10:20 19/10/2018

ADMM 12: Nhật-Trung nỗ lực xây dựng lòng tin

Ngày 19/10, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa đã có cuộc gặp chính thức lần đầu tiên trong gần 3 năm qua, trong bối cảnh hai nước đang tìm cách tận dụng một cơ chế liên lạc song phương để phòng ngừa nguy cơ đụng độ trên biển và trên không.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mở rộng tại Singapore ngày 19/10/2018. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Phát biểu tại cuộc đối thoại song phương bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 5 đang diễn ra ở Singapore, Bộ trưởng Iwaya nhấn mạnh: "Các hoạt động trao đổi quốc phòng đóng vai trò rất quan trọng dựa trên sự hiểu biết chung và xây dựng lòng tin. Tôi muốn tận dụng cơ hội này để mở đường cho sự cải thiện toàn diện hoạt động trao đổi quốc phòng song phương".

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nhật Bản mong muốn nhận được sự hợp tác từ phía Trung Quốc trong việc thiết lập một đường dây nóng, từ đó tạo điều kiện liên lạc trực tiếp giữa giới chức quốc phòng hai nước.

Cuộc hội đàm trên, lần đầu tiên diễn ra kể từ tháng 11/2015, được xem là dấu hiệu mới nhất cho thấy quan hệ giữa hai cường quốc Nhật Bản và Trung Quốc có chiều hướng cải thiện. Cuộc hội đàm này diễn ra một tuần trước khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến có cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở thủ đô Bắc Kinh.

Sau nhiều năm căng thẳng liên quan tới tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo mà Nhật Bản gọi là

Senkaku trong khi Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông và các vấn đề thời chiến, hồi tháng 6 vừa qua, hai nước đã triển khai một cơ chế liên lạc giữa quan chức quốc phòng của nhau nhằm ngăn chặn những vụ đụng độ bất ngờ trên biển và trên không.

Việc thiết lập "Cơ chế liên lạc đường biển và đường không" là vấn đề bị trì hoãn từ rất lâu, với kế hoạch ban đầu được hai bên nhất trí từ năm 2007. Tuy nhiên, cho đến tháng 5 vừa qua, Tokyo và Bắc Kinh mới đạt được một thỏa thuận khi căng thẳng trong quan hệ song phương do ảnh hưởng từ những tranh cãi liên quan đến vấn đề lịch sử và lãnh thổ phần nào được giải quyết. Tuy nhiên, thỏa thuận này không bao gồm vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. 

Senkaku là nhóm đảo nhỏ nằm cách đảo chính của tỉnh Okinawa (Nhật Bản) khoảng 400 km về phía Tây, hiện do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và thường xuyên đưa tàu hoặc máy bay đến vùng biển này.

Minh Châu (TTXVN)