có nhà bị cuốn trôi, thiệt hại nặng nề trên địa bàn các xã Cán Tỷ, Đông Hà, Thái An…với mong muốn bà con nơi đây sớm vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định cuộc sống. Tổng số tiền Agribank hỗ trợ bà con vùng lũ Hà Giang lên đến 200 triệu đồng.


Vẫn cần lắm những tấm lòng sẻ chia


Đêm 26-6, một ngôi làng ở huyện Sìn Hồ tiếp tục bị xóa sổ, rất may hơn 300 người đã được tỉnh Lai Châu vận động di dời đến địa điểm an toàn trong buổi chiều cùng ngày nên tránh được thương vong lớn.


Dọc theo đường đi vào huyện Tam Đường là khung cảnh tan hoang, những gương mặt thất thần đứng bên dòng suối, nỗi hoảng sợ vẫn còn đọng lại trong ánh mắt của họ khi nhớ tới cơn lũ bất ngờ ập đến trong đêm. Lòng suối bị hàng nghìn tấn đất đá vùi kín. Có tảng đá nặng cả tấn nằm giữa đường, lực lượng cứu hộ phải dùng máy khoan công phá cả nửa ngày giao thông mới thông suốt.


Nhìn lòng suối cuồn cuộn, đá lớn đá nhỏ lởm chởm, nước mắt của chị Vũ Thị Mai Phương (ở bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường) hòa lẫn với nước mưa, chị đau đớn nói: “Tôi ra đây để xem có thể tìm được anh ấy không”. Chồng chị Phương bị lũ cuốn mất tích đến nay đã 3 ngày nhưng chị vẫn hy vọng chồng mình còn sống. Chị bảo, chỉ hy vọng có một phép mầu, nếu không cũng phải tìm thấy xác. Nỗi đau quá lớn khiến người phụ nữ thất thần không biết phải đối mặt với tương lai ra sao


Mưa lũ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra đã biến nhiều vùng của Lai Châu chìm trong biển nước và lâm vào cô lập hoàn toàn, thiệt hại vô cùng lớn về người và tài sản. Rất may chiều 26-6 tỉnh Lai Châu đã tổ chức vận động được 27 hộ với hơn 300 người dân ở bản Sáng Tùng, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở thì ngay trong đêm đất đá gây lở núi đã xóa sổ cả bản, làm hư hỏng 24 ngôi nhà. Huyện Sìn Hồ còn 7 người mất tích, trong đó có 5 người ở 3 lán tại bản Nậm Há, xã Noong Hẻo bị lũ cuốn trôi, đến nay mới tìm được một thi thể. Hiện huyện này có 9 xã nằm trong nguy cơ sạt lở. Ngày 27-6, huyện tiếp tục di chuyển người dân ở bản Nậm Khăm ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.


Đến thời điểm này, giao thông cơ bản vẫn cô lập hoàn toàn, từ TP Lai Châu không đi đến được một số huyện, nhiều xã không có đường vào được.


Chia sẻ mất mát và đau thương với người dân vùng lũ Lai Châu, Báo CAND và Agribank trao 300 triệu đồng trong đó 150 triệu đồng trao trực tiếp cho thân nhân có người chết, bị thương, bị trôi mất nhà..


Đăng Giới - CTV