05:12 07/05/2018

Agribank góp phần phát triển kinh tế khu vực Tây Nguyên

Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, cùng đoàn cán bộ của trụ sở chính đã đến thăm và làm việc tại 3 chi nhánh của 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum.

Trong chuyến công tác lần này, nằm trong chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14, Agribank và các chi nhánh cũng đã vinh dự đón tiếp đồng chí Dương Quốc Anh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đến thăm, nghe báo cáo tình hình hoạt động của hệ thống Agribank nói chung và 3 chi nhánh của 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum nói riêng.

Ông Trịnh Ngọc Khánh – Chủ tịch HĐTV Agribank (thứ 2 từ trái qua) cùng đoàn cán bộ khảo sát mô hình kinh tế của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Gia Lai và Kon Tum có cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, nông thôn với tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp chiếm khá cao; cơ cấu dân số với gần 70% dân số ở vùng nông thôn, gần ½ dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số. Các tỉnh Tây Nguyên vẫn đang trong giai đoạn phát triển, tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm ở mức khá cao. Thế mạnh của khu vực Tây Nguyên và 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum nói riêng là phát triển cây công nghiệp dài ngày, có giá trị kinh tế cao và xuất khẩu. Nguồn tài nguyên đất đai khá dồi dào trên cơ sở diện tích rộng và đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu phù hợp cho việc phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, tiêu, điều, mía, ngô, sắn… Ngoài ra, với diện tích rộng, đồi núi và thung lũng đan xen cũng tạo nên thuận lợi cho việc phát triển ngành chăn nuôi gia súc lớn như trâu, bò, dê…


Một mũi nhọn kinh tế nữa của các tỉnh Tây Nguyên là phát triển ngành công nghiệp thủy điện trên cơ sở sông, suối nhiều nên tiềm năng thủy điện rất lớn. Chẳng hạn như ở Gia Lai, với trữ năng khoảng 10 tỷ KW, có 44 công trình thủy điện (8 công trình thủy điện lớn, 36 công trình vừa và nhỏ) đã đưa vào sản xuất với tổng công suất 2.291 MW.


Các chi nhánh Agribank ở Gia Lai và Kon Tum hoat động trong bối cảnh thuận lợi, nền kinh tế vĩ mô ổn định, cơ chế, quy chế có liên quan đến hoạt động ngân hàng ngày càng hoàn thiện đồng bộ; kinh tế địa phương đang trên đà phát triển khá, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện. Các chi nhánh này đều có mạng lưới giao dịch rộng khắp, trụ sở sẵn có ở khu vực nông thôn, có lợi thế hơn các NHTM khác. Hoạt động kinh doanh ở khu vực nông thôn ít chịu sự cạnh tranh ở khu vực đô thị. Một thuận lợi vô cùng quan trọng nữa là các chi nhánh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Uy tín và thương hiệu của Agribank ngày càng được nâng lên do đặc thù là NHTM Nhà nước và sự phát triển của Agribank trong những năm gần đây.


Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi cơ bản, hoạt động của các chi nhánh cũng gặp không ít khó khăn, đó là: Đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vốn dĩ chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, phụ thuộc về giá cả, “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, phụ thuộc vào sức tiêu thụ của thị trường trong nước và thế giới... Khó khăn nổi lên trong 2 năm gần đây đó là hầu hết các cây công nghiệp dài ngày đều ở cuối chu kỳ kinh doanh, đã già cỗi, năng suất thấp đang cần tái canh trở lại. Trong đó, cây hồ tiêu bị dịch bệnh chết nhiều, giá hồ tiêu giảm mạnh 2 năm nay, giá cà phê sụt giảm những tháng cuối năm 2017 cho đến nay chưa có dấu hiệu phục hồi… Số ít các hộ gia đình cũng đã bỏ vườn tược, nhà cửa đi khỏi địa phương, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc thu hồi nợ vay. 


Khó khăn nữa trong hoạt động ngân hàng, đó là bình quân dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của cả 3 chi nhánh khoảng 90% tổng dư nợ, do đó những khó khăn bất lợi nêu trên đã và đang tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp và không nhỏ đế hoạt động kinh doanh của các chi nhánh.  Tình hình cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng quyết liệt cộng với quá tải trong lao động của cán bộ ngân hàng, do tốc độ tăng trưởng kinh doanh và tăng trưởng các dịch vụ mới phát sinh… một cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều việc, quản lý nhiều khách hàng, địa bàn hoạt động xa xôi, giao thông khó khăn vất vả khi mùa mưa đến… Dù vậy, kết quả hoạt động kinh doanh của 3 chi nhánh vẫn tiếp tục ổn định và phát triển, tổng dư nợ của 3 chi nhánh trong 4 tháng đầu năm đạt gần 27 ngàn tỷ đồng; riêng thu dịch vụ, chi nhánh Gia Lai và Đông Gia Lai có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Đến tháng 4/2018, mỗi chi nhánh có số thu dịch vụ đạt 10 tỷ đồng trở lên.


Chia sẻ với những khó khăn và chỉ đạo các chi nhánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Trịnh Ngọc Khánh đã chỉ đạo với hoạt động của các chi nhánh về một số vấn đề trong mục tiêu hoạt động kinh doanh: Đối với đầu tư tín dụng hộ sản xuất, cần nghiên cứu mức đầu tư cho phù hợp, tiết giảm tối đa chi phí. Cho vay doanh nghiệp cần xác định giá trị đầu vào, quản lý khoản vay, dòng tiền thật tốt. Chính sách tín dụng phải nhất quán, Ban tín dụng phải có chính sách tổng thể, cùng với chi nhánh đồng hành cùng khách hàng, giúp chi nhánh tháo gỡ khó khăn; sắp xếp lại mạng lưới hoạt động cho phù hợp; cần chú trọng công tác đào tạo lại cán bộ ở tất cả các mảng hoạt động nghiệp vụ, sắp xếp lao động hợp lý theo hướng làm tăng năng suất lao động; đẩy mạnh công tác phát triển sản phẩm dịch vụ, tăng thu từ sản phẩm dịch vụ, đây là hướng đi chiến lược trong tương lai… Các chi nhánh cần xây dựng cơ chế khoán đến người lao động, tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát, tăng cường công tác đào tạo dưới nhiều hình thức.


Đánh giá về hoạt động của Agribank ở khu vực Gia Lai và Kon Tum, đồng chí Dương Quốc Anh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội nhận xét: “Trong những năm gần đây, Agribank đã có những bước phát triển ổn định, vững chắc, khẳng định vai trò của Agribank đối với nền kinh tế đất nước nói chung và khu vực kinh tế Tây Nguyên nói riêng. Việt Nam sẽ hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế toàn cầu, vì vậy Agribank cần có tầm nhìn chiến lược, hoạch định hoạt động trong tương lai sát với các vấn đề mà xu hướng đang đòi hỏi, nhằm xây dựng một Agribank phát triển hiệu quả và vững chắc trong tương lai”.


Đăng Giới/Báo Tin tức