06:11 25/06/2011

95,72% thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm 2011

Thông tin từ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) thì tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2011 hệ THPT là 95,72% (tăng 3,15 so với năm ngoái), hệ giáo dục thường xuyên là 85,35% (tăng 18,64% so với năm 2010).

Không chấm lại bài thi tốt nghiệp của thí sinh 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long

Thông tin từ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) thì tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2011 hệ THPT là 95,72% (tăng 3,15 so với năm ngoái), hệ giáo dục thường xuyên là 85,35% (tăng 18,64% so với năm 2010). Trong đó tỉ lệ tốt nghiệp loại khá hệ THPT là 13,83% (năm 2010 là 10,2%), hệ giáo dục thường xuyên là 3,56%.

Trong thống kê mà các tỉnh báo cáo về Bộ GD - ĐT, cả nước có hơn 50 tỉnh, thành có tỷ lệ tốt nghiệp trên 90%. 8 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ tiếp tục có tỷ lệ tốt nghiệp bình quân cao nhất toàn quốc 99,52% (năm 2010 là 99,14%). Tỉnh Nam Định có tỷ lệ tốt nghiệp cao nhất nước đạt 99,89% ở hệ THPT và 100% ở hệ giáo dục thường xuyên. Đặc biệt, một số tỉnh miền núi năm nay có tỷ lệ tốt nghiệp cao như Tuyên Quang đạt tỉ lệ 99,76%, đứng thứ ba cả nước, Điện Biên có tỷ lệ đỗ đạt 95,65% (trong khi năm ngoái chỉ đứng thứ 63. Có tỷ lệ tốt nghiệp bình quân thấp nhất toàn quốc vẫn là các tỉnh Đông Nam bộ (90,73%) và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (90,81%).

Về hệ giáo dục thường xuyên, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của toàn quốc là 85,47% tăng 18,76% so với năm 2010. Tỷ lệ các bài thi đạt 5 điểm trở lên của các môn thi chỉ là 66,59%. Như vậy có tới gần 20% thí sinh hệ giáo dục thường xuyên đỗ tốt nghiệp do được cộng điểm ưu tiên. Các tỉnh đồng bằng Bắc bộ có tỷ lệ tốt nghiệp hệ giáo dục thường xuyên cao nhất toàn quốc 99,66% (năm 2010 là 96,26%). Các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tỷ lệ tốt nghiệp GDTX bình quân thấp nhất toàn quốc 67,26% (năm 2010 là 30,59%).

Thí sinh Hà Nội sau môn thi cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp THPT và GDTX năm học 2010 - 2011. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN


Lý giải về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng mạnh, Bộ GD - ĐT cho rằng: Kết quả này có được do phát huy kết quả của những năm học trước, ngay từ đầu năm học 2010 - 2011, Bộ GD - ĐT đã chỉ đạo việc dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng, quan tâm phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh khá giỏi, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá học sinh. Tỷ lệ tốt nghiệp hệ giáo dục thường xuyên năm 2011 khá cao, tăng 18,76% so với năm 2010 là do thí sinh được cộng điểm ưu tiên.

Bộ GD - ĐT cũng cho biết, việc 11 Hội đồng chấm thi các tỉnh ĐBSCL soạn thảo và cho lưu hành Hướng dẫn chấm thi các môn tự luận khác với Hướng dẫn chấm thi của Bộ là một khuyết điểm.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo, Trưởng ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2011 Nguyễn Vinh Hiển đã có công văn gửi UBND 11 tỉnh đồng bằng song Cửu Long, trong đó nêu rõ: Bộ GD - ĐT đã ban hành Hướng dẫn chấm thi và chỉ đạo thống nhất thực hiện trên toàn quốc, không cho phép các Hội đồng chấm thi tự xây dựng và sử dụng các Hướng dẫn chấm thi khác với Hướng dẫn chấm thi của Bộ. Theo đề nghị của đại diện các sở GD - ĐT các tỉnh/thành phố ĐBSCL, Bộ GD - ĐT đã cho phép tổ chức cuộc họp lãnh đạo các Hội đồng chấm thi của 11 tỉnh trong vùng để thảo luận “Hướng dẫn chấm và biểu điểm các môn thi tự luận”.

Đáng tiếc là lãnh đạo các Hội đồng chấm thi tham gia cuộc họp đã xây dựng văn bản Thống nhất hướng dẫn chấm thi các môn tự luận, khác với văn bản Hướng dẫn chấm thi của Bộ, và cho lưu hành văn bản này ở một số Hội đồng chấm thi trong vùng. Việc làm này là trái với Quy chế thi, không đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD - ĐT, đã gây ra sự lo lắng cho học sinh và gia đình, gây bức xúc trong xã hội. Đây là việc làm sai của một số lãnh đạo và cán bộ chấm thi của các Hội đồng chấm thi trong vùng. Bộ GD - ĐT đề nghị các đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố, theo thẩm quyền, chỉ đạo Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh và Giám đốc sở GD - ĐT tổ chức kiểm điểm, xử lý các tập thể, cá nhân có sai phạm và thông báo kết quả về Bộ GD-ĐT trước ngày 31/7/2011.

Tuy nhiên, xét thấy sai lầm trên không phải do các thí sinh gây nên, Bộ GD - ĐT vẫn công nhận kết quả chấm thi và xét tốt nghiệp của 11 sở GD - ĐT vùng ĐBSCL, không thực hiện việc chấm lại bài thi của thí sinh vì sẽ gây xáo trộn và ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh. Việc chấm lại có thể sẽ khiến nhiều thí sinh bị chậm xét tốt nghiệp THPT và không kịp tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Hoàng Hoa – Lê Vân