09:14 18/09/2017

Agribank kiến nghị sửa đổi Nghị định 67 cho phù hợp hơn

Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 (NĐ 67) về một số chính sách phát triển thủy sản là một trong những chính sách quan trọng trong Chiến lược biển của Việt Nam đến năm 2020.

Từ thực hiện Nghị định này, trên cả nước đã hình thành nên những đội tàu công suất lớn hiện đại hoạt động đánh bắt xa bờ, góp phần tích cực phát triển kinh tế biển và giữ vững chủ quyền biển đảo. 


Nhiều vướng mắc phát sinh từ thực tế triển khai


Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện, nghị định này cũng đã bộc lộ những bất cập, tồn tại, vướng mắc cần được kịp thời tháo gỡ để chính sách phát triển thủy sản thực sự đi vào cuộc sống, tiếp tục hỗ trợ tích cực đối với ngư dân, chủ thể quá trình phát triển kinh tế biển.

Nguồn vốn Agribank góp phần hình thành những đội tàu công suất lớn, hiện đại đánh bắt xa bờ, góp phần tích cực phát triển kinh tế biển và giữ vững chủ quyền biển đảo.

Đến nay, theo báo cáo của các địa phương có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 tàu. Trong đó, đóng mới 1.510, đạt 66,11% (tàu vỏ thép và vật liệu mới là 768 tàu, chiếm 51%; tàu vỏ gỗ là 742 tàu, chiếm 49%). Số tàu cá phân theo nhóm nghề: tàu làm nghề câu 85 chiếc, nghề lưới rê 420 chiếc; nghề lưới vây 427 chiếc; nghề lưới chụp 341 chiếc và tàu dịch vụ hậu cần là 237 chiếc; số tàu nâng cấp là 438 tàu.


Đến 31/7/2017, cả nước đã có 761 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động, trong đó có 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động sản xuất. Về giải ngân nguồn vốn vay đóng mới, nâng cấp tàu: Tính đến ngày 15/7/2017, các NHTM đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 1.005 tàu (880 tàu đóng mới và 125 tàu nâng cấp), số tiền cam kết cho vay là 9.931 tỷ đồng; giải ngân cho vay được 9.012 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.838 tỷ đồng, tăng 15,2% so với 31/12/2016. Ngoài ra, các NHTM cũng đã thực hiện giải ngân cho 267 lượt khách hàng với tổng số tiền trên 110 tỷ đồng. Hiện có 78 khách hàng còn dư nợ với số tiền gần 31 tỷ đồng.


Trong số các Tổ chức tín dụng, Agribank là NHTM hiện đang chiếm gần 50% tổng dư nợ cho vay đầu tư phục vụ chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Đến 31/7/2017, Agribank đã triển khai cho vay trên địa bàn 26 tỉnh ven biển với 32 chi nhánh “vào cuộc”. Tổng số vốn cam kết cho vay theo các hợp đồng tín dụng đã ký theo Nghị định 67 là 4.605 tỷ đồng, dư nợ hiện tại là 3.883 tỷ đồng. Số lượng khách hàng vay vốn là 554 khách hàng, trong đó có 510 khách hàng vay vốn đóng mới và nâng cấp tàu. Trong đó, đóng mới 422 tàu (90 tàu hậu cần, 332 tàu tàu khai thác) và nâng cấp 88 tàu. Về công suất tàu, có 228 tàu công suất máy chính từ 400-800CV và 282 tàu công suất máy chính trên 800CV. Về chất liệu, có 119 tàu vỏ thép, 346 tàu vỏ gỗ và 44 tàu vỏ composite. Tổng số 510 tàu được đóng mới và nâng cấp do Agribank đầu tư vốn chiếm 50,74% số lượng tàu đã được các NHTM phê duyệt và ký hợp đồng cấp tín dụng là 1.005 tàu trên toàn quốc.


Có thể khẳng định rằng, NĐ67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước mang tính đột phá, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cơ cấu ngành thủy sản, phát triển bền vững... Tuy nhiên, từ thực tế triển khai phát sinh khá nhiều vướng mắc liên quan đến toàn bộ các khâu và các bên trực tiếp tham gia, nhất là trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ liên quan.


Qua thống kê, hiện có 92,2% khách hàng vay vốn tại Agribank theo NĐ67 là hộ gia đình và cá nhân, tỷ lệ khách hàng là doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác rất ít. Thực tế cho thấy, khách hàng vay vốn chưa có kinh nghiệm trong việc lập hồ sơ vay vốn, lập phương án kinh doanh hoặc chứng minh được khả năng tài chính, nguồn nhân lực chưa đạt trình độ quản lý và vận hành trang thiết bị hiện đại khi chuyển đổi từ phương thức đánh bắt truyền thống sang hiện đại. Do lần đầu triển khai đóng tàu vỏ thép nên nhiều ngư dân còn lúng túng, gặp khó khăn trong việc chọn cơ sở đóng tàu, tư vấn thiết kế và công tác giám sát thi công bởi ở nhiều địa phương thiếu các cơ sở đóng tàu cá hoặc các cơ sở đóng tàu chưa đủ điều kiện để đóng mới và cải hoán tàu cá cỡ lớn…


Đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thời gian thẩm định, phê duyệt dự án của ngân hàng bị kéo dài và bị động. Bên cạnh đó, nhận thức của một số ngư dân cho rằng chương trình vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 là chính sách tài trợ không hoàn lại của Chính phủ, do đó không chú trọng tính hiệu quả của phương án mà tìm mọi cách vay vốn theo chương trình này… dẫn đến nguy cơ của vấn đề an toàn vốn. Đó là những rào cản lớn đối với các ngân hàng, vì nguyên tắc đầu tiên trong hoạt động cho vay là phải đảm bảo khả năng thu hồi vốn.


