03:07 30/03/2023

AFP phản ánh về tâm huyết của người nông dân Việt Nam với cà phê robusta

Một nhóm nông dân Việt Nam đang nỗ lực lan tỏa hương vị của cà phê robusta trong bối cảnh tình trạng ấm lên toàn cầu đang đe dọa ngành công nghiệp trồng cà phê.

Chú thích ảnh
Việt Nam là nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới. Ảnh: AFP

Cà phê robusta có hàm lượng caffein gần gấp đôi arabica. Loại cà phê này được sử dụng trong hầu hết các loại cà phê hòa tan.

Robusta có lợi thế hơn đối thủ arabica là sản lượng cao hơn và đối phó tốt hơn với nhiệt độ cao. Biến đổi khí hậu là mối lo ngại đối với ngành cà phê trị giá hàng tỷ USD. Các nhà khoa học dự đoán tình trạng này sẽ khiến cà phê có sản lượng thấp hơn và giảm diện tích thích hợp để trồng cà phê.

Arabica, chiếm khoảng 60% sản lượng cà phê của thế giới, có nguồn gốc ở vùng cao nguyên của Ethiopia và Nam Sudan. Cây cà phê arabica thích hợp với nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 19 độ C. Robusta trong khi đó có thể chịu được nhiệt độ lên tới khoảng 23 độ C.

Nguồn cung arabica sụt giảm do thời tiết khắc nghiệt ở Brazil đã giúp xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 4 tỷ USD vào năm 2022, tăng 32% so với một năm trước đó.

Robusta lần đầu được người Pháp mang đến Việt Nam vào cuối thế kỷ 19. Năm 1991, Việt Nam lần đầu xuất khẩu hạt cà phê với 104.000 tấn. Đến năm 2022, con số đó đã tăng lên 1,8 triệu tấn khiến Việt Nam trở thành nhà sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới và là nước sản xuất cà phê lớn thứ hai nói chung, sau Brazil.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo AFP)