06:08 15/06/2012

Áchentina tố cáo Anh làm ngơ nghị quyết của LHQ

Phát biểu tại Ủy ban đặc biệt của LHQ về phi thực dân hóa ngày 14/6, Tổng thống Áchentina Cristina Fernández tố cáo Anh làm ngơ có hệ thống các nghị quyết của LHQ liên quan tới quần đảo Malvinas tranh chấp giữa hai nước, đồng thời yêu cầu Luân Đôn ngồi vào đàm phán.

Phát biểu tại Ủy ban đặc biệt của Liên hợp quốc (LHQ) về phi thực dân hóa ngày 14/6, Tổng thống Áchentina Cristina Fernández tố cáo Anh làm ngơ có hệ thống các nghị quyết của LHQ liên quan tới quần đảo Malvinas tranh chấp giữa hai nước, đồng thời yêu cầu Luân Đôn ngồi vào đàm phán về chủ quyền của quần đảo.

Tổng thống Áchentina nhấn mạnh trên thế giới vẫn còn 16 trường hợp thuộc địa, trong đó 10 là những lãnh thổ do Anh chiếm giữ, trong đó có Malvinas. Cho đến nay, Đại hội đồng LHQ và Ủy ban đặc biệt của LHQ về phi thực dân hóa đã thông qua hơn 20 nghị quyết yêu cầu hai nước đàm phán nhưng Anh tiếp tục phớt lờ những văn kiện đó với lý do chỉ đàm phán nếu người dân tại quần đảo đề nghị.

Theo bà Cristina, Luân Đôn cần phải hành động “thông minh” vì trong trường hợp chấp nhận đàm phán có thể cho phép thiết lập quan hệ hợp tác có lợi cho Nam Mỹ và thế giới.

Tổng thống Cristina phát biểu tại Ủy ban phi thực dân hóa của LHQ (nguồn: Phủ tổng thống Argentina)

 

 

Tại phiên họp này, Ủy ban đã thông qua một nghị quyết mới do Chilê và một số quốc gia Mỹ Latinh khác đồng bảo trợ yêu cầu Anh đàm phán với Áchentina về chủ quyền quần đảo.

Malvinas nằm tại thềm lục địa của Áchentina và cách Anh khoảng 13.000 km. Với tổng diện tích vùng biển bao quanh có khả năng khai thác dầu khí lên tới 400.000 km2, Malvinas được các chuyên gia đánh giá là có tiềm năng dầu khí khổng lồ, thậm chí có thể sở hữu trữ lượng lên tới 60 tỷ thùng.  

Bà Cristina là tổng thống đầu tiên tham dự một phiên họp của Ủy ban và phiên họp bàn về chủ quyền Malvinas năm nay diễn ra đúng vào ngày kỷ niệm 30 năm kết thúc cuộc chiến giữa hai nước do tranh chấp quần đảo, với hơn 900 binh sĩ của hai nước thiệt mạng và sự đầu hàng của quân đội Áchentina dưới thời độc tài.

Trước đó, ngày 12/6, chính quyền tại Malvinas thông báo sẽ tổ chức trưng cầu ý dân vào năm tới để cư dân tại đây – phần lớn là người gốc Anh-  lựa chọn quy chế chính trị của quần đảo mà phía Anh đặt tên là Falkland.

Trong thời gian gần đây, Áchentina tăng cường đòi chủ quyền đối với Malvinas và đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nước Mỹ Latinh, trong đó một số nước cấm tầu mang cờ Malvinas cập cảng. Cho tới nay đã có 90 ủy ban và nhóm ủng hộ Áchentina trong cuộc đấu tranh đòi chủ quyền đối với Malvinas được thành lập tại hơn 70 quốc gia.

 

QS