Một số vướng mắc khác liên quan như, ở nhiều địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng chưa được triển khai dẫn đến cảng cá chưa phù hợp với việc neo đậu các con tàu lớn. Công tác đăng kiểm còn thiếu về nguồn lực, yếu về trình độ. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm “tàu 67” vẫn còn bất cập gây khó khăn cho ngư dân và rủi ro cho TCTD…


Những vướng mắc nêu trên về cơ chế chính sách lẫn quá trình tổ chức triển khai nếu không được kịp thời tháo gỡ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quá trình thực hiện Chính sách phát triển thủy sản, vốn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thực hiện Chiến lược biển của Việt Nam.


Xem xét sửa đổi, bổ sung NĐ67 cho phù hợp hơn với tình hình thực tế


Để tạo ra những đột phá mạnh mẽ hơn giúp “tàu 67” tiếp tục vững vàng vươn khơi, để ngày càng có nhiều hơn ngư dân cả nước tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay theo NĐ 67 hiệu quả, nhiều chuyên gia kinh tế đã đề xuất sửa đổi NĐ 67 cho phù hợp hơn với tình hình thực tế triển khai.


Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách hỗ trợ đóng mới, nâng cấp tàu cá nên chuyển từ chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng đóng mới tàu cá sang chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá theo hình thức hỗ trợ một lần sau đầu tư theo Quyết định 47/2016/QĐ-TTg. Chính phủ cần sớm xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung NĐ 67 quy định thêm một số vấn đề như: Hỗ trợ chi phí giám sát đóng tàu để chủ tàu thuê tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm giám sát quá trình đóng tàu đảm bảo chất lượng; hỗ trợ về đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 trở lên cho tàu cá đóng mới theo NĐ 67; Quy định cơ chế xử lý đối với các trường hợp bất khả kháng. Nên xem xét cho nhiều DN bảo hiểm tham gia chính sách bảo hiểm tàu cá theo NĐ 67, để ngư dân có nhiều lựa chọn cho DN tham gia bảo hiểm...


Với tư cách là NHTM hiện chiếm gần 50% tổng dư nợ cho vay đầu tư phục vụ Chính sách phát triển Thủy sản theo Nghị định 67, từ thực tế triển khai cho vay “tàu 67” với những vướng mắc gặp phải, Agribank mong muốn nhận được sự chia sẻ của các địa phương, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để có được sự phối hợp chặt chẽ, đồng thuận trong chính sách, đặc biệt là đảm bảo sự minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện.


Để chính sách đạt được mục tiêu như kỳ vọng, Agribank đề xuất, kiến nghị áp dụng chính sách ưu đãi có chọn lọc, ưu tiên mô hình nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản tương tự mô hình sản xuất Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; áp dụng chính sách hỗ trợ sau đầu tư như dự thảo sửa đổi Nghị định 67. Cụ thể, chủ tàu là phải thành viên của tổ đội, hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá, doanh nghiệp khai thác thủy sản; tàu phải được lắp đặt máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp thiết bị vệ tinh (GPS) kết nối được trạm bờ. Không khuyến khích đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu cá theo mô hình tổ chức sản xuất cá nhân nhỏ lẻ do chất lượng nguồn nhân lực không đảm bảo, năng lực quản lý, vận hành khai thác, năng lực tài chính có nhiều hạn chế, không tạo được tính gắn kết giữa các tàu đánh bắt ở ngoài khơi vì mục tiêu phát triển kinh tế gắn với nhiệm vụ quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo.


Agribank cũng kiến nghị duy trì chính sách bảo hiểm đối với con tàu tương ứng với thời gian vay vốn theo quy định tại NĐ67 (11 năm đối với tàu vỏ gỗ hoặc tàu được nâng cấp; 16 năm đối với tàu vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới được đóng mới); đồng thời, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, chỉ đạo triển khai tích cực, đồng bộ trong đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật vận hành thiết bị…đồng thời cần có chính sách đủ mạnh để khuyến khích và thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hải sản nhằm bảo đảm ổn định đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm…


Nghị định 67 là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Với vai trò là tổ chức tín dụng chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn và là “mắt xích” quan trọng trong triển khai chính sách phát triển thủy sản, Agribank mong muốn những vướng mắc sớm được tháo gỡ để chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến gần hơn với ngư dân cả nước, góp phần thúc đẩy kinh tế biển ngày càng phát triển.

Đăng Giới/Báo Tin Tức