03:10 11/03/2019

Agribank luôn tiên phong đẩy lùi tín dụng đen

Ông Trịnh Ngọc Khánh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết như vậy trong Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen diễn ra tại Gia Lai trong ngày 08/3.

Hiện nay, tín dụng đen đang là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm và lo ngại vì nó làm hưởng không nhỏ đến đời sống của một bộ phận người dân. Bộ Công an, ngành Ngân hàng cùng các cấp các ngành đang có những giải pháp tích cực để hạn chế tín dụng đen. Ngành Ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi dễ bị ảnh hưởng bởi tín dụng đen.

Agribank với vai trò gắn bó với Tam nông (nông nghiệp, nông thôn và nông dân) trong 31 năm hình thành và phát triển luôn khẳng định vai trò chủ lực trong thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển lĩnh vực Tam nông. Đến nay, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt trên 1 triệu tỷ đồng, dư nợ hộ sản xuất và cá nhân đạt trên 700 nghìn tỷ đồng với gần 4 triệu khách hàng, tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn trên 70% và chiếm 50% tỷ trọng toàn ngành ngân hàng đầu tư lĩnh vự này, trong đó tập trung cho các ngành sản xuất, kinh doanh là 78%, tiêu dùng là 22%.

Chú thích ảnh
Xe ngân hàng lưu động của Agribank ở Hải Dương giúp người dân dễ dàng  tiếp cận dịch vụ của ngân hàng và đẩy lùi tín dụng đen

Trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên, Agribank đã triển khai mạng lưới giao dịch sâu rộng đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa với 137 chi nhánh và phòng giao dịch. Dư nợ cho vay đạt gần 86 nghìn tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay các ngành sản xuất, kinh doanh 83%, tiêu dùng 17%. So với các khu vực khác, khu vực Tây nguyên là khu vực có nguồn huy động đạt thấp, chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu vay vốn của khách hàng, hàng năm Agribank đều thực hiện điều chuyển nguồn gần 50.000 tỷ đồng tại các khu vực khác về khu vực Tây Nguyên nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân.

Ngoài việc thực hiện kinh doanh như các ngân hàng thương mại khác, Agribank còn thực hiện 07 chương trình tín dụng chính sách, 02 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Hàng năm Agribank chấp nhận giảm thu hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ giảm lãi suất cho các đối tượng khách hàng, đặc biệt là các khách hàng thuộc các chương trình chính sách. Bên cạnh đó, Agribank đã cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng và dịch vụ ngân hàng phù hợp với từng đối tượng khách hàng.

Agribank đã triển khai mạnh mẽ hình thức cho vay qua tổ nhóm để nguồn vốn ngân hàng đến được với đông đảo người dân. Agribank đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với các tổ chức hội, chính quyền địa phương nhằm hướng dẫn cho vay, giải ngân, thu nợ và chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, dư nợ cho vay qua tổ đạt trên 115 ngàn tỷ đồng với hơn 1,4 triệu tổ viên. Agribank đồng thời tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng bằng việc triển khai hình thức ngân hàng lưu động, mang đồng vốn đến người dân vùng sâu vùng xa. Đến nay, Agribank đã triển khai được 68 xe 65 chi nhánh trên địa bàn 59 tỉnh thành phố phục vụ gần 400 nghìn lượt khách hàng và thời gian tới dịch vụ ngân hàng lưu động sẽ tiếp tục được Agribank mở rộng thêm ở nhiều địa phương khác trên cả nước.

Không chỉ đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn, Agribank còn đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ tiêu dùng, đời sống. Đến nay, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống Agribank đạt gần 220 nghìn tỷ đồng với trên 1 triệu khách hàng, chiếm tỷ trọng 22% dư nợ cho vay. Trong đó riêng dư nợ cho vay tiêu dùng khu vực Tây Nguyên đạt gần 15.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21% dư nợ cho vay.

Ông Trịnh Ngọc Khánh cho biết thêm: “Thực hiện chỉ đạo của NHNN về triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp góp phần hạn chế tín dụng đen, Agribank đã ban hành chương trình tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình, với nhiều ưu đãi. Agribank đã thực hiện cho vay tại 43 tỉnh, thành phố với gần 6.000 lượt khách hàng vay vốn tiêu dùng, đời sống (số tiền vay không quá 30 triệu đồng), doanh số cho vay đạt gần 130 tỷ đồng. Trong đó tại khu vực Tây Nguyên Agribank đã cho vay gần 700 lượt khách hàng với doanh số cho vay hơn 10 tỷ đồng”.

Chú thích ảnh
Ông Trịnh Ngọc Khánh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng cho biết: “Ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng của người dân, góp phần cùng Bộ Công an và các Bộ, ngành, địa phương liên quan đấu tranh đẩy lùi tín dụng đen thông qua các giải pháp cụ thể như: Hoàn thiện khung khổ pháp lý nhằm đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng của các NHTM; Nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành chính sách mới về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo theo hướng mở rộng đối tượng cho vay, hạn chế các hộ dân tìm đến nguồn tín dụng đen; đảm bảo hoạt động ngân hàng đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương và nhu cầu tiêu dùng của người dân; Phối hợp với các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin về chủ trương của Đảng, Nhà nước, quy định của ngành ngân hàng về các chương trình chính sách tín dụng, cách thức tiếp cận vốn vay; đồng thời cảnh báo các thủ đoạn của các đối tượng, tổ chức cho vay nặng lãi cũng như những hệ lụy nặng nề mà tín dụng đen gây ra...”,

Với những quyết tâm mạnh mẽ của lãnh đạo Agribank, Ngân hàng này đang cùng ngành Ngân hàng đã vào cuộc mạnh mẽ để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen, qua đó giúp người dân hiểu, nhận diện và dần bài trừ nạn tín dụng đen.

Đăng Giới