10:18 19/10/2019

9 tháng năm 2019, nguồn thu từ đất đai đạt trên 87 nghìn tỷ đồng

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong 9 tháng năm 2019, Bộ đã chỉ đạo và xử lý trên 1.400 dự án chậm triển khai; chuyển dịch 24,5 nghìn ha đất cho phát triển sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp; nguồn thu từ đất đạt trên 87 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,5% thu ngân sách nội địa và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong 9 tháng qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đạt 9 nghìn tỷ đồng; phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền là gần 3,5 nghìn tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Trong 3 năm (2016 - 2018), tỉnh Kiên Giang đã tập trung gần 6.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế biển với nhiều dự án. Các dự án đã có bước phát triển khá toàn diện, chiếm tỷ trọng 75% GRDP của tỉnh. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Bộ đã và đang triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để phát huy các lợi thế của biển, giúp nhiều tỉnh, thành phố khó khăn trước đây chuyển mình mạnh mẽ.

Đặc biệt, chiến dịch chống rác thải nhựa đã phát huy nhiều hiệu quả khi nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các tỉnh, thành phố đến huyện, xã trong cả nước. Công tác dự báo khí tượng thủy văn sát với tình hình diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, khó lường…

Với sự chủ động cao trước những vụ việc phát sinh phức tạp diễn ra trong thời gian qua, đặc biệt là trên địa bàn thành phố Hà Nội, các đơn vị chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những phản ứng nhanh, thể hiện được vai trò quản lý nhà nước trên lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Cụ thể như sự cố cháy tại Nhà máy Rạng Đông, sự cố dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước ở Nhà máy nước sạch sông Đà hiện nay...

Đề cập về những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, những điểm “nóng” của ngành trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, đó là công tác chỉ đạo điều hành nhiều khi chưa theo kịp với thực tiễn và tính chủ động, chịu trách nhiệm chưa cao.

Các nguồn vốn ODA chậm giải ngân và phải trả lại khá lớn; ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc vẫn còn nhiều hạn chế. Tình trạng khiếu kiện đất đai và môi trường có xu hướng tăng; vấn đề ô nhiễm không khí và quản lý nguồn nước; giải quyết những điểm nghẽn để đưa nguồn lực đất đai vào cuộc sống…

Trong những tháng cuối năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung trọng tâm vào việc hoàn thiện các dự án luật để trình Chính phủ và Quốc hội; sớm ban hành thông tư liên quan tới quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp; nghiên cứu đẩy mạnh tiến độ giải ngân nguồn ngân sách và vốn ODA.

Danh Hồng (TTXVN)