01:06 15/01/2022

­­COVID-19 tới 6 giờ ngày 15/1: Mỹ dẫn đầu thế giới về ca mắc và tử vong mới; WHO cân nhắc bổ sung danh mục thuốc điều trị COVID-19

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 2.466.802 trường hợp mắc COVID-19 và 7.187 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 322 triệu ca, trong đó trên 5,54 triệu người không qua khỏi.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Cremona, Italy ngày 11/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 15/1 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19  trên toàn cầu đã lên tới 322.969.746 ca, trong đó có 5.545.762 người tử vong.

Tiến trình mở cửa trở lại tại nhiều nước đang đối mặt với thách thức mới, đi kèm nguy cơ dịch leo thang nghiêm trọng với sự xuất hiện và lây lan nhanh của biến thể Omicron. Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch COVID-19 đảo chiều, số ca mắc mới và tử vong tăng trở lại ở nhiều nơi.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong tiếp tục gây lo ngại và bất thường, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Âu khi dịch bệnh tái bùng phát, số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước thuộc châu lục này. Đây chính là tâm dịch hiện nay của thế giới. Hiện nay, biến thể Omicron đang là biến thể chiếm đa số ca mắc tại các điểm dịch nóng của thế giới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Medellin, Colombia. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 800.000 ca), Anh và Pháp cũng lần đầu tiên kể từ đầu dịch tới nay chứng kiến trên 200.000 ca/ngày, trong khi Mỹ cũng có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với xấp xỉ 2.000 ca.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 264.000.000 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 51 triệu ca và trên 96.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 14/1, thế giới có 114 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 96 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Trong bối cảnh có nhiều quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao chưa từng có, nhiều nước đã quyết định hủy sự kiện hoặc giới hạn hoạt động chào mừng Năm mới 2022, do lo ngại việc tụ tập đông người sẽ tạo cơ hội cho biến thể Omicron lây lan.

Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero COVID-19” sang “sống chung với COVID-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới Omicron đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước và khiến thế giới đối mặt với nguy cơ một “trận sóng thần” COVID-19 mới.

Chú thích ảnh
Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại Berlin, Đức ngày 12/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Đức, trong báo cáo tuần, Viện Robert Koch (RKI) cho biết biến thể Omicron đã trở thành biến thể chủ đạo ở nước này, khi gây ra 73,3% số ca mắc mới COVID-19 trên toàn quốc, so với 44,3% ghi nhận 7 ngày trước đó.

Theo RKI, biến thể Delta hiện chỉ gây ra 25,9% số ca mắc mới COVID-19 tại nước này. Viện trên cũng dự báo số ca nhiễm mới biến thể Omicron sẽ tiếp tục tăng mạnh. Trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận hơn 81.000 ca mắc mới - con số cao nhất kể từ khi dịch bùng phát - trong bối cảnh cơ quan quản lý khủng hoảng dịch COVID-19 của chính phủ nước này cảnh báo nguy cơ thiếu các bộ xét nghiệm.

Viện Y tế quốc gia (ISS) Italy cũng cho biết Omicron là “thủ phạm” gây nhiều ca bệnh mới nhất ở nước này. Theo kết quả khảo sát nhanh ngày 3/1, Omicron đã gây ra 81% ca nhiễm mới ở Italy, cao gần gấp 4 so với cuộc khảo sát trước đó vào ngày 20/12/2021.

Trong khi đó tại CH Séc, nhà virus học Evžen Bouřa của Viện Hóa sinh và hóa hữu cơ thuộc Viện Hàn lâm khoa học CH Séc, cho rằng người dân nước này khó tránh lây nhiễm biến thể Omicron vì biến thể này có thể sẽ xuất hiện trở lại vào mùa Thu tới do miễn dịch mà mọi người đạt được sẽ kéo dài chưa đầy một năm.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Oslo, Na Uy. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại Thụy Điển - nơi đang hứng chịu làn sóng lây nhiễm thứ 4 dịch COVID-19, chính phủ nước này thông báo Thủ tướng Magdalena Andersson có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Trong tháng này, nhiều lần Thụy Điển ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao nhất từ trước đến nay, gây áp lực đối với hệ thống y tế, buộc nhà chức trách phải tái áp đặt nhiều hạn chế. Theo cơ quan y tế Thụy Điển, mô hình dự báo cho thấy số ca mắc mới COVID-19, hiện đang ở mức khoảng 25.000 ca/ngày, có thể đạt đỉnh vào cuối tháng này, lên tới gần 70.000 ca/ngày.

Dịch COVID-19 cũng đang lan rộng trên khắp Nhật Bản, đặc biệt ở các đô thị lớn và các khu vực có căn cứ quân sự của Mỹ. Cụ thể, trong 24 giờ qua, số ca mắc mới ở nước này lần đầu tiên vượt ngưỡng 20.000 ca/ngày kể từ đầu tháng 9/2021. Đáng chú ý, thủ đô Tokyo ghi nhận tới 4.051 ca mắc mới - mức cao nhất kể từ ngày 27/8/2021. Điều này khiến số ca mắc mới trung bình ở Tokyo trong tuần (từ ngày 8-14/1) lên tới 1.950,4 ca/ngày, tăng gấp gần 6 lần so với một tuần trước đó.

Giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự gia tăng đột biến của các ca nhiễm mới ở Nhật Bản là do biến thể Omicron. Sự gia tăng đột biến của các ca nhiễm mới đang ảnh hưởng tới hệ thống y tế của nhiều khu vực. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định rút ngắn thời gian cách ly đối với các nhân viên y tế được xác định có tiếp xúc gần với những người nhiễm Omicron từ 14 ngày xuống còn 6 ngày.

Chú thích ảnh
Khách du lịch trên một đường phố ở Bangkok, Thái Lan, ngày 4/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 14/1, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 63.443 ca mắc mới COVID-19 và 281 ca tử vong. Tổng số ca bệnh ở khu vực này tới nay vượt 15.554.700 trường hợp và 309.669 ca tử vong.

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và nhất là Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác. Số ca tử vong và nhất là số ca mắc mới tăng vọt trong khu vực.

Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Lào và Việt Nam.

Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách nước ngoài, lùi kế hoạch mở cửa và tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch. Hiện đã có ít nhất 9 quốc gia ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho thiếu niên tại Shah Alam, bang Selangor, Malaysia ngày 20/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy tháng qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể.

Ngày 14/1, Philippines ghi nhận số ca bệnh mới tăng vọt và cao chưa từng thấy, dẫn đầu toàn khối với trên 37.000 ca bệnh. Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á với trên 16.000 ca mắc mới và 171 ca tử vong.

Trong khi đó, Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 14/1 ghi nhận thêm trên 8.000 ca bệnh mới và 15 người tử vong.

Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 10 bệnh nhân mới và không ghi nhận ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và đã mở cửa lại đất nước.

Trong khi đó, dịch bệnh tại Lào đang diễn biến khó lường, tổng số ca bệnh đã vượt 123.000, số ca mắc mới trên 1.000 ca mỗi ngày, số ca tử vong tại “xứ sở triệu voi” trong 24 giờ qua là 5 trường hợp.

Nhìn chung, toàn khối đang đối mặt với mối đe dọa Omicron, khiến số ca bệnh tăng mạnh, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/ TTXVN

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang nỗ lực bổ sung danh mục thuốc điều trị các bệnh nhân COVID-19, trong bối cảnh biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh chóng khiến nhiều loại thuốc điều trị dường như giảm hiệu quả.

Trong một phát biểu ngày 14/1, bà Janet Diaz – quan chức hàng đầu của WHO - cho biết cơ quan này đang đánh giá hiệu quả của loại thuốc viên kháng virus chứa hoạt chất molnupiravir do hãng dược phẩm Merck của Mỹ bào chế. Dự kiến, khuyến nghị về việc sử dụng loại thuốc này sẽ được WHO công bố sớm nhất là trong tháng tới.

Ngoài ra, theo bà Diaz, WHO cũng đang lên kế hoạch xem xét hiệu quả của thuốc kháng virus dạng uống do hãng Pfizer (Mỹ) bào chế, đồng thời dự kiến đưa ra khuyến nghị về loại thuốc này vào cuối tháng 2 tới. Trước đó, ngày 13/1, một hội đồng của WHO cũng đã khuyến nghị sử dụng thuốc kháng virus do hãng Eli Lilly sản xuất cùng thuốc do GlaxoSmithKline và công ty công nghệ sinh học Vir hợp tác bào chế để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Nhận xét về các loại thuốc kháng thể đơn dòng hiện nay, bà Diaz đánh giá một số loại cho thấy dường như hiệu quả của chúng đối với biến thể Omicron bị suy giảm. Tuy nhiên, bà khẳng định đây không phải là điều đáng lo ngại vì các loại thuốc kháng thể đa dòng điều trị cho bệnh nhân COVID-19 đến nay đã được sử dụng rộng rãi.

Chú thích ảnh
Thuốc điều trị COVID-19 Molnupiravir do hãng dược phẩm Merck của Mỹ bào chế. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Thanh Tuấn/Báo Tin tức