09:12 26/09/2017

ADB nhận định kinh tế Việt Nam tiếp tục khả quan

Báo cáo cập nhật và triển vọng kinh tế Việt Nam 2017-2018 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố sáng nay 26/9 tại Hà Nội cho thấy nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt kết quả khả quan dù có yếu bất lợi là sản lượng khai khoáng và dầu thô sụt giảm.

Do sự sụt giảm 8% sản lượng khai khoáng và dầu thô trong nửa đầu năm nay, báo cáo này dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017 được điều chỉnh giảm xuống 6,3% và 6,5% trong năm 2018. Nếu sản lượng khai khoáng và khai thác dầu phục hồi trong thời gian từ 6-12 tháng tới tốc độ tăng trưởng có thể vượt mức dự báo này.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho rằng nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt kết quả khả quan do được thúc đẩy bởi hai động lực là sản xuất định hướng xuất khẩu và tăng tiêu dùng nội địa. 

“Công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng trưởng 10,5% trong nửa đầu năm do các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài đẩy mạnh sản xuất. Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng nhờ sự gia tăng hoạt động bán lẻ, mở rộng cho vay của ngân hàng và lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh đến 30%”, ông Eric Sidgwick khẳng định.

Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam (giữa) Eric Sidgwick trả lời báo chí tại buổi họp báo công bố báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế Việt Nam. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

ADB cũng dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được kỳ vọng nâng lên trong những tháng cuối năm, nhờ sự gia tăng hơn nữa vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu, đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn chi tiêu đầu tư cơ bản cho các chương trình cơ sở hạ tầng quốc gia….

Ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế quốc gia của ADB tại Việt Nam cũng cho rằng, dự kiến tăng trưởng kinh tế quý 3 của Việt Nam có thể đạt được 7,12% như dự kiến để đạt được GDP cả năm là 6,3%. 

Tuy nhiên, trong báo cáo này ADB cũng cho rằng, mặc dù nền kinh tế Việt Nam vận hành tương đối tốt trong bối cảnh có nhiều thách thức, song vẫn còn một số vấn đề cần được giải quyết để bảo đảm tăng trưởng bền vững.

Cụ thể, việc để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngân hàng bằng việc hạ lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục (hiện trung bình lãi suất cho vay dưới 10%, giảm từ mức 20% năm 2012) có thể làm gia tăng rủi ro trong lĩnh vực tài chính, nhất là khi khối lượng lớn các khoản nợ xấu còn tồn đọng. 

Viêc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhưng cũng có thể gây rủi ro gia tăng lạm phát. Hiện lạm phát cơ bản đã tăng mạnh, đạt mức 7% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 8/2017. 

ADB dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2017 là 4,5% và tiếp tục tăng lên 5,5% trong năm 2018. 

Xuân Phong/Báo Tin Tức