02:09 03/02/2023

93 năm Ngày thành lập Đảng: Đất Sen hồng bứt phá vươn lên

93 năm qua, Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp không ngừng lớn mạnh. Từ Chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập với 6 đảng viên, đến nay Đảng bộ tỉnh có hàng chục nghìn đảng viên.

Với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành quản lý của Nhà nước, sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của Đất Sen hồng ngày càng phát triển.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp trao Huy hiệu Đảng cho đảng viên tại Bia lưu niệm nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp. 

Bước ngoặt quan trọng

Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp (giai đoạn 1927 - 1954), cách đây hơn 90 năm, phong trào cách mạng Việt Nam nói chung và tại tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp) nói riêng có sự phát triển mạnh mẽ, với những hoạt động sôi nổi, nhiều tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên được thành lập. Tại Cao Lãnh, Tổ Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội Hòa An do đồng chí Phạm Hữu Lầu làm Tổ trưởng. Tháng 10/1929, đồng chí Phạm Hữu Lầu được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng, trở thành đảng viên cộng sản đầu tiên của tỉnh Sa Đéc.

Tháng 11/1929, Tổ Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội Hòa An được công nhận là Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng. Đây là Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Sa Đéc, là bước ngoặt, dấu mốc quan trọng của Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp. Lễ công nhận được tổ chức tại vườn Mù U, làng Hòa An (nay thuộc xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh), dưới sự chủ trì của đồng chí Ung Văn Khiêm. Chi bộ có 6 đảng viên, do đồng chí Phạm Hữu Lầu làm Bí thư. Từ tháng 2/1930, Chi bộ Hòa An thường được gọi là Chi bộ Cao Lãnh.

Sau khi Chi bộ Đảng đầu tiên của Đồng Tháp được thành lập tại Hòa An, ở các địa phương khác trong tỉnh lần lượt thành lập Chi bộ Đảng như: Chi bộ Lấp Vò, Chi bộ Phong Hòa, Chi bộ Long Thuận… Các chi bộ đã nhanh chóng tập hợp, tuyên truyền, giác ngộ nhiều quần chúng, thanh niên yêu nước tiến bộ và phát triển tổ chức cơ sở Đảng. Chi bộ đã tổ chức quán triệt Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng trong đảng viên. Tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên tích cực tập hợp, vận động, đoàn kết quần chúng vào các tổ chức cách mạng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Đồng Tháp một lòng yêu nước, yêu quê hương, đoàn kết, có tinh thần lao động cần cù, sáng tạo… luôn tin tưởng và hăng hái thực hiện theo chủ trương của Đảng. Nhiều phong trào đấu tranh cách mạng trong tỉnh diễn ra mạnh mẽ, rộng khắp, liên tục, góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, được sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Đồng Tháp đã lập nên nhiều chiến công, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hiện nay, Bia lưu niệm nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp đã được xây dựng trên địa bà xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh. Gần đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp tổ chức trao Huy hiệu Đảng tại Bia lưu niệm này cho 15 đảng viên cao tuổi. “Đây là lần đầu tiên trao Huy hiệu Đảng tại Bia lưu niệm nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp. Qua đó, nhằm giáo dục truyền thống lịch sử của Đảng bộ địa phương đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng nhấn mạnh.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng nếu có vi phạm, góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt, công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên luôn được chú trọng thực hiện theo hướng đảm bảo số lượng và chất lượng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho biết, năm 2022, Đảng bộ tỉnh kết nạp trên 2.400 đảng viên mới. Trải qua 93 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, từ Chi bộ Đảng đầu tiên với 6 đảng viên, đến nay toàn Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp có hơn 62.600 đảng viên đang sinh hoạt tại 561 tổ chức cơ sở Đảng, trong đó có 347 đảng bộ cơ sở, 214 chi bộ cơ sở.

Vượt sóng vươn xa

Hơn 90 năm qua, được sự lãnh đạo của Đảng, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp ngày càng khởi sắc. Vốn sinh ra, lớn lên và công tác tại xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh, đảng viên 55 tuổi đảng Lê Hoàng Vân cảm nhận rõ sự đổi thay của địa phương. “Quê hương phát triển rõ nét, Hòa An là một trong số ít các xã của tỉnh sớm đạt chuẩn nông thôn mới. Hệ thống điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế xây dựng đầy đủ. Qua theo dõi báo, đài, tôi vui mừng khi nhận thấy thành phố Cao Lãnh và tỉnh Đồng Tháp có bước tiến dài", đảng viên Lê Hoàng Vân chia sẻ.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Đồng Tháp luôn đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn, không ngừng đổi mới sáng tạo, tích cực phát huy tiềm năng, lợi thế để vươn lên phát triển và đạt kết quả tích cực trên nhiều mặt. Kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, đời sống nhân dân được nâng lên; Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp, nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phát huy hiệu quả.

Chương trình đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng mang lại kết quả tích cực, tạo sự lan tỏa rộng khắp. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh giữ vững. Công tác cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đẩy mạnh… tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và đồng thuận trong xã hội.

Chú thích ảnh
Cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền, nối thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tỉnh Đồng Tháp. 

Với thông điệp “Thích ứng nhanh nâng tầm vị thế, Đất Sen hồng vượt sóng vươn xa”, năm qua, cả hệ thống chính trị tỉnh Đồng Tháp nỗ lực đưa kinh tế - xã hội phục hồi sau đại dịch COVID-19. Đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, điều hành, khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế ấn tượng, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt hơn 9%.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho hay, năm 2022, tỉnh đạt nhiều thành tựu quan trọng, đáng tự hào. Đó là kinh tế tăng trưởng vượt bậc - cao nhất trong 10 năm qua. Kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục, quy mô nền kinh tế lần đầu tiên vượt mốc 100.000 tỷ đồng, khẳng định sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tỉnh đã tổ chức thành công nhiều lễ hội lớn, phát huy giá trị tài nguyên bản địa, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương.

Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên và thể hiện rõ nét từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2022, Đồng Tháp có 109/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. GRDP bình quân đầu người đạt trên 62 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là 2,17%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 92%. Đồng Tháp tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao thu hút sự tham gia đông đảo của người dân.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa với quyết tâm năm 2023 “Kinh tế xanh Sen hồng bứt phá. Chuyển đổi số Đồng Tháp tiên phong”. Từ định hướng phát triển kinh tế xanh, tiên phong trong sản xuất giảm phát thải, đa dạng và tuần hoàn, giá trị tài nguyên bản địa được nhân lên bằng sức mạnh tri thức, bằng việc đẩy nhanh tiến trình thay đổi tổng thể phương thức làm việc theo công nghệ số. Sắp tới, khi những tuyến đường giao thông huyết mạch xây dựng hoàn thành, kết nối hệ thống giao thông liên vùng sẽ tạo thêm sức bật mới để Đồng Tháp vươn mình phát triển.

Năm 2023, UBND tỉnh Đồng Tháp đề ra nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với 22 chỉ tiêu chủ yếu gồm: 6 chỉ tiêu về kinh tế, 12 chỉ tiêu về văn hóa - xã hội và 4 chỉ tiêu về môi trường. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 7,5%; GRDP/người đạt 68,83 triệu đồng; giá trị xuất khẩu hàng hóa 1.535 triệu USD; giảm ít nhất 0,4% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.

Bài và ảnh: Nhựt An (TTXVN